"Nắm hay thả giá xăng?" - Góc nhìn của Trần Hữu Hiệp

Ngày đăng: 06:35 07/04/2024 Lượt xem: 19
GÓC NHÌN

Nắm hay thả giá xăng?

Trần Hữu Hiệp

Trần Hữu Hiệp

Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Luật học

Tháng 10 năm 2022, tôi viết bài Góc nhìn “Nghịch lý bán xăng” giữa lúc tình hình xăng dầu đang nước sôi lửa bỏng: người mua xếp hàng dài, các cây xăng đóng cửa, nghỉ bán.

Dưới bài viết của tôi, một độc giả "lạnh lùng" bình luận: "Chấp nhận giá cả thị trường. Tóm lại cứ cho giá xăng dầu theo giá thị trường. Giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng, giá thế giới giảm, thì giá trong nước giảm. Ai kinh doanh cũng muốn kiếm lời, cái khó của cửa hàng xăng dầu là họ không có quyền quyết định".

Gần hai năm sau, tại dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế các nghị định hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không điều hành giá mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế, phí). Dựa vào dữ liệu trên, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tự tính giá bán tối đa (giá trần). Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức trần.

Bộ Công Thương hy vọng, phương án này nhắm tới mục tiêu tiến gần hơn với giá thị trường.

Nhưng theo tôi, sự chuyển đổi nào cũng cần có lộ trình, không nên chuyển trạng thái từ "quản chặt" sang "buông lỏng", từ Nhà nước quản lý có kiểm soát giá xăng dầu sang doanh nghiệp tự định giá với cái khung "giá trần" mong manh. Cơ chế điều hành hiện tại cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nhưng nguyên tắc "giá bán xăng dầu được thực hiện theo thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ" vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Đề xuất cơ chế mới giao cho các doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán xăng dầu làm dấy lên lo ngại "bình mới, rượu cũ". Tình trạng độc quyền do các "ông lớn" xăng dầu đang nắm giữ có thể sẽ bóp méo cơ chế. Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường chiếm từ 30% trở lên trên thị trường liên quan. Hiện nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex - chiếm khoảng 50% thị phần và Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP PVOil - chiếm hơn 20% thị phần kinh doanh nội địa. Giá trần sẽ không có tác dụng khi dữ liệu tính toán của "chuyên viên nhà nước" không theo kịp thị trường, không tính đúng, tính đủ dẫn đến sai lệch và đặc biệt là doanh nghiệp có thể lạm dụng vị trí độc quyền để giữ giá. Theo đó, các thương nhân đầu mối khác cũng "neo" theo giá của ông lớn, khiến mục tiêu tạo sự cạnh tranh giá trên thị trường mà Bộ Công Thương đặt ra sẽ không thể thành hiện thực, thậm chí dẫn đến độc quyền.

Lo ngại về tác động tiêu cực của độc quyền doanh nghiệp xăng dầu với nhiều loại "giá, phí" tiếp tục dồn gánh nặng lên vai người tiêu dùng, vì thế, là có cơ sở.

Nhìn ra thế giới, các nước đang quản lý giá xăng dầu theo ba cách. Ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình, Chính phủ vẫn áp giá cố định. Một số nước khác thì dùng "hệ thống tự do quản lý" - Manage-float system" điều chỉnh giá xăng dầu theo giá trần. Còn ở Mỹ, châu Âu, giá xăng dầu vận hành theo biến động thị trường, nhưng bên cạnh việc trao cho doanh nghiệp tự định giá, họ có cơ chế thu thập thông tin, dữ liệu về thị trường, cơ chế kiểm soát và chế tài xử lý để ngăn ngừa tình trạng thương nhân bắt tay thao túng giá. Đồng thời, Chính phủ có đủ lượng xăng dầu dự trữ để can thiệp thị trường khi cần thiết. Điều đó cho thấy, cơ chế doanh nghiệp tự định giá xăng dầu phải hội đủ điều kiện kiểm soát giá.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là nguồn đầu vào quan trọng chi phối giá thành của hầu hết sản phẩm, dịch vụ, các ngành kinh tế và trực tiếp ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống người dân.

Việc trao quyền cho doanh nghiệp tự định giá xăng dầu theo tôi là xu hướng sẽ phải tiến đến, nhưng chỉ có thể triển khai thuận lợi nếu đáp ứng được ba điều kiện, mà Việt Nam vẫn chưa có đủ. Thứ nhất là giải pháp chống độc quyền, trong bối cảnh cấu trúc thị trường hiện tại Petrolimex và PVoil chiếm tới hơn 70% thị phần. Thứ hai là Chính phủ cần có đủ lượng xăng dầu dự trữ để sẵn sàng can thiệp khi có biến động như năm 2022, tránh bị động, phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối. Thứ ba là Nhà nước có cơ sở dữ liệu lớn và bộ máy con người đảm bảo việc định "giá trần" độc lập, khách quan, kịp biên độ biến động giá thị trường thế giới và phí hợp lý.

Theo hình dung của tôi, các điều kiện này chỉ có thể hoàn thiện để áp dụng sớm nhất sau năm 2025. Lộ trình thực hiện cần gắn với tái cơ cấu ngành, sự chuyển dịch thị trường năng lượng cạnh tranh (xăng dầu, điện, xu hướng tăng xe điện thay xe xăng, xây trạm nạp điện, giảm trạm xăng, phát triển năng lượng tái tạo...).

Lợi ích của các thương nhân cần được tôn trọng, nhưng xét cho cùng thì lợi ích của người tiêu dùng là trên hết, lợi ích của hàng loạt ngành kinh tế như giao thông vận tải, du lịch, sản xuất đang sử dụng xăng dầu làm yếu tố đầu vào cũng là yếu tố cần được bảo vệ.

Trần Hữu Hiệp
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan