Bộ Nội vụ: Có hiện tượng lợi dụng hầu đồng để trục lợi, kiếm tiền

Ngày đăng: 06:35 13/02/2023 Lượt xem: 135

Bộ Nội vụ: Có hiện tượng lợi dụng hầu đồng để trục lợi, kiếm tiền

 

(Dân trí) - Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua việc tổ chức các hoạt động hầu đồng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã xảy ra những hiện tượng phản cảm, sai lệch bản chất của di sản và có hiện tượng trục lợi.

"Hiện nay hệ thống văn bản hướng dẫn quản lý đối với hoạt động tín ngưỡng còn thiếu, mang tính chung chung, chưa có hướng dẫn chi tiết, quy định xử lý đối với một số hoạt động như: Lập điện tư gia, đưa tượng vào khuôn viên đất ở của gia đình việc tổ chức hầu đồng, việc quản lý các nguồn thu, công đức tại cơ sở tín ngưỡng", Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phản ánh thắc mắc của cử tri.

Trên thực tế đã xuất hiện nhiều hình thức tín ngưỡng, tâm linh mang màu sắc mới nhưng chưa có văn bản hướng dẫn quản lý. Vì thế, cử tri tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể công tác quản lý đối với hoạt động tín ngưỡng để các địa phương thực hiện.

Bộ Nội vụ: Có hiện tượng lợi dụng hầu đồng để trục lợi, kiếm tiền - 1

Một buổi hầu đồng ở Việt Nam (Ảnh minh họa: TL).

Điện thờ tư gia không được công nhận là cơ sở tín ngưỡng

Trong công văn trả lời, Bộ Nội vụ cho biết, cơ sở pháp lý giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động tín ngưỡng căn cứ vào Luật Di sản văn hóa, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống pháp lý gây không ít khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành Công văn số 1400/2019 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng.

Nội dung hướng dẫn gồm công tác thống kê, nghiên cứu khảo sát thực trạng tín ngưỡng hướng dẫn thực hiện pháp luật về tín ngưỡng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nghiệp vụ cho công chức, viên chức và người thực hành tín ngưỡng, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tín ngưỡng công tác vận động quần chúng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động tín ngưỡng,…

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã tham mưu Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng đối với từng trường hợp cụ thể còn vướng trong thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng như những vấn đề phát sinh chưa được quy định như: xây dựng mới cơ sở tín ngưỡng, xác định chủ thể quyền sử dụng đất cơ sở tín ngưỡng,…

Hiện nay, Nghị định 107/2020, Nghị định 108/2020 của Chính phủ và Thông tư 05/2021 của Bộ Nội vụ quy định Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, có chức năng tham mưu, giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Vì vậy, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ và tình hình thực tiễn của địa phương, Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai tham mưu và triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng tại địa phương.

"Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng, là sở hữu chung của cộng đồng. Do vậy, điện thờ tư gia không được công nhận là cơ sở tín ngưỡng. Hoạt động tín ngưỡng tại các điện thờ tư gia chỉ được phục vụ riêng cho gia đình", Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Chính quyền địa phương cần hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng cơ sở tín ngưỡng theo quy định của pháp luật đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc xây dựng điện thờ tư gia với mục đích hoạt động như cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng.

"Không để người dân tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tại điện thờ tư gia như tại các cơ sở tín ngưỡng", Bộ Nội vụ nêu rõ.

Bộ Nội vụ: Có hiện tượng lợi dụng hầu đồng để trục lợi, kiếm tiền - 2

"Cô đồng bổ cau" Trương Thị Hương vừa bị Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và buộc gỡ thông tin xấu độc đăng trên mạng xã hội. (Ảnh: Xuân Mai).

Hầu đồng: Có hiện tượng lợi dụng niềm tin để trục lợi, kiếm tiền

Trong công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, Bộ Nội vụ phản ánh thời gian qua việc tổ chức các hoạt động hầu đồng và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn để xảy ra những hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản như: Tổ chức hầu đồng không đúng không gian tâm linh sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng; có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng,…

Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hầu đồng và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thuộc trách nhiệm chính của ngành quản lý nhà nước về văn hóa. Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ là cơ quan phối hợp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản hướng dẫn địa phương cũng như chấn chỉnh sự lệch chuẩn trong hoạt động này. Việc quản lý các nguồn thu, công đức tại cơ sở tín ngưỡng đã được quy định cụ thể tại Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

"Về các hiện tượng tôn giáo mới hay các hoạt động phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, thời gian qua Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục hướng dẫn những vụ việc liên quan phát sinh liên quan", Bộ Nội vụ nêu trong công văn gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai để trả lời cử tri.
(PS st theo Dân trí)


tin tức liên quan