Cuộc gặp kín 5 tiếng giữa Moscow - Bình Nhưỡng: Hé lộ nước cờ của Nga

Ngày đăng: 07:29 05/10/2017 Lượt xem: 402


Cuộc gặp kín 5 tiếng giữa Moscow - Bình Nhưỡng: Hé lộ nước cờ của Nga


                                                        Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin


Trong cuộc họp kín, Nga và Triều Tiên đã có cuộc trao đổi sâu rộng các quan điểm về những vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm bao gồm tình hình bán đảo Triều Tiên và mối quan hệ song phương.



Hé lộ thông tin về cuộc gặp 5 tiếng

Theo Daily Star, Bình Nhưỡng khẳng định quốc gia này đã có cuộc đàm phán với các quan chức Nga giữa những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Truyền thông Triều Tiên khẳng định bà Choe Son-hui, người đứng đầu bộ phận các vấn đề về Mỹ tại bộ Ngoại giao Triều Tiên, đã gặp Đại sứ Nga Oleg Burmistrov hôm 29/9.

Bà cũng cho biết đã đàm phán với Thứ trưởng Nga Igor Morgulov về sự căng thẳng đang leo thang ở bán đảo Triều Tiên.

Báo cáo của Triều Tiên khẳng định: “Tại cuộc đàm phán, hai bên đã trao đổi sâu rộng các quan điểm về những vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm, bao gồm tình hình bán đảo Triều Tiên và mối quan hệ song phương”.

"Bà Choe nói, để giảm căng thẳng và đảm bảo hòa bình, an ninh ở bán đảo và Đông Bắc Á, Mỹ nên hủy bỏ chính sách thù địch đối với Triều Tiên”, báo cáo có đoạn.

Báo cáo cho biết thêm: "Phía Nga cho thấy sự hiểu biết về lập trường của phía Triều Tiên và bày tỏ mong muốn hợp tác để làm giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên”.

Các cuộc đàm phán được cho là kéo dài 5 tiếng.

Theo thông báo, trong trao đổi giữa hai bên, “phía Nga đã khẳng định ý chí thực hiện nỗ lực chung nhằm tìm kiếm giải pháp bằng các phương thức hòa bình, chính trị, ngoại giao”.

Nga đã từng công khai ý định giữ vai trò trung gian đàm phán giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc điện đàm với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng Năm, Tổng thống Putin đã hứa hẹn Nga sẵn sàng giữ vai trò xây dựng để tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triền Tiên và hợp tác hơn nữa với Hàn Quốc.


Nga có thay được vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên?

 

Hồ sơ - Cuộc gặp kín 5 tiếng giữa Moscow - Bình Nhưỡng: Hé lộ nước cờ của Nga

Theo FP, đối với Triều Tiên, cốt lõi vấn đề không phải là đàm phán về hạt nhân mà là sự sống còn của chế độ.

Theo Foreign Policy, khi căng thẳng sắp đến đỉnh điểm giữa Mỹ và Triều Tiên, một số nhà quan sát gợi ý Nga có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm xoa dịu tình hình.

Theo đó, Triều Tiên nên được xem là một trong ít những vấn đề mà  Washington và Moscow có thể tìm được tiếng nói chung.

Tuy nhiên, thực tế chính quyền ông Trump không nên trông đợi vào Nga trong việc giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Nga không chỉ có ít ảnh hưởng với Bình Nhưỡng hơn Trung Quốc mà nước này còn tận dụng vị thế của mình để làm giảm lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên.

Tổng thống Nga Putin cũng đánh giá tình hình Triều Tiên giống như các vấn đề quốc tế khác: Nếu Mỹ có mặt trong khu vực đang căng thẳng, Nga sẽ cố gắng tận dụng tình hình để nâng cao vị thế của mình.

Tương tự, nếu Bắc Kinh gặp trở ngại với Triều Tiên, Moscow có thể sẽ bước vào và lấp khoảng trống do Trung Quốc để lại.

Điện Kremlin không muốn thấy bùng nổ cuộc chiến tranh, nhưng Nga sẵn sàng khai thác mọi lợi ích có được từ mối quan hệ với Bắc Kinh và Washington.

Người đứng đầu trung tâm Carnegie Moscow, ông Dmitri Trenin, lập luận Nga “có thể giúp xoa dịu Bình Nhưỡng và giảm căng thẳng bằng các triển vọng kinh tế mới".

Nga có thể giữ vai trò môi giới trong việc làm giảm căng thẳng, ông Trenin cho biết.

Có ý kiến phân tích, Nga còn xem tình hình căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng là cơ hội cho Moscow.

Fyodor Lukyanov, Tổng Biên tập tạp chí Nga với các vấn đề toàn cầu, nhận định: “Cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên chẳng thể có giải pháp dễ dàng, nhưng kiềm chế là điều có thể và cần thiết.

Nếu Nga khéo léo thực hiện được điều này, vị thế ở châu Á – Thái Bình Dương của Nga sẽ được tăng cường. Điều đó đồng nghĩa với việc sự bá quyền của Mỹ trong các vấn đề quốc tế ở châu Á sẽ giảm sút”.  

Ông Lukyanov từng nhận định: “Nga hiểu tâm lý của người Triều Tiên vì các nhà lãnh đạo Nga từng cảm thấy bị bao vây, cô lập. Đối với Triều Tiên, cốt lõi vấn đề không phải là đàm phán về hạt nhân mà là sự sống còn của chế độ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rõ về số phận của Saddam Hussein ở Iraq, hay Muammer Gaddafi tại Libya...".

Nói cách khác, "Moscow cảm nhận được nỗi đau của Bình Nhưỡng”, ông Lukyanov đánh giá.

Người đứng đầu Điện Kremlin dường như không hứng thú khi thấy các lệnh trừng phạt được áp đặt ở bất kỳ nơi nào khác. Chính phủ Nga khẳng định, giải pháp gia tăng sức ép đơn thuần lên Bình Nhưỡng là không hiệu quả.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã chỉ trích lời đe dọa sẽ hủy diệt Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19/9: “Nếu chỉ đơn giản là đe dọa và lên án, sẽ phản tác dụng với những quốc gia mà chúng ta muốn gây ảnh hưởng”.

Trong khi đó, chuyên gia Hannah Thoburn ở viện Nghiên cứu Hudson lập luận, Nga có lợi ích kinh tế của mình và không muốn gặp trở ngại vì cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Dường như phía Mỹ cũng nhận ra được vai trò của Nga. Cho dù Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng tỏ ra nghi ngờ về vai trò của Nga.

"Nếu Nga muốn khôi phục lại vai trò của một nhà hoạt động đáng tin cậy trong việc giải quyết tình hình với Triều Tiên, họ có thể chứng minh những ý định tốt bằng cách duy trì cam kết với các nỗ lực quốc tế về an ninh hạt nhân và kiểm soát vũ khí", ông Tillerson cho biết.

Sự nghi ngờ của ông Tillerson không hẳn là không có căn cứ. Ngay cả khi Moscow hiểu được giá trị hữu ích của mình, nước này cũng sẽ chọn phương án ngược lại, thay vì ủng hộ Mỹ trừng phạt Triều Tiên.

tin tức liên quan