Nguồn:Báo Điện tử Dân trí
Đây là mong muốn không chỉ hợp lý mà còn thể hiện niềm tin tưởng rất lớn vào UBKT Trung ương, một “địa chỉ niềm tin” của Nhân dân, “thanh bảo kiếm” của Đảng, một “cái lò” rất nóng, đủ sức thiêu cháy tất cả mọi loại củi dù khô tươi, to nhỏ đến đâu.
Ngày 29/9 vừa qua, Ban chấp hành Đảng bộ Thanh Hóa đã công bố hình thức kỉ luật trong vụ bổ nhiệm đầy tai tiếng bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa.
Cụ thể, ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Ngô Văn Tuấn (khi đó là Giám đốc sở Xây dựng), “tác giả” chính của việc bổ nhiệm bà Quỳnh Anh nhận hình thức khiển trách. Đương kim Giám đốc sở Đào Vũ Việt nhận hình thức kiểm điểm sâu sắc. Bà Trần Vũ Quỳnh Anh bị khai trừ khỏi Đảng.
Ngay lập tức, cả ngàn bức thư điện tử gửi ý kiến (comment) về báo Dân trí qua các bài báo xung quanh chủ đề này và hầu hết đều bày tỏ sự không đồng tình với hình thức kỉ luật này bởi nó quá nhẹ so với những sai phạm. Xin trích 4 trong hàng ngàn comment đó:
Bạn Quang Thanh cho rằng đây là vở hài kịch "Hài nhất của những vở hài hiện đại”.
Bạn Luan Nguyen đưa ra nhận xét “Tấn bi kịch cho niềm tin của nhân dân”.
Bạn Triệu Vân bức xúc: “Một trò hề, coi thường kỷ cương phép nước, dư luận và nhân dân”.
Bạn Nguyễn Vinh bình luận: “Củi này của Thanh Hóa bị hóa thạch rồi, khó cháy lắm”…
Có lẽ để tiện theo dõi, cũng cần nhắc lại con đường thăng tiến kỳ ảo của cô gái trẻ Quỳnh Anh. Năm 2008, tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ tin học Nghệ An, được nhận vào làm hợp đồng tại Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tin học (hệ tại chức), bà Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng tại Trung tâm kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng Thanh Hóa rồi sau đó được điều về Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản của sở này.
Thế nhưng chỉ khoảng một năm sau kỳ nghỉ sinh con(tháng 4/2015), bà được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản rồi cũng chỉ 6 tháng sau (tháng 10/2015), được bổ nhiệm làm Trưởng phòng.
Như vậy là chỉ trong 3 năm (2012-2015), từ một nhân viên hợp đồng, bà Quỳnh Anh đã leo lên đến chức trưởng một phòng đầy quyền uy của sở Xây dựng Thanh Hóa, một tỉnh lớn của cả nước. Bà này còn sở hữu khối tài sản khổng lồ gồm nhiều nhà, biệt thự, xe hơi loại sang… dù mức thu nhập chỉ có 60 triệu đồng/năm như trong bản khai.
Vì thế, sự phản ứng đối với những hình thức kỉ luật trên của bạn đọc Dân trí không phải không có lý bởi vụ việc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của quần chúng nhân dân.
Người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi vì sao lại có sự thăng tiến “kỳ ảo” và “thần tốc” như vậy? Khối tài sản khổng lồ của bà Quỳnh Anh nhờ đâu mà có? Tại sao hồ sơ của bà này tự dưng “không cánh mà bay”?
Rồi vì sao vụ việc lại “ngâm” lâu đến thế trong khi báo cáo về thiệt hại do bão thì “thần tốc” đến mức hình như nó có từ khi bão… chưa tan?
Và điều quan trọng nhất, đó là hình thức xử lý quá “lông hồng”, chỉ một “khiển trách”, một “kiểm điểm sâu sắc” và một bị “khai trừ” thì bà này đã tự động bỏ sinh hoạt từ rất lâu rồi.
Bức xúc và mất niềm tin, nhiều độc giả Dân trí đã đề nghị UBKT Trung ương vào cuộc và không công nhận kết quả xử lý này.
Theo người viết, đây là đề nghị không chỉ hợp lý mà còn thể hiện niềm tin tưởng rất lớn vào UBKT Trung ương, một “địa chỉ niềm tin” của Nhân dân, “thanh bảo kiếm” của Đảng, một “cái lò” rất nóng, đủ sức thiêu cháy tất cả mọi loại củi dù khô tươi, to nhỏ đến đâu.
Theo đề nghị của nhiều bạn đọc, với trách nhiệm của mình, chúng tôi xin phép được chuyển ý kiến của các bạn đến UBKT Trung ương. Hi vọng rằng UBKT Trung ương quan tâm đến nguyện vọng của chúng ta.