Chống tham nhũng vẫn còn nể nang, ngại va chạm, né tránh

Ngày đăng: 10:01 13/09/2017 Lượt xem: 485




   Chống tham nhũng vẫn còn nể nang, ngại va chạm, né tránh

Hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ có 3 trường hợp vi phạm bị xử lý. Con số này chỉ là hình thức, có sự bao che be đắp cho nhau từ trong nội bộ?


 

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

chong tham nhung van con ne nang ngai va cham ne tranh


ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: "Những con số báo cáo kia đã nói rõ một kết quả không thực chất".


PV: Thưa ông, năm 2016, cả nước có 1.113.422 người kê khai tài sản, tỉ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%, trong đó, 3 trường hợp vi phạm bị xử lý. Từ đầu năm 2017 đến nay, có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật. Ông nhìn nhận và suy nghĩ thế nào về thực trạng này?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Trước hết, cần phải khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều có quan điểm mạnh mẽ, quyết tâm cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các báo cáo đánh giá về công tác này chưa phản ánh đúng thực tế. Công tác phòng, chống tham nhũng ở nhiều địa phương chưa quyết liệt, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa cao.

Tôi có nghe một số ý kiến về báo cáo này cho rằng, “đội quân chống tham nhũng không bằng một phóng viên”. Nhưng tôi nghĩ, nhìn như vậy chỉ đúng một phần nào đó. Công bằng mà nói, bộ máy của chúng ta đã phát hiện, kiểm tra, xử lý rất nhiều trường hợp với những hình thức khác nhau ở các cấp, ngành. Nhiều vụ việc được xử lý nghiêm, mang tính răn đe, nêu gương với cán bộ, đảng viên nói chung.

Không phủ nhận, đã có những bài báo góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng, phản ánh thông tin để cơ quan chức năng vào cuộc một cách tích cực, hiệu quả. Nhưng nói một phóng viên hơn cả đội quân hùng hậu e có phần phiến diện, chủ quan.

Thực tế, bộ máy phòng, chống tham nhũng đã đạt những hiệu quả tích cực nhất định, nhưng trong quá trình triển khai ít nhiều bị chi phối bởi sự nể nang, ngại va chạm, né tránh. Để hạn chế bớt những điều này, báo chí là công cụ đắc lực. Thậm chí, đã có những vụ việc, nếu không có báo chí vào cuộc, chưa chắc cơ quan chức năng có thể đi đến cùng vấn đề. Bởi thế mới nói, báo chí có vai trò hết sức quan trọng. Nhưng cũng không thể vì thế mà nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng một cách thiếu tích cực.

PV: Con số trên đưa ra tại phiên họp toàn thể lần thứ bảy của ủy ban Tư pháp khi cho ý kiến dự thảo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017. Cũng có ý kiến nói nên bỏ các con số trên ra khỏi báo cáo vì không phản ánh đúng thực chất. Quan điểm của cá nhân ông thế nào?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Tôi nghĩ rằng, kê khai tài sản hiện nay chưa trung thực, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều lần 3 người vi phạm, đặc biệt là những người có chức có quyền. Nếu báo cáo chính thức đưa ra con số 3 thì thà rằng không nêu số lượng cụ thể, dư luận sẽ đỡ bức xúc hơn. Trong số hơn 1,1 triệu đảng viên kê khai tài sản mà chỉ 3 trường hợp vi phạm, điều đó thật khó ai có thể tin nổi.

Tôi nghĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay, người dân cũng có thể thấy hơn con số 3 rất nhiều. Rõ ràng, chúng ta đang thiếu hẳn vai trò giám sát, kiểm soát hoạt động kê khai tài sản nên mới có những con số thiếu thực tế như dự thảo báo cáo đã chỉ ra.

Nếu cả nước chỉ có 3 người kê khai vi phạm thì không ai tin được, rất vô lý. Để cá nhân tôi đánh giá, ít nhất cũng phải 10-20% kê khai không trung thực.

PV: Đối với những nghi ngại về sự bao che từ trong nội bộ dẫn đến những con số “trên trời” này, ông nghĩ sao?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Cần phải nhìn nhận, tham nhũng đang ngày càng tinh vi, nếu nội bộ cố tình tìm cách bao che, báo chí rất khó phát hiện. Đã có nhiều vụ việc “bung bét” do nội bộ mất đoàn kết, vì quyền lợi của nhau không được đảm bảo nên mới khui ra để báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc.

Con số từ dự thảo báo cáo đã khiến dư luận khó chấp thuận, một phần nguyên nhân cũng là do cơ sở thống kê không chuẩn xác. Trung ương chỉ đạo quyết liệt nhưng cấp dưới, từng cơ sở thực hiện không nghiêm sẽ không bao giờ có được hiệu quả thực sự.

Tôi thấy mấy năm gần đây, năm nào trong báo cáo cũng chỉ có một vài người vi phạm. Báo cáo về vấn đề kê khai tài sản của cán bộ đảng viên chưa chuẩn cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, cho thấy hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng còn hình thức, chưa có gì đột biến sau nhiều nỗ lực.

Không phải dư luận nào mà chính tôi cũng băn khoăn. Nếu nhìn vào những vụ việc bị cơ quan chức năng xử lý thời gian qua, tôi có thể kể ra nhiều hơn số 3 và 25 như dự thảo báo cáo nêu. Chúng ta hô hào, chỉ đạo phải thực hiện kê khai tài sản trung thực, nhưng chính những con số báo cáo kia đã nói rõ một kết quả không thực chất. Vấn đề này thực sự rất đáng buồn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

tin tức liên quan