“Cán bộ hư hỏng bây giờ như thứ bệnh dịch lây lan!”

Ngày đăng: 08:10 26/09/2017 Lượt xem: 564



        “Cán bộ hư hỏng bây giờ như thứ bệnh dịch lây lan!”



                                                               Nguồn:Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam


“Việc đã có một số cán bộ trung cao cấp bị kỷ luật nhưng nếu soi xét cho kỹ thì thực chất còn nhiều cán bộ hư hỏng nữa. Điều này rất nguy hiểm, đáng báo động”.

 

Quy hoạch cán bộ bị hành chính hoá và bị chi phối bởi lợi ích nhóm

Thời gian qua, nhiều lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật được dư luận cả nước quan tâm và đồng tình. Điều đó cho thấy, quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ trong Đảng đang được khởi động và đi theo chiều hướng quyết liệt.

Để có góc nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Mão nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Theo ông Vũ Mão: “Trường hợp nhiều lãnh đạo bị kỷ luật nặng thời gian qua vì một thời gian dài Đảng đã buông lỏng công tác cán bộ.

Thực ra, về mặt hình thức, Đảng đã có nhiều Nghị quyết đề cập tới vấn đề này.

Tôi cho rằng công tác cán bộ từ đổi mới đến nay, đặc biệt trong vòng 10 – 15 năm có quá nhiều vấn đề".
 


Ông Vũ Mão cho rằng một thời gian dài Đảng đã buông lỏng công tác cán bộ  (ảnh Ngọc Quang).


Ông Vũ Mão đã chỉ ra: “Trước hết, xét về sự rèn luyện tu dưỡng trong cán bộ đảng viên.

Công tác rèn luyện, tu dưỡng, phê bình và tự phê bình lâu nay bị xem nhẹ. Mặc dù công tác phê bình và tự phê bình được tiến hành thường xuyên nhưng lâu nay đã trở nên hình thức hóa, hành chính hóa đến mức làm cho lấy lệ, làm đủ thủ tục để đối phó.

Hiện tượng phổ biến là phê bình kiểm điểm trở thành việc làm mang tính tình cảm đồng chí nhẹ nhàng, động viên nhau, thâm chí vuốt ve, tâng bốc vì nể nang nhau.

Hiện tượng này xảy ra ở khắp nơi, ngay cả các chi bộ của các cơ quan đầu não.

Vấn đề này không phải đảng viên không biết, lãnh đạo Đảng các cấp không biết mà đáng tiếc là từ cán bộ trung ương đến cán bộ cấp cơ sở đều biết nhưng xem chuyện đó là bình thường. Đấy là vấn đề rất nguy hiểm”.

Theo sự phân tích của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Ngoài việc xem nhẹ tự rèn luyện, tu dưỡng, một nguyên nhân nữa đó là vấn đề quy hoạch cán bộ đã không “chọn được mặt để gửi vàng”.

Tôi cho rằng, cần xem lại quan điểm, nhận thức, phương thức tiến hành công tác quy hoạch cán bộ của chúng ta. Quy hoạch cán bộ hiện đang theo kiểu hành chính và không ít trường hợp bị lợi ích nhóm chi phối.

Quy hoạch cán bộ là cần thiết, ngay từ thời kỳ đầu cùa cách mạng rồi đến 2 cuộc kháng chiến, chúng ta đã có quy hoạch cán bộ nhưng thời đó, công tác quy hoạch xuất phát từ thực tiễn và sự trưởng thành của cán bộ.

Còn quy hoạch ngày nay nó lạ lùng, khác lắm. Nếu nói làm đúng quy trình thì đúng quy trình thật nhưng kết quả lại cho ra nhiều cán bộ tư cách đạo đức, trình độ, bản lĩnh kém. Phải nói thẳng, quy trình quy hoạch cán bộ hiện nay là chưa ổn.

Ông Vũ Mão cũng cho rằng, một nguyên nhân dẫn đến nhiều cán bộ sa ngã, biến chất và cuối cùng bị kỷ luật, đó là do công tác cán bộ hiện nay đã bị chi phối mạnh bởi cơ chế thị trường.

Nói cho đúng, không có việc sai trái của cơ chế thị trường mà cái sai ở đây là không hiểu hết bản chất của cơ chế thị trường nên đã bị mặt trái của cơ chế này chi phối.

Chính vì thế đã xảy ra tình trạng “Thị trường hóa công tác cán bộ”. Đây là điều đáng báo động và rất nguy hiểm.

Việc đã có một số cán bộ trung cao cấp bị kỷ luật nhưng nếu soi xét cho kỹ thì thực chất còn nhiều cán bộ hư hỏng nữa. Điều này rất nguy hiểm, đáng báo động.

Trách nhiệm để xảy ra các vấn đề này thuộc về Đảng ta,thuộc về Bộ Chính trị, của người đứng đầu và những người giữ vị trí trọng trách trong công tác cán bộ.

Cán bộ bị kỷ luật, cán bộ hư hỏng như một bệnh dịch tràn lan, phát triển ghê gớm. Không có liều thuốc mạnh, có hiệu quả thì rất là nguy”.

Vì sao cán bộ trẻ, cán bộ nguồn liên tiếp sa ngã, bị kỷ luật

Trong sự tha hóa của cán bộ cấp cao, bao gồm cả hiện tượng cán bộ trẻ bị kỷ luật, đó là những cán bộ được cơ cấu nguồn mà trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh Bí thư Đà Nẵng được xem là ví dụ điển hình.
 

 
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh có vấn đề không rõ ràng về bằng cấp là biểu hiện của một xã hội chạy theo bằng cấp mà không trọng thực tài (ảnh nguồn Báo Đà Nẵng).


Nhận định về vụ việc này, ông Vũ Mão cho rằng: “Do cơ chế hiện nay tạo ra, động cơ phấn đấu của nhiều cán bộ trẻ không trong sáng.

Trong cơ chế thiếu kiểm soát quyền lực hiện nay, đương nhiên người có quyền thì ắt có đặc lợi. Đặc quyền đặc lợi như hiện nay nó đã mê hoặc nhiều cán bộ trẻ.

Xét về mặt nào đó, muốn có chức vụ thì cán bộ trẻ phải rèn luyện phấn đấu rất nhiều.

Ngày xưa cha ông ta cũng phải sớm khuya “Dùi mài kinh sử” để được làm quan. Nhưng rất tiếc, mặt chưa tốt đã lấn át mặt tốt, trong điều kiện cơ chế thị trường mặt chưa tốt nó chi phối ghê gớm.

Với thế hệ trẻ, tôi bao giờ cũng ủng hộ và có cái nhìn bao dung. Thanh niên ngày nay có trình độ, nhận thức, có mối quan hệ quốc tế nhưng mặt trái của xã hội bằng cấp đã làm hư hỏng đội ngũ cán bộ trẻ. Họ chạy theo bằng cấp mà thiếu thực tiễn.

Chúng ta đã quy định nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí về cán bộ vào cấp này phải thế này, thế kia. Nhưng quy định nhiều quá đã biến thành một xã hội bằng cấp, xã hội chức hàm.

Thực tế chúng ta đã phong quá nhiều tiến sĩ, giáo sư –trong cái đó, bao gồm cả sự giả dối. Trong vụ việc kỷ luật Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng có vấn đề bằng cấp không trung thực.

Một vấn đề nữa liên quan đến cán bộ trẻ, chúng ta đưa họ lên nhanh quá, đốt cháy giai đoạn, tạo ra sự ngộ nhận.

Những cán bộ như vậy sẽ thiếu thực tiễn, không gần dân, không xem mình là công bộc của dân. Họ không đau nỗi đau của dân, không thông cảm, chia sẻ nỗi đau khốn khó của người dân.

Cần phải nghiên cứu sâu sắc để có để có cách làm thực tiễn và khoa học về công tác cán bộ. Trong quy hoạch cán bộ trẻ tôi cho rằng, không nên đóng đinh vào một số ít người mà nên quy hoạch rộng. Không phải chỉ trong vài ba chục người mà cần quy hoạch hàng nghìn người.

Chúng ta cần có chính sách thu hút nhân tài mạch lạc, phải có chương trình kế hoạch với tầm nhìn rộng.

Theo tôi nên đưa vào các cấp ủy từ dưới lên trên một tỉ lệ cán bộ trẻ nhiều hơn nữa để họ có cơ hội rèn luyện, phấn đấu. Qua thử thách sẽ tìm ra được những cán bộ xuất sắc hơn trong tương lai”.


tin tức liên quan