"Định vị mới, phương hướng mới, triển vọng mới, động lực mới", đó là 4 điều mới mà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Trung Quốc sẽ có cơ hội cùng nhau xác định, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào tuần tới, theo chia sẻ ngày 10/12 của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.
"Công cuộc xã hội chủ nghĩa của hai nước đang bước vào hành trình mới và giai đoạn phát triển mới. Vì thế, tôi tin rằng hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng có rất nhiều điều muốn trao đổi với nhau", Đại sứ Hùng Ba nói.
Tin cậy chính trị không ngừng đi vào chiều sâu
Đại sứ Hùng Ba cho rằng trong năm 2023, dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Trung Quốc, lãnh đạo hai nước đã duy trì các trao đổi mật thiết, giúp sự tin cậy chính trị giữa hai bên không ngừng đi vào chiều sâu.
Đại sứ Hùng Ba cho rằng chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình có ý nghĩa lịch sử, nhằm đáp lại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022.
"Hai nhà lãnh đạo sẽ thông báo cho nhau tiến triển mới nhất trong công cuộc phát triển Đảng và Nhà nước của mỗi bên", Đại sứ nói. "Hai bên sẽ đi sâu trao đổi ý kiến nhằm làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước trong thời đại mới".
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ ký hàng chục văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, Đại sứ Hùng Ba cho biết.
"Trên nền tảng hai bên kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo hai nước có thể xác định định vị mới cho mối quan hệ, xác định phương hướng mới cho sự phát triển quan hệ hai nước, mở ra viễn cảnh mới cho sự hợp tác trên các lĩnh vực, và tiếp thêm động lực mới cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước", ông Hùng Ba nói.
Chuyến thăm sắp tới không chỉ có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ hai nước nói chung mà còn có ý nghĩa lớn đối với mối quan hệ cá nhân thân tình 12 năm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Ông Hùng Ba bày tỏ sự xúc động khi từng được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng càng nói chuyện với Tổng Bí thư Tập Cận Bình thì càng cảm thấy hai người rất "hợp nhau" và có rất nhiều nội dung có thể trao đổi với nhau.
"Đây là sự kiện mà hai Tổng Bí thư đều rất mong chờ, vì hai người đều rất nhớ nhau và mong được gặp nhau", ông Hùng Ba nói và khẳng định rằng tình hữu nghị giữa hai nhà lãnh đạo cũng là tài sản chung quý báu của hai nước.
Tăng cường liên kết "cứng"
Đại sứ Hùng Ba chỉ ra rằng khi độ tin cậy chính giữa Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được củng cố, nhu cầu hợp tác giữa hai bên cũng không ngừng được mở rộng. Và trong quá trình hợp tác ấy, "cơ hội đều lớn hơn thách thức", ông nói.
Theo ông, hai nước cần tăng cường kết nối trên đường bộ, đường biển, trên không và trên không gian mạng. Trong đó, ưu tiên nhất là hợp tác về cơ sở hạ tầng cứng như đường sắt và đường bộ cao tốc.
Trên phương diện này, ông Hùng Ba cho biết Trung Quốc - Việt Nam đang đẩy nhanh dự án đường sắt Hà Khẩu - Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Hai bên đã bước vào giai đoạn xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi.
"Trung Quốc cũng sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn lại để giúp Việt Nam nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội", ông nói. "Bước tiếp theo, hai bên sẽ đẩy nhanh thực hiện quy hoạch xây dựng dự án tuyến đường sắt từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hải Phòng".
Ngoài ra, Trung Quốc và Việt Nam cũng có thể hợp tác để xây dựng tuyến đường sắt phía đông trong khuôn khổ đường sắt xuyên Á vì đây sẽ là "tuyến đường sắt có nhu cầu lớn nhất và có điều kiện xây dựng tốt nhất", theo ông Hùng Ba.
"Những dự án trên nếu được hoàn thành chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hơn nữa mức độ liên kết giao thông giữa hai nước, nâng cao hiệu suất vận chuyển hàng hóa", Đại sứ Trung Quốc nói và bổ sung rằng điều này sẽ giúp làm giảm thời gian chờ của các xe hàng qua biên giới Việt - Trung.
"Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu trái cây Việt"
Về thương mại, ông Hùng Ba nêu lại các điểm nhấn kinh tế - thương mại mà hai nước đã đạt được trong năm qua, như Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam là nước đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc.
"Trung Quốc sẵn sàng và tích cực mở rộng nhập khẩu đối với hàng nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam. Trong 3 quý đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam vào Trung Quốc đã tăng 160 % so với cùng kỳ năm ngoái", ông nói.
Đại sứ Hùng Ba lấy quả sầu riêng làm ví dụ cho thành công thương mại giữa hai nước.
"Việt Nam đầu năm nay đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD sầu riêng sang Trung Quốc. Lúc đó tôi đã nói là đến cuối năm 2023 chắc chắn sẽ vượt qua rất nhiều con số này, thậm chí là gấp hai lần", ông nói và chỉ ra rằng kim ngạch nhập khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm đạt 1,95 tỷ USD.
"Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh các thủ tục cũng như tham vấn trình tự kiểm dịch dừa tươi nhập khẩu từ Việt Nam", ông Hùng Ba nói. "Theo tôi, dừa tươi cũng là thị trường rất lớn".
Về vấn đề cân bằng cán cân thương mại, Đại sứ Trung Quốc khẳng định nước này không cố ý theo đuổi việc xuất siêu thương mại đối với Việt Nam mà đó là do kết quả sự phân công, phân bổ công nghiệp quốc tế, thị trường hóa.
Ông trích dẫn số liệu Hải quan Trung Quốc rằng trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, và con số nhập siêu từ Việt Nam đã giảm 24,8 % so với cùng kỳ năm 2022.
Sau khi hai nước nới lỏng các biện pháp phòng dịch, giao lưu nhân nhân hai nước cũng rất sôi nổi, ông Hùng Ba nói và chỉ ra rằng trong 11 tháng đầu năm 2023, có 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam.
Với việc Việt - Trung duy trì mật thiết trao đổi cấp cao, quan hệ song phương về mọi mặt có nhiều điểm nhấn, Đại sứ Hùng Ba đánh giá: "Nhìn chung, kể từ năm ngoái quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì đà phát triển tốt lành và mạnh mẽ".
"Chúng tôi tràn đầy niềm tin đối với tương lai của sự phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam", ông khẳng định.