55 năm vụ thảm sát Mỹ Lai* -
sự thật đã bị người Mỹ phơi bầy.
Hoàng Văn Kính
Một trong những sự kiện bi thảm nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam được Howard Jones - Giáo sư nghiên cứu danh dự ngành lịch sử tại Đại học Alabama (Mỹ) tái hiện, phân tích chân thực, toàn diện trong cuốn sách “Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát”. Cuốn sách do dịch giả Mạnh Chương chuyển ngữ, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.
Cuốn sách “Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 - Nhìn lại cuộc thảm sát” dày 712 trang, là kết quả của gần một thập niên tìm tòi, nghiên cứu công phu của tác giả, tường trình một cách sinh động và chi tiết về một trong những sự kiện bi thảm nhất trong cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam.
Vụ lính Mỹ thảm sát dân thường ở Mỹ Lai xẩy ra cách đây 55 năm ( 16-3-1968 ) là một tội ác tột cùng của kẻ xâm lược, đánh dấu một ngày đen tối trong lịch sử quân đội Hoa Kì và cũng là nỗi đau tột cùng của người dân Mỹ Lai nói riêng và cả nước nói chung. Một tội ác trời không dung, đất không tha đã trở thành vết nhơ trong lịch sử các cuộc chiến tranh của quân đội Mỹ.
Mỹ Lai vốn là một làng nhỏ yên bình ở tỉnh Quảng Ngãi. Sáng 16/3/1968, lính Mỹ tràn vào bốn thôn Mỹ Lai 4, Mỹ Khê 4, Bình Tây và Bình Đông của huyện Sơn Tịnh. Sau 3 giờ đồng hồ lùng sục, phá phách, đốt nhà, lính Mỹ bắn giết hơn 500 dân làng không có vũ khí, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nhiều trẻ sơ sinh đã bị giết chết vô cùng dã man. Nhiều người trước khi bị tàn sát còn bị chúng cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập, cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. “ Thảm sát Mỹ Lai.” được đặt theo tên của một trong các địa danh đó. Sáng ngày 16 tháng 3, sau một đợt công kích dọn chỗ ngắn bằng pháo và súng máy bắn từ trực thăng, Đại đội Charlie đổ bộ vào làng Sơn Mỹ. Các binh sĩ của đơn vị này không tìm thấy bất cứ lính Việt Cộng nào trong làng, thay vào đó chỉ có những người dân thường, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đang cố gắng tìm chỗ ẩn nấp, nhiều người trong làng vẫn còn đang nấu cơm sáng. Cả đại đội đã ra tay giết chóc " tàn sát bất cứ thứ gì động đậy ".
Chúng xả đạn bừa bãi này, hủy diệt tất cả những gì chuyển động, người, gia súc, gia cầm... với mức độ tàn bạo mỗi lúc một cao. Chúng quăng lựu đạn vào nhà mà không thèm bận tâm xem ở trong có gì. Một sĩ quan túm tóc một người đàn bà và dùng súng ngắn bắn thẳng vào đầu. Một phụ nữ vừa ôm con nhỏ bước ra khỏi nhà định chạy trốn liền bị bắn chết ngay tại chỗ. Khủng khiếp hơn, một lính Mỹ dùng khẩu súng trường tự động M16 xả đạn bắn tung xác đứa trẻ sơ sinh khi nó vừa từ vòng tay mẹ rơi xuống đất.
Chúng dồn hàng chục người xuống một mương nước và chúng xả súng giết hết, một số chỗ khác cũng xảy ra cảnh giết chóc hàng loạt như vậy. Một nhóm lớn gồm khoảng 80 dân làng nằm trong vòng vây của Trung đội 1 ở trung tâm làng bị Trung đội trưởng Calley đích thân giết hoặc ra lệnh cho cấp dưới giết. Lính Trung đội 2 đã giết ít nhất từ 60 đến 70 dân làng khi đơn vị này càn qua nửa phía bắc của thôn Mỹ Lai 4 và Bình Tây…
Bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của vụ thảm sát Mỹ Lai, bức ảnh mà Đức tin rằng
có cả mẹ ông và chiếc túi màu đỏ của gia đình ông. Ảnh: Ronald Haeberle.
Sau cuộc càn quét đầu tiên của Trung đội 1 và 2, Trung đội 3 được lệnh giải quyết bất cứ sự kháng cự nào còn lại. Ngay lập tức lính Mỹ giết tất cả những người và gia súc còn sống kể cả những người đã giơ tay đầu hàng từ chỗ ẩn nấp hoặc những tiếng rên đau đớn từ các đống xác chết. Trung đội 3 cũng là đơn vị bao vây và giết một nhóm khoảng từ 7 đến 12 dân thường gồm toàn phụ nữ và trẻ em.
Vì Đại đội Charlie không gặp bất cứ sự kháng cự nào của "quân địch", nên Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn bộ binh số 3 bắt đầu chuyển hướng càn quét sang các xóm của thôn Mỹ Khê 4 và giết khoảng 90 dân thường. Trong cuộc càn quyét này chỉ có 1 lính Mỹ chết và 7 bị thương vì mìn và bẫy cá nhân. Trong vòng 2 ngày tiếp theo, các đơn vị lính Mỹ tiếp tục việc đốt phá các làng xóm và tra tấn những người bị bắt.
Thảm sát Mỹ Lai đã được quân đội Mỹ che dấu trong một báo cáo thành tích rằng: “ Họ đã tiêu diệt 128 binh lính kẻ thù mà không chịu bất cứ thương vong nào”. Cho tới cuối năm 1969, chỉ đến khi có một số người từng có mặt ở hiện trường, như phi công trực thăng Hugh Thompson và xạ thủ trực thăng Lawrence Colburn lên tiếng về những tội ác họ chứng kiến, vụ việc mới được đưa ra ánh sáng tại Mỹ. Tuy nhiên, tòa án Mỹ đã không kết tội bất cứ sĩ quan hay binh lính Hoa Kỳ nào sau vụ thảm sát này, ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội tên là William Calley bị tuyên án chung thân, nhưng chỉ 1 ngày sau, Tổng thống Mỹ ra lệnh ân xá và Calley chỉ phải chịu quản thúc tại gia 3 năm rưỡi.
Khép lại quá khứ để hướng tới tương lai nhưng lịch sử thì mãi mãi còn đấy, không ai được phép lãng quên. Nhớ lại một thảm kịch cách đây 55 năm do lính Mỹ gây ra không phải để nuôi dưỡng lòng hận thù mà để hiểu hơn bản chất thật núp sau ánh hòa quang văn minh của thế giới phương Tây do Mỹ đứng đầu.
Hãy xem những gì họ đã làm và đừng bao giờ ảo tưởng về những gì họ đã và đang vẽ ra về 1 thế giới tự do, dân chủ, văn minh, nhân quyền... theo kiểu Mỹ và phương Tây.
---------------------------------------------------------
*Tư liệu trong bài viết tham khảo trong cuốn sách: “ Mỹ Lai: Việt Nam, 1968 – Nhìn lại cuộc thảm sát ”
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội