"Chữa bệnh"… chữ xấu như bác sĩ

Ngày đăng: 07:26 05/01/2024 Lượt xem: 60

"Chữa bệnh"… chữ xấu như bác sĩ

Trong ngành y tế có một câu chuyện tồn tại nhiều năm. Đó là chữ bác sĩ thường rất xấu. Nếu chữ bác sĩ chỉ liên quan đến bác sĩ thì không sao, nhưng vì chữ bác sĩ liên quan đến bệnh nhân thông qua việc nhận xét tình trạng sức khỏe, kê đơn thuốc… nên câu chuyện này trở thành phiền phức.

Đây không phải chuyện chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nhìn chung trên toàn thế giới, chữ bác sĩ đều rất xấu, thậm chí người không có kiến thức y khoa sẽ không thể đọc nổi. Những con số thống kê cho thấy, ở Mỹ có khoảng 10% bác sĩ viết chữ không đọc được, Anh là 15%, Ấn Độ 18% và Nepal lên tới 49%.

Chữa bệnh… chữ xấu như bác sĩ - 1

Một đơn thuốc với chữ bác sĩ xấu không đọc nổi (Ảnh minh họa: Internet).

Chữ viết của tôi cũng hơi khó đọc. Hồi con tôi mới đi học, cô giáo yêu cầu tôi phải ghi nhận xét và ký vào trong vở bài tập hoặc bài kiểm tra, tôi rất hiếm khi thực hiện việc này mà thường để cho người khác trong gia đình hoặc đôi khi nhờ hàng xóm. Lý do là nếu tôi tự viết thì cô giáo có thể nghĩ rằng… không phải là chữ của tôi vì nó quá xấu.

Như vậy việc bác sĩ có chữ viết khó đọc là hiện tượng phổ biến, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Nhiều bác sĩ mà tôi biết có chữ viết rất gọn gàng.

Vậy lý do của tình trạng nêu trên là gì?

Theo tôi, tình trạng chữ viết của bác sĩ khó đọc chỉ là đặc thù công việc, chứ không phải là cố ý. Lý do chủ yếu là bác sĩ quá bận rộn mà thôi. Khi còn là bác sĩ ngoại khoa, đầu giờ sáng sau khi đi buồng bệnh nhân và giao ban, tôi là bác sĩ trẻ nhất nên phải khám toàn bộ người bệnh trong khoa. Mỗi bệnh nhân tôi phải hỏi bệnh sử, khám thực thể, sau đó làm bệnh án, viết nhận xét hàng ngày, ra y lệnh, viết đơn thuốc, viết chỉ định xét nghiệm chụp chiếu, tổng kết hồ sơ bệnh án, viết giấy ra viện.

Ngày nào tôi cũng phải hoàn thành khối lượng công việc đó trước 9 giờ sáng, sau đó đi mổ và phụ mổ cho các chú các anh; ra khỏi phòng mổ lại tiếp tục viết bệnh án, sớm nhất 9 giờ tối mới được về nhà.

Sau này tôi làm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, ngày làm siêu âm thì có thư ký viết kết quả, còn đọc phim tôi phải tự viết. Trung bình mỗi ngày hàng trăm bệnh nhân, nội dung mô tả mỗi bệnh nhân hàng trăm chữ. Cứ như vậy, hàng ngày tôi có quá nhiều thứ để viết trong khi thuật ngữ y học lại phức tạp, vì vậy, khi cầm bút viết thì xu hướng là tôi sẽ cố gắng đơn giản hóa nó nếu có thể.

Dễ hiểu hơn, các bạn hãy đặt mình vào địa vị bác sĩ chúng tôi, tâm trạng các bạn muốn viết gọn gàng, viết cẩn thận từng nét một. Sau hàng chục năm bị "tra tấn" bởi loại công việc này, ngày này qua ngày khác, chữ viết của bạn dù đẹp tới đâu, thì cũng sẽ ngày càng trở nên cẩu thả, nét chữ dần gãy vỡ, nguệch ngoạc trên giấy như giun dế.

Tôi giải thích như vậy trên vai trò là một bác sĩ. Câu chuyện này cũng từng được giải thích trong một bài báo trên Tạp chí Khoa học Y tế Manipal:

① Các bác sĩ viết không rõ ràng không phải là một hành động cố ý nhằm gây nhầm lẫn cho mọi người, mà là một hậu quả vô tình của việc coi trọng những công việc khác. Chúng ta nên thừa nhận rằng bác sĩ không phải là những người bình thường mà chính là những người thể hiện kĩ năng vận động tinh xảo, như trong các ca phẫu thuật phức tạp.

② Các bác sĩ có xu hướng dồn toàn bộ tâm sức tập trung vào việc chẩn đoán và điều trị hơn là ghi văn bản hoặc viết đơn thuốc mà bệnh nhân cũng như người thân của họ đang hồi hộp chờ đợi. Tuy nhiên, chữ viết của các bác sĩ cũng không khá hơn, khi họ viết những bức thư chung chung trong những giờ rảnh rỗi ở nhà.

Nhiều nước đã tìm cách khắc phục tình trạng chữ bác sĩ như gà bới. Đơn cử ở Ấn Độ đã có nhiều bác sĩ bị tòa án xử phạt vì chữ viết quá xấu, yêu cầu bác sĩ cam kết viết chữ đẹp hơn. Thậm chí Bộ Y tế Ấn Độ đưa ra quy định bác sĩ kê đơn thuốc phải viết bằng chữ in hoa, để bệnh nhân "dễ đọc". Nhưng tôi theo dõi thấy tình trạng này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Thông thường thì dược sĩ rất giỏi nhận diện ký tự trong đơn thuốc, vì đó là công việc hàng ngày của họ. Đơn thuốc có thể giống như hình vẽ bậy, nhưng khi mang ra hiệu thuốc, các dược sĩ chỉ liếc mắt đã hiểu ngay.

Không bác sĩ nào viết giống bác sĩ nào. Dược sĩ đứng bán thuốc, mới ban đầu cũng bỡ ngỡ, nhưng theo năm tháng do đọc nhiều nên tự nhiên sẽ biết đó là chữ gì, thậm chí nhận ra bác sĩ nào viết. Một ngày nào đó, có bác sĩ mới về, thì dược sĩ lại phải mất một thời gian làm quen.

Tất nhiên, cũng có bác sĩ kê đơn chỉ để cho một hiệu thuốc đọc, nhằm kiếm hoa hồng; nhưng số này ít thôi.

Đến nay, giải pháp tối ưu khắc phục chữ viết của bác sĩ quá xấu trên toàn thế giới là chuyển sang đánh máy thay vì viết tay. Thực tế ở nhiều bệnh viện hiện nay, nhất là cơ sở tuyến trên, hồ sơ bệnh án đều là hồ sơ điện tử, văn bản được soạn thảo trên máy tính. Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) đã giúp giải quyết được nhiều việc, thông tin bệnh nhân nhập vào bằng cách quét mã vạch rất thuận tiện, chính xác và nhanh chóng.

Công việc đánh máy từ hồ sơ bệnh án, mô tả các bộ phận cơ thể trong kết quả siêu âm chụp chiếu hay nội soi, kê đơn thuốc, hầu hết nội dung chỉ là lệnh "copy & paste" trên máy tính, nghĩa là những thao tác đơn giản để chuyển cụm văn bản từ chỗ này sang chỗ khác.

Tuy nhiên, trong khi thao tác có thể dẫn đến những hiện tượng sai sót văn bản, như túi mật, lách, một bên thận, tử cung, buồng trứng đã cắt nhưng vẫn mô tả bình thường. Kết quả siêu âm ổ bụng nam giới có tử cung buồng trứng, nữ giới có tuyến tiền liệt và túi tinh, không phải là hiếm. Những bệnh nhân hay người nhà của họ không hiểu, không có sự thông cảm, sẽ nảy sinh mâu thuẫn với bác sĩ; thậm chí không ít người đã lợi dụng điều này để tống tiền bác sĩ.

Tóm lại, ngành Y tế đặt mục tiêu năm 2030, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Chúng ta cần nỗ lực đẩy sớm hơn lộ trình này, trong số các lợi ích nhận được có việc giải quyết vấn đề chữ bác sĩ khó đọc. Hiện nay các bệnh viện hoàn toàn có thể triển khai đặt lịch khám trực tuyến, thanh toán viện phí điện tử, áp dụng phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy…

Cùng với quá trình chuyển đổi số đó là yêu cầu thao tác cẩn thận để hạn chế tối đa sai sót. Được như vậy thì không lâu nữa sẽ chẳng còn ai thắc mắc về chữ bác sĩ.

(PS st theo Dân trí)


tin tức liên quan