"Mua thuốc ngoài viện" - Góc nhìn của Quan Thế Dân

Ngày đăng: 02:19 30/12/2023 Lượt xem: 42
GÓC NHÌN

Mua thuốc ngoài viện

Quan Thế Dân

Quan Thế Dân

Bác sĩ, Tiến sĩ Y học

Mấy hôm nay bệnh viện tôi xôn xao vì cái tin sắp tới BHYT sẽ trả tiền các đơn thuốc mua ngoài. Bệnh nhân mừng rỡ, hy vọng. Bác sĩ thì bối rối lo âu vì lường trước biết bao rắc rối đang chờ đợi mình.

Dù mừng hay lo, chúng tôi đều thấp thỏm rằng câu chuyện này rồi sẽ thoảng qua, như chút nắng ấm trong ngày đông thôi. Nhưng lần này Bộ Y tế làm thật. Bộ vừa ra dự thảo thông tư về việc BHYT thanh toán tiền thuốc và vật tư mà bệnh nhân mua ngoài. Khi vấn đề đã được đưa thành văn bản pháp luật thì cần nói cho hết nhẽ. Vì nếu dự thảo thông qua mà không thực hiện được thì tình hình y tế có thể càng rối hơn.

Trước hết, phải nói ngay rằng việc bệnh nhân phải mua thuốc ngoài là chuyện thường ngày, đã có từ lâu, vì thế mới có cái "Nhà thuốc bệnh viện". Bệnh viện nhỏ thì một nhà thuốc, bệnh viện lớn có đến vài nhà thuốc mới đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.

Lần lại lịch sử y tế, thời bao cấp bệnh nhân không phải mua thuốc ngoài. Khi đó mọi nhu cầu khám chữa bệnh đều được bao cấp. Bệnh viện rất khó khăn, nhưng có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, bác sĩ và bệnh nhân đều hiểu và chấp nhận giật gấu vá vai. Vả lại khi đó thuốc ngoài cũng không có mà mua.

Từ những năm 1990, khi đất nước dần từ bỏ mô hình bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường, cách thanh toán trong ngành y cũng thay đổi. Hoạt động bệnh viện được chi trả từ ba nguồn riêng biệt. Một là từ ngân sách nhà nước, bao cấp cho mua sắm cơ sở vật chất lớn, xây dựng, điện nước, trả lương nhân viên y tế. Nguồn thứ hai từ bảo hiểm y tế, chi trả cho thuốc men, vật tư tiêu hao, xét nghiệm... hàng ngày. Nguồn thứ ba là từ chi trả trực tiếp của người bệnh, cho các dịch vụ hoặc thuốc ngoài. Theo nhiều thống kê đã công bố, nguồn chi trả trực tiếp từ người bệnh chiếm 40% tổng chi phí khám chữa bệnh.

Kế hoạch năm của BHYT là khoảng 110 nghìn tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước bỏ ra một khoảng tương đương. Tức tổng cộng xấp xỉ 10 tỷ USD/năm. Người dân chi trả trực tiếp 5-6 tỷ USD. Như vậy tổng ngân sách y tế Việt Nam một năm khoảng 15 tỷ USD. Cho 100 triệu dân. Tính ra chi phí y tế bình quân đầu người một năm có 150 USD. Để so sánh, con số này ở Mỹ, cao nhất thế giới, là gần 11.000 USD, Nhật (4.690 USD), Hàn Quốc (3.400 USD), Trung Quốc (810), Indonesia (337 USD), Ấn Độ (257 USD), theo số liệu của WHO năm 2019.

150 USD, dễ thấy ngay, là không đủ cho nhu cầu y tế của người dân. Nhưng chúng ta ít khi nói rành mạch về vấn đề này. Nhiều người dân vẫn hiểu lơ mơ rằng tôi đã mua BHYT là tôi được thanh toán hết các chi phí khám chữa bệnh. Nếu tôi còn phải chi thêm tiền ngoài thì là do ngành y làm ăn tiêu cực. Bao nhiêu năm nay ngành y vẫn phải mang điều tiếng như vậy.

Vì nguồn tài chính không đủ, BHYT chỉ đáp ứng những chi phí cơ bản nhất, hướng tới số đông. Thuốc và vật tư y tế cũng vậy, luôn phải chọn những gì rẻ nhất. Tôi thật sự thông cảm và thấu hiểu cho những người đang được giao một việc rất khó khăn, là với nguồn tài chính ít ỏi, làm sao đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh cho 100 triệu dân.

Lý thuyết và thực tiễn vênh nhau mới sinh ra thuốc ngoài, thuốc trong; khiến người thầy thuốc trực tiếp chữa bệnh gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Ví dụ đơn giản: bệnh nhân sốt, cho uống viên paracetamol trong BHYT mãi chưa hạ sốt, vì thuốc viên nén cần có thời gian tan ra mới ngấm; còn cho uống viên sủi paracetamol nhập ngoại, thả vào nước tan ra thơm mát thì hạ nhiệt ngay. Nhưng giá của hai viên thuốc này chênh nhau khoảng 10 lần. Là bác sĩ ai chẳng muốn cho người bệnh uống thuốc tốt nhất, mau ra viện. Nhưng chi phí chênh lệch, ai sẽ bù cho?

Tôi vừa trình bày lý do lớn nhất của việc mua thuốc ngoài. Nếu không nắm được lý do chính này để ra chính sách, sẽ gây ra những hiểu lầm rất lớn. Tuy Bộ Y tế đã rất thận trọng, dự thảo thông tư nói rõ những thuốc trong phạm vi thanh toán của BHYT mà để người bệnh tự mua thì BHYT sẽ phải thanh toán lại cho người bệnh. Tức là trong ví dụ trên của tôi, để hạ sốt thì BHYT có viên nén paracetamol, nếu thuốc này trong bệnh viện hết, người bệnh phải tự ra ngoài mua, thì BHYT sẽ thanh toán đúng giá viên nén paracetamol; còn những ai muốn dùng viên sủi ngoại nhập thì BHYT không thanh toán. Nhưng người bệnh không phải ai cũng hiểu cặn kẽ như vậy. Họ chỉ nghe vắn tắt là mua thuốc ngoài cũng được thanh toán, ai không chịu thanh toán là đang gây khó dễ cho. Nhận thức này nếu không được truyền thông đầy đủ sẽ có thể gây ra mâu thuẫn không đáng có giữa người bệnh và nhân viên y tế, tạo ra hiểu nhầm giữa người dân và ngành y.

Nếu thông tư chỉ nhằm thúc ép các bệnh viện mua sắm đủ thuốc men và vật tư y tế trong kế hoạch, không để người bệnh phải tự đi mua, thì thật sự không đáng. Các tháo gỡ của chính phủ cho BYT về đấu thầu đã tháo bỏ hầu hết trở ngại do chủ quan. Phần lớn bệnh viện hiện nay đã có đủ thuốc trong BHYT cho người bệnh. Số lượng thuốc và vật tư trong BHYT mà người bệnh phải tự mua còn rất ít. Tôi quan sát thấy số lượng người bệnh quay lại viện công tăng rõ rệt so với cao điểm khủng hoảng do đấu thầu cách đây một năm.

Công việc cần làm tiếp của BYT là khẩn trương xây dựng quy chế đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Làm sao tất cả thuốc và vật tư y tế của cả nước được đấu thầu cấp quốc gia, các bệnh viện chỉ căn cứ vào giá đó để lên kế hoạch mua sắm. Như vậy ngành y sẽ mua được thuốc và vật tư với giá tốt nhất, tiết kiệm được một số tiền lớn nếu xét ở quy mô quốc gia. Các bệnh viện cũng sẽ tiết kiệm được số nhân lực lớn trong tổ chức đấu thầu mua sắm. Việc này cũng giúp ngăn được một trong những nguyên nhân gây tham nhũng trong bệnh viện.

Sau cùng, nếu Bộ Y tế muốn trả lại tiền thuốc BHYT cho bệnh nhân mua thuốc ngoài, thì về cách thực hiện, phải làm sao đừng đẩy cái khó khăn khi thanh toán cho người bệnh. Các nguyên tắc tài chính đều cần sự chặt chẽ. Thuốc nào được BHYT chi trả, thuốc nào không. Giấy tờ nào giúp chứng minh nằm viện, giấy nào chứng minh thuốc được mua đúng bệnh... những thủ tục này, nếu không được làm cho đơn giản, rành mạch, sẽ khiến nhiều người bỏ cuộc, không dám đi lấy lại tiền. Rút cuộc, ý định tốt đẹp của người thiết kế thông tư có thể không đến được với người bệnh.

Vì thế theo tôi, nếu vẫn quyết thực hiện trả lại tiền cho người bệnh đã mua ngoài, thì đó phải là việc của bác sĩ với BHYT. Chính bác sĩ là người rõ nhất bệnh nhân cần thuốc nào, thuốc đó có trong BHYT hay không. Nếu bác sĩ biết thuốc đó có trong BHYT mà bệnh viện hiện tại không có, họ sẽ kê đơn cho bệnh nhân đi mua ngoài, và bản sao đơn thuốc cùng hóa đơn từ nhà thuốc bệnh viện sẽ được chuyển cho BHYT thanh toán, người bệnh không phải bận tâm. Nhưng bệnh viện và BHYT sẽ không thích điều này, vì họ phải thêm việc.

Đó đều là những phiền toái mà nhà làm chính sách cần nghĩ tới trước khi ra quyết định.

Quan Thế Dân
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan