Tuy vậy, suốt quá trình ấy, số lần sử dụng tấm bằng tiến sĩ đếm chưa hết đầu ngón tay, và cũng chỉ dừng lại ở việc gửi email hình chụp tấm bằng. Chưa đơn vị nào đòi tôi công chứng hay thẩm định bằng cấp.
Ở Việt Nam, lợi dụng những điều kiện khó khăn khi thẩm định bằng cấp trong thời gian qua, một cá nhân đã sử dụng bằng tiến sĩ giả để giảng dạy tại nhiều trường, thậm chí còn được bổ nhiệm làm trưởng khoa. Sự việc đang làm ngỡ ngàng ngành giáo dục Việt Nam.
Chuyện bằng cấp giả ở bậc đại học khiến tôi nghĩ đến câu chuyện mình từng trải nghiệm. Hồi còn giảng dạy đại học ở Việt Nam, có lần tôi được cơ quan yêu cầu làm thủ tục xác nhận bằng cấp Thạc sĩ nước ngoài của mình với một đơn vị chuyên trách cấp Bộ. Sự việc xảy ra sau khi tôi tốt nghiệp về nước gần được ba năm. Quy trình kéo dài một cách vô lý, từng khiến tôi có ý định "mặc kệ".
Tôi được yêu cầu cung cấp bằng chứng về việc mình lưu trú toàn thời gian tại nước ngoài trong quá trình học tập. Thật không may là cuốn hộ chiếu cũ - có đầy đủ dấu xuất nhập cảnh - đã hết hạn và bị thất lạc sau khi tôi về nước. Phải mất một thời gian dài tôi mới xin được xác nhận của cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh về lịch sử ra vào Việt Nam giai đoạn ấy.
Bên cạnh đó, đơn vị cấp Bộ còn yêu cầu tôi tìm bằng chứng chương trình tôi học đã được công nhận trước đó ở Việt Nam. Dù đã lý giải rằng trên bằng cấp có số điện thoại của cơ quan Pháp - nơi có thẩm quyền trả lời mọi thông tin về bằng cấp của tôi - tôi vẫn nhận được câu trả lời: "Bộ sẽ thẩm định sau, cá nhân phải tự chứng minh bản thân trước". Cuối cùng, tôi cũng tìm được một tài liệu liên quan đến sự công nhận bằng cấp của nhau giữa Pháp và Việt Nam để trình bày thì mọi việc mới xong xuôi.
Việc sử dụng bằng cấp của tôi tại châu Âu không có gì phức tạp - không có nghĩa là họ bỏ sót khâu thẩm định. Thứ nhất, phía sau mỗi tấm bằng đều có thông tin về bộ phận thẩm định bằng cấp. Ai có nhu cầu kiểm tra sẽ phải tự liên hệ và chắc chắn, tôi không phải làm công việc đấy để tự chứng minh bản thân. Thứ hai, từ năm 2009, Bộ Giảng dạy cao cấp và Nghiên cứu của Pháp bắt đầu triển khai nền tảng điện tử để tra cứu thông tin các luận án tiến sĩ. Đến nay, tất cả luận án đã bảo vệ thành công từ năm 1986 hoặc đã đăng ký ghi danh với trường đào tạo nhưng đang trong quá trình nghiên cứu đều được đăng tải công khai trên nền tảng này. Ở một số nước như Anh hay Mỹ, cơ sở dữ liệu của các trường cũng cho phép tra cứu thông tin những luận án tiến sĩ đã được bảo vệ thành công. Vì vậy, việc khai man hay giả mạo bằng tiến sĩ là điều gần như bất khả thi.
Trở lại câu chuyện sử dụng bằng giả để giảng dạy và trở thành trưởng khoa, nhiều trường nêu ra những khó khăn trong việc thẩm định bằng cấp ở giai đoạn Covid-19. Đại dịch gây ra nhiều khó khăn cho các giao dịch trực tiếp của mọi lĩnh vực xã hội, trong đó có việc liên lạc và xác minh bằng cấp qua đường công văn.
Quả thật việc kiểm tra trực tiếp bằng các văn bản gửi qua gửi lại rất mất thời gian và tăng khối lượng công việc của các bộ phận liên quan. Vì vậy tính hiệu quả của nó không cao xét nếu cần kiểm tra diện rộng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt đầu triển khai xây dựng nền tảng số để tra cứu bằng cấp từ năm 2021 nhưng đến nay chỉ dừng lại ở mức vận hành thử nên không cho phép kiểm tra nhanh thông tin.
Thông tin về các luận án tiến sĩ trước nay được quản lý chặt chẽ theo "Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ", ban hành kèm Thông tư số 8/2017 và Thông tư số 18/2021. Theo đó, người được cấp bằng tiến sĩ phải bảo đảm đã nộp lưu chiểu luận án tốt nghiệp của mình cho Thư viện Quốc gia.
Mặc dù vậy, khi truy xuất vào website của Thư viện Quốc gia để tìm kiếm thông tin các luận án tiến sĩ, tôi thấy công cụ tìm kiếm rất thô sơ và chỉ cập nhật được các luận án đến năm 2013.
Quá trình chuyển đổi số, ngoài việc thúc đẩy tốc độ xử lý công việc, còn cho phép minh bạch hóa các quy trình. Nếu giáo dục là nền tảng của một quốc gia, việc minh bạch quy trình quản lý giáo dục góp phần bảo đảm chất lượng và niềm tin của toàn dân vào nền tảng quốc gia ấy.
Quản lý thủ công tỉ mỉ dễ khiến người ta nhầm tưởng rằng quy trình đó chặt chẽ đến mức kiến chui không lọt. Tuy nhiên, vì quản lý thủ công nên khối lượng hồ sơ được kiểm tra không nhiều và vô tình trở thành lỗ hổng cho cả con voi chui qua.
Võ Nhật Vinh
(PS st theo VnExpress)