6 dự án BOT sai phạm hơn 2.000 tỷ: Chủ đầu tư nói gì?
Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin
Các doanh nghiệp thực hiện dự án bị thanh tra đều khẳng định sai phạm không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.
|
Sai phạm tại các dự án BOT khiến dư luận bức xúc
|
Hai dự án chỉ định thầu cho “ông lớn”
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại sáu dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại TP. Hồ Chí Minh.
Cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TP.Hồ Chí Minh xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra là 2.172 tỉ đồng. Trong đó phê duyệt không đúng khoản tiền 1.400 tỉ đồng, phê duyệt tăng sai 67 tỉ đồng. Đồng thời, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đã vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến sai phạm tại các dự án BOT và BT nêu trên.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp liên quan, CTCP Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (mã chứng khoán: CII) bị “bêu tên” ở hai trong số sáu dự án là dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội và cầu Bình Triệu 2. Cả hai dự án được thực hiện theo hình thức BOT, UBND TP.HCM không tổ chức đấu thầu rộng rãi mà chỉ định CII làm chủ đầu tư, tổng số tiền sai phạm là hơn 1.400 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, tại dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội, CII đã tự phê duyệt điều chỉnh dự án khả thi từ 2.422 tỷ đồng lên 3.822 tỷ đồng (chênh lệch 1.400 tỷ đồng, chủ yếu gồm chi phí xây dựng 398 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 667 tỷ đồng, chi phí dự phòng 304 tỷ đồng) là vi phạm pháp luật khi thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án khả thi phải là UBND TP. Hồ Chí Minh.
Về phê duyệt chi phí tổng mức đầu tư, CII đã phê duyệt phương án khả thi, phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2, trong đó bổ sung 10 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng khi không được chấp nhận của UBND TP. Hồ Chí Minh; bổ sung 1.400 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng khi chưa có phương án giải phóng mặt bằng được phê duyệt; chi phí quản lý dự án không đúng quy định của bộ Xây dựng, dẫn đến tăng chi phí 11,7 tỷ đồng.
CII cũng mắc nhiều sai phạm tại dự án cầu Bình Triệu II có tổng mức đầu tư là 1.717 tỷ đồng. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy CII đã thu vượt phương án tài chính nhưng chưa được cơ quan Nhà nước phê duyệt số tiền 13,7 tỷ đồng, đồng thời trong phương án tài chính tự lập đã đưa ra khoản ứng vốn 49 tỷ đồng không thuộc hợp đồng.
Ngoài ra, cơ quan có thầm quyền còn chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến “ông trùm” thu phí BOT khu vực phía Nam này tại hai dự án kể trên như chuyển nhượng quyền thu phí, chênh lệch quyết toán duy tu, bảo dưỡng, trùng tu.
Lệch quan điểm với Thanh tra Chính phủ
Sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ rõ các sai phạm trên, thị trường chứng khoán xuất hiện những thắc mắc của cổ đông liên quan đến việc “liệu CII có bị thu hồi số tiền sai phạm hơn 1.400 tỷ đồng nêu trên hay không?”.
Trong thông báo gửi tới cổ đông được ký bởi Tổng giám đốc Lê Quốc Bình, CII cho rằng, “trên cơ sở chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ), dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội được bổ sung 1.410 tỷ đồng chi phí đền bù giải tỏa trên địa bàn tỉnh Bình Dương thuộc phạm vi dự án”.
“Theo cách hiểu của CQNNCTQ và công ty CII, thẩm quyền phê duyệt tăng tổng mức đầu tư của dự án thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Do vậy CII đã phê duyệt bổ sung số tiền này vào tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên theo quan điểm của Thanh tra Chính phủ, thẩm quyền phê duyệt tăng tổng mức đầu tư thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh” – thông báo của CII viết.
Thực hiện ý kiến của Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3963/QĐ-UBND ngày 4/8/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án Đầu tư Xây dựng Mở rộng Xa lộ Hà Nội, trong đó có nội dung bổ sung chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với số tiền 1.410 tỷ đồng.
CII cũng không quên khẳng định doanh nghiệp này hoàn toàn không bị truy thu số tiền 1.410 tỷ đồng như tin đồn hiện nay trên thị trường.
Chủ đầu tư khẳng định làm đúng
Một dự án BOT khác cũng lọt “danh sách đen” mà Thanh tra Chính phủ mới công bố đó là dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu do công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (HT1) làm chủ đầu tư, hoàn thành vào tháng 6/2014, thời gian thu phí hoàn vốn theo hợp đồng là 24 năm.
HT1 khẳng định các nội dung được nêu trong báo cáo của thanh tra sẽ không làm ảnh hưởng đến chi phí của hoạt động kinh doanh của công ty.
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về phương án tính toán dẫn đến tăng thời gian thu phí không đúng thực tế, HT1 cho biết, theo quy định của hợp đồng BOT thì giá trị dòng tiền dự tính thu hồi là tạm tính. Hiện công ty đã xây dựng lại phương án thu phí hoàn vốn đầu tư dựa trên giá trị đầu tư chính thức, đảm bảo thu hồi vốn.
"Phương án thu phí này đã được công ty trình Sở Giao thông Vận tải TP HCM xem xét và thẩm định. Trong đó, giá trị thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được loại bỏ phần khỏi giá trị đầu tư khi tính thu hồi vốn” – thông báo của HT1 cho hay.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận việc chủ đầu tư dự án BOT này thành lập Ban quản lý trong thời gian xây dựng, thay vì thành lập doanh nghiệp là chưa đúng quy định. Xi măng Hà Tiên 1 cho biết, việc thành lập Ban quản lý dự án là đúng theo Điều 27 Nghị định 108/2009 của Chính phủ.
Về việc tìm kiếm nguồn tài trợ vốn, Thanh tra Chính phủ cho biết, hợp đồng BOT được ký từ tháng 6/2010 nhưng đến tháng 10/2013 chủ đầu tư mới có thông báo tài trợ dự án của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là vi phạm quy định hiện hành. Trong văn bản giải trình, Xi măng Hà Tiên cho biết, khi thực hiện ký hợp đồng BOT, công ty đang thương thảo và bổ sung thông tin để hoàn tất việc ký kết hợp đồng vay vốn với ngân hàng tài trợ dự án nhằm giải ngân thực hiện.
Hốt bạc tỷ từ thu phí BOT
Khác với nhiều doanh nghiệp vướng lùm xùm liên quan đến các dự án BOT sai phạm thời gian gần đây, CII thực sự được coi là nhà đầu tư BOT chuyên nghiệp khi được giao cho thực hiện hàng loạt dự án BOT lớn, có tầm quan trọng trong quy hoạch chỉnh trang đô thị TP.HCM. Đây cũng là mảng kinh doanh cốt lõi của CII với mức đóng góp doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Một số dự án được CII thực hiện theo hình thức BOT, BOO đó là dự án cầu đường Bình Triệu, dự án cầu Sài Gòn 2, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, đường Liên tỉnh lộ 25B, nhà máy BOO Nước Thủ Đức, dự án mạng phân phối nước Củ Chi…
Hoạt động thu phí là hoạt động ổn định và truyền thống của CII trong 16 năm qua với doanh thu đến từ các trạm: Xa lộ Hà Nội, trạm Cà Ná (trước là Thành Hải), trạm DT74, trạm Rạch Miễu…
Năm 2014, CII thu về 546 tỷ đồng từ các trạm thu phí, 541 tỷ vào năm 2015 và sau đó tăng lên mức 795 tỷ đồng, riêng trạm Xa lộ Hà Nội góp hơn 400 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, số tiền thu phí BOT từ các trạm là gần 450 tỷ đồng