Cảm nhận về triển lãm Quốc phòng Quốc tế năm 2024 tại sân bay Gia Lâm. TG: Hoàng Văn Kính
CẢM NHẬN VỀ TRIỂN LÃM QUỐC PHÒNG QUỐC TẾ
NĂM 2024 TẠI SÂN BAY GIA LÂM
Nhân dịp kỉ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam, từ ngày 19 đến 22-12 diễn ra triển lãm Quốc phòng quốc tế tại sân bay Gia Lâm. Hòa vào biển người đến tham quan, tôi thật sự xúc động với nhiều cảm nhận về những điều mắt thấy, tai nghe tại triển lãm.
Thứ nhất: Quy mô của triển lãm Quốc phòng Quốc tế năm 2024 lớn hơn nhiều so với triển lãm năm 2022 cũng tại sân bay Gia Lâm cả về diện tích trưng bầy, số lượng vũ khí khí tài, số lượng khách mời, cùng với hơn 300 triệu USD giá trị hợp đồng được kí kết. Đây là sự kiện Quốc tế nổi bật với thông điệp “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”. Đồng thời, đây cũng là dịp để giới thiệu các công nghệ Quốc phòng hiện đại, giải pháp an ninh tiên tiến và tạo cơ hội giao lưu giữa các đối tác trong ngành.
Với hơn 260.000 lượt khách trong nước và Quốc tê đến tham quan ( thông báo tổng kết của Ban tổ chức triển lãm ) trong đó có các Cựu chiến binh chỉnh tề trong những bộ quân phục, đến đấy các bác, các anh chị được ngắm nhìn những khí tài quân sự để nhớ lại một thời cầm súng chiến đấu đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ non song đất nước, tự hào về sự phát triển của công nghệ Quốc phòng với nhiều chủng loại vũ khí hiện đại mang thương hiệu Made in Việt Nam. Nam thanh nữ tú đến đây để tìm hiểu các loại vũ khí lâu nay mới chỉ được nghe bây giờ mới thấy, về sức mạnh Quân sự Việt Nam, càng hiểu thêm, cảm phục tinh thần chiến đấu quật cường của cha ông và củng cố thêm niềm tin về sự nghiệp giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc của Quân đội và Nhân dân ta trong tình hình mới. Các cháu nhỏ đi theo ông bà, bố mẹ để được thỏa mãn ngắm nhìn, được tạo dáng chụp ảnh bên những khí tài quân sự mà các thế hệ cha ông đã sử dụng để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Nhiều vị khách Tây trầm trồ, thán phục sự phát triển của công nghệ Quốc phòng sau khí tìm hiểu công dụng của từng loại khí tài.
Tất cả đều hoan hỷ với những hiểu biết về tính năng, sự hiện đại của các chủng loại thiết bị quân sự và cùng chụp những bức ảnh đẹp để lưu lại một khoảnh khắc đáng nhớ trong đời.
Thứ hai: Triển lãm là một phần trong đường lối ngoại giao “ cây tre” của Việt Nam. Sự góp mặt của 66 đoàn đại biểu Quốc tế và hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp Quốc phong đến từ 49 quốc gia là minh chứng sinh động cho điều đó. Trong đó có nhiều đơn vị, tập đoàn quốc phòng nổi tiếng đến từ các nước có nền công nghiệp Quốc phòng phát triển như Nga, Ấn Độ, Israel, Trung Quốc, Mỹ... Họ đã mang đến triển lãm nhiều vũ khí, khí tài hiện đại. Quân đội Mỹ mang đến triển lãm chiếc máy bay vận tải C-130J Super Hercules, đây là máy bay vận tải hạng trung hiện đại hàng đầu thế giới; hai chiếc máy bay cường kích A-10 mang biệt danh Thunderbolt II; Máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất A-10; Xe vận tải quân sự M1083 Light Medium Tactical vehicle; Siêu lựu pháo M777A2 -155mm; Xe chiến đấu bọc thép Stryker… Quân đội Nga mang đến triển lãm xe chiến đấu bộ binh BMP-3ME; xe phóng tự hành của tổ hợp tên lửa bờ đối hải Rubezh-ME; tổ hợp tên lửa diệt tăng tự hành Kornet-UE đặt trên khung gầm xe dã chiến Typhoon-K; tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Viking phiên bản xuất khẩu của dòng tên lửa phòng không danh tiếng Buk-M3. Xe bánh xích 9A383E TELAR mang 4 tên lửa 9M83ME với khả năng vươn tới khoảng cách 100km và độ cao 40km…Công ty Rafael (Israel) giới thiệu phiên bản nâng cấp của tổ hợp tên lửa phòng không đa năng đặc biệt. Tập đoàn NORINCO và Công ty TNHH thương mại quốc tế GodoSphere của Trung Quốc giới thiệu một loạt mô hình khí tài hạng nặng như xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh, các loại máy bay không người lái (UAV). Thiết bị chống UAV, máy ảnh nhiệt, các thiết bị ghi âm, hệ thống mô phỏng...
Đấy là những vũ khí, khí tài rất hiện đại được áp dụng công nghệ mới với tính năng sát thương cao, có khả năng làm thay đổi cuộc chiến.
Thứ ba: cùng với sự tham gia của hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội. Tại triển lãm, Việt Nam đã trưng bầy, giới thiệu 69 chủng loại khí tài của 77 cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng như: Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Binh chủng Tăng thiết giáp, Binh chủng Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và các Công ty thương mại, dịch vụ của Bộ Quốc phòng.
Đáng chú ý có tổ hợp pháo tự hành 152 mm, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK,T-54; cặp tổ hợp tên lửa đạn đạo Scud-B; xe chiến đấu bộ binh XCB-01; tổ hợp tên lửa phòng không Spyder. Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM "Pechora-2TM" (C125- 2TM) được thiết kế với khả năng tiêu diệt mục tiêu bay trong mọi điều kiện nhiễu, đồng thời có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và mặt nước trong một số tình huống. Tổ hợp tên lửa bờ РЕДУТ-М được dùng để tiêu diệt các tàu mặt nước, phương tiện vận tải trên biển và công trình trên đảo, ven bờ biển. Hệ thống tên lửa có tầm bắn lên đến 300 km với độ cao hành trình 7.000 m; bệ phóng tự hành СПУ-35БЭ có tổng khối lượng 21 tấn, dài 13,75 m; rộng 2,86 m và cao 3,63 m; xe tăng chỉ huy T-90SK; mẫu xe chiến đấu bộ binh XCB-01; tổ hợp radar phòng không tầm trung 3D VRS-MSSS; một số ngư lôi chống hạm và các loại máy bay không người lai…Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 sử dụng cơ cấu bánh xích có tính việt dã cao, có khả năng đạt tốc độ tối đa tới 65 km/h, tốc độ bơi 7 km/h với động cơ diesel 300 mã lực, có thể leo dốc đứng 30 độ, cũng như khả năng vượt nhiều loại địa hình khác nhau. Bộ trang bị mang tên "Người lính tương lai" với nhiều tính năng hỗ trợ chiến đấu hiện đại, tích hợp AI lần đầu ra mắt công chúng. Đây là mẫu trang bị được xây dựng trên nền tảng tích hợp vũ khí thông minh, thu thập xử lý trao đổi thông tin, kết nối người lính thành một phần của mạng lưới chiến trường. Mẫu máy bay mang tên TP-150 có chiều dài 10 m, sải cánh 7 m với trần bay khoảng 7.000 m, tốc độ cất cánh 100 km/h, vận tốc tối đa 300 km/h.
Nhiều sản phẩm phục vụ tác chiến hiện đại lần đầu tiên được giới thiệu như máy bay không người lái (UAV) cự ly 1.000km, tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, ra đa điều khiển hỏa lực quét búp sóng điện tử chủ động (beam-forming)...
Triển lãm lần này đã giới thiệu nhiều sản phẩm lưỡng dụng sử dụng công nghệ hiện đại, có tính dẫn dắt thị trường, cạnh tranh Quốc tế. Trong đó có công nghệ beam-forming ứng dụng trong cả ra đa và thiết bị 5G; công nghệ thị giác máy tính ứng dụng trong UAV và nhà máy thông minh; thực tế ảo (AR/VR) ứng dụng trong mô hình huấn luyện và mô hình đào tạo lái xe, ứng dụng giải trí số. Các sản phẩm quân sự công nghệ cao trưng bày phù hợp với điều kiện môi trường, phương thức tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Triển lãm quốc phòng quốc tế năm 2024 là cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp Quốc phòng Việt Nam để quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do công nghiệp Quốc phòng Việt Nam sản xuất, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp Quốc phòng của Việt Nam. Cũng là dịp giới thiệu với bạn bè Quốc tế về các thành tựu của Quốc phòng Việt Nam và là cơ hội tốt để tiếp cận với các đối tác hàng đầu trên thế giới, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như có thể có những cơ hội hợp tác trong tương lai.
Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam mặc dù sinh sau đẻ muộn so với nhiều nước trên thế giới nhưng chúng ta có quyền tự hào với những bước tiến đáng kể làm ra nhiều sản phẩm hiện đại sánh vai ngang hàng với các cường quốc. Với triển lãm lần này, Việt Nam đã minh chứng vai trò toàn cầu ngày càng quan trọng, không chỉ trong chính trị, kinh tế mà cả Quốc phòng - An ninh. Việc tổ chức triển lãm cho thấy Việt Nam rất coi trọng hiện đại hóa Quân đội cũng như thúc đẩy hợp tác công nghiệp Quốc phòng với cộng đồng Quốc tế. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm: Việt Nam là Quốc gia yêu chuộng hòa bình, trọng nghĩa, trọng tình, trọng lẽ phải trong các mối quan hệ hợp tác Quốc tế. Việt Nam chủ động mở rộng đối ngoại và hợp tác Quốc phòng nhằm tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, thể hiện sự chân thành và xây dựng lòng tin, cùng giải quyết các thách thức an ninh, an toàn chung...
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội