"Bác sĩ đình công" - Góc nhìn của Quan Thế Dân

Ngày đăng: 10:23 17/03/2024 Lượt xem: 112
GÓC NHÌN

Bác sĩ đình công

Quan Thế Dân

Quan Thế Dân

Bác sĩ, Tiến sĩ Y học

Là bác sĩ, tôi không thể không để tâm đến cuộc đình công đang diễn ra trong giới y khoa ở Hàn Quốc.

Họ phản đối việc chính phủ đưa ra chương trình cải cách đào tạo ngành y, tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 2.000 người mỗi năm từ 2025. Y giới Hàn Quốc cho rằng, tình trạng bất bình đẳng thu nhập và chênh lệch quyền lợi giữa các khoa điều trị thiết yếu với những khoa nhiều lợi nhuận trong ngành y nước này không thể giải quyết chỉ bằng cách tăng số lượng tuyển sinh.

Hơn 9.200 bác sĩ nội trú, chiếm hơn 70% đội ngũ bác sĩ trẻ của Hàn Quốc, đã nộp đơn xin nghỉ việc tập thể. Gần 12.000 sinh viên y trên toàn quốc cũng xin nghỉ học, chiếm gần 63% tổng sinh viên y khoa Hàn Quốc.

Cuộc đình công này là hy hữu vì xưa nay trong giới y khoa, sinh viên và bác sĩ trẻ vốn ít có tiếng nói. Họ thường ở thế yếu. Các cuộc đình công trong ngành y thường do nhân viên y tế lâu năm tiến hành.

Làn sóng đình công của bác sĩ trẻ Hàn Quốc đã khiến những bệnh viện lớn nhất phải giảm 50% công suất hoạt động, từ chối bệnh nhân hoặc hủy phẫu thuật, đối diện nguy cơ gián đoạn hệ thống y tế nếu phong trào biểu tình vẫn kéo dài.

Tình cảnh ở Hàn Quốc có thể giúp y tế Việt Nam rút ra được những kinh nghiệm quý báu về mặt hoạch định chính sách.

Điều đầu tiên dễ dàng thống nhất là số lượng bác sĩ trên 10.000 dân là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh trình độ của nền y tế.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, thế giới có trung bình 17 bác sĩ trên 10.000 dân. Con số này chênh lệch khá nhiều tùy từng nhóm nước: các nước thu nhập cao (36), các nước thu nhập trung bình (13) và các nước thu nhập thấp (4) bác sĩ trên 10.000 dân. Hàn Quốc hiện có khoảng 26 bác sĩ, thấp nhất trong nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - 37 trên 10.000 dân. Vì thế, quyết định của Chính phủ Hàn Quốc - mở rộng đào tạo bác sĩ - là hoàn toàn dễ hiểu.

Tỷ lệ bác sĩ ở Việt Nam còn thấp hơn. Năm 1980, Việt Nam chỉ có 2 bác sĩ cho 10.000 dân. Sau hơn 40 năm, đến 2023, Việt Nam đạt 12,5 bác sĩ, vẫn kém mức trung bình của thế giới. Theo Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tới năm 2025, Việt Nam đạt 15 bác sĩ trên 10.000 dân.

Việc liên tục mở rộng đào tạo bác sĩ ở Việt Nam vì thế cũng là tất yếu, dù cách thức triển khai không tránh khỏi những băn khoăn về chất lượng. Trước năm 1954, cả ba nước Đông Dương chỉ có duy nhất trường Y ở Hà Nội đào tạo bác sĩ, với số lượng ra trường năm cao nhất khoảng 200. Sau 1954, phía Nam có Đại học Y khoa Sài Gòn, Huế. Phía Bắc, Đại học Y Hà Nội mở thêm các phân hiệu ở Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Phòng mà sau đó phát triển thành các trường đại học y cùng tên. Ngoài ra còn có Đại học Quân Y. Số lượng đào tạo mỗi trường khoảng 400 sinh viên/năm, nên tổng số bác sĩ cung cấp cho xã hội mỗi năm khoảng 2.000, rất thiếu so với nhu cầu.

Khả năng đào tạo không đáp ứng được, nên thời kỳ này nảy sinh nhiều loại hình đào tạo phi chính quy như: y sĩ học liên thông lên bác sĩ, bác sĩ chuyên tu, bác sĩ tại chức, bác sĩ cử tuyển... Tuy có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chung, chất lượng đào tạo của những loại hình này hạn chế nên cũng để lại nhiều điều tiếng.

Điều tiếng lớn nhất là không đảm bảo chất lượng điều trị. Ngoài ra những loại hình đào tạo này cũng gây bất công trong ngành, khi một bộ phận bác sĩ chính quy phải thi cử và học tập gắt gao lại chịu sự lãnh đạo của những bác sĩ được ưu ái đầu vào. Chưa kể, chính sách cộng điểm ưu tiên làm cho ngay trong hệ chính quy, chất lượng sinh viên cũng không đồng đều.

Hiện nay các loại hình đào tạo này đã hoàn thành vai trò lịch sử nên dần bị thu hẹp và chấm dứt.

Từ năm 2017 đến nay việc đào tạo bác sĩ ở Việt Nam bùng nổ với sự tham gia của các đại học y tư nhân. Bắt đầu từ trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đến nay đã có hàng chục trường khác tham gia. Theo ước tính của Bộ Y tế, năng lực đào tạo bác sĩ trên cả nước hiện vào khoảng 13.000 bác sĩ tốt nghiệp/năm. Đây là cơ sở để Việt Nam đạt mục tiêu 15 bác sĩ trên 10.000 dân vào 2025.

Như vậy có thể thấy dù huy động tất cả năng lực của khối đại học công lập và tư nhân thì đến năm 2025 Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp của thế giới về tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân và đến năm 2050 mới hy vọng đạt mức các nước phát triển hiện nay.

Vì thế cần xóa bỏ tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử các trường y. Tất yếu do chọn lọc, một vài trường có truyền thống sẽ đóng vai trò đào tạo tinh hoa, đào tạo sau đại học. Còn các trường khác đào tạo nhân viên y tế cho cộng đồng, cho tuyến cơ sở.

Ở một góc nhìn khác, cuộc đình công ở Hàn Quốc phơi bày góc khuất mà các bác sĩ trẻ phải chịu đựng. Họ phải làm việc quá sức, đến 20 giờ mỗi ngày với mức thu nhập thấp so với mặt bằng chung.

Đông đảo bác sĩ trẻ ở Việt Nam cũng đang chịu đựng tình trạng tương tự, và chịu đựng giỏi hơn nhiều. Họ nhận mức lương khởi điểm rất thấp, vài triệu đồng một tháng. Nhiều người còn làm không lương một thời gian dài ở các bệnh viện công để chờ một suất biên chế.

Một thực tế được khẳng định lần nữa ở đây là đãi ngộ công bằng với cống hiến mới là con đường phát triển bền vững. Sự đòi hỏi quá mức về lương y, đức hy sinh đối với bác sĩ sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài. Điều dễ thấy nhất là sau khi đã có vị trí tương đối, những bác sĩ trẻ đó sẽ ra sức kiếm tiền (kể cả bằng những cách trái đạo đức nghề nghiệp) để bù đắp lại thiệt thòi trước đây. Đãi ngộ chênh lệch vùng miền cũng gây ra bất cập về điều kiện chăm sóc sức khỏe ở từng địa phương. Ví dụ vùng Đông Nam Bộ có mật độ bác sĩ khá cao 10,6. Nhưng tính từng tỉnh trong vùng thì thấy, ngoài TP HCM, mật độ bác sĩ trên 10.000 dân ở 5 tỉnh còn lại rất thấp: Tây Ninh 4,3, Bình Phước 3,6, Bình Dương 5,8, Bà Rịa - Vũng Tàu 5,9, Đồng Nai 7,5.

Hệ lụy tiếp theo là lựa chọn chuyên khoa. Thế hệ chúng tôi chuộng những chuyên khoa có cơ hội đi học nước ngoài như tim mạch, chẩn đoán hình ảnh... Hiện nay, những ngành lên ngôi là khu vực có thu nhập cao như da liễu, phẫu thuật thẩm mỹ, tức thiên về chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sắc đẹp hơn là y tế, điều trị. Những ngành vất vả, thu nhập thấp vẫn thiếu bác sĩ như: Hồi sức cấp cứu, nhi, tâm thần, giải phẫu bệnh... Năm 2021 khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng tôi mới giật mình khi thấy chuyên ngành hồi sức cấp cứu thiếu đến thế nào. Có những tỉnh chỉ 1-2 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa.

Để hệ thống y tế phát triển cân đối giữa các vùng miền và các chuyên khoa, vai trò của Nhà nước mang tính quyết định. Không nên sử dụng cách phân công mang tính hành chính như trong quá khứ, mà nên áp dụng các chính sách khuyến khích về đãi ngộ, về tuyển dụng để giúp các bác sĩ trẻ đi vào những lĩnh vực mà xã hội còn thiếu.

Lương y như từ mẫu, nhưng mặt khác, muốn cứu người, bác sĩ trước hết phải sống được.

Quan Thế Dân
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan