Ngày 5/10, PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng chia sẻ với VnExpress về việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy chính trị - nội dung cấp bách đang được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 6.
- Đề án tiếp tục đổi mới, tinh gọn bộ máy chính trị được Tổng bí thư nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 và gợi ý "việc nào đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm ngay". Ông bình luận gì về điều này?
- Từ năm 1986 đến đầu những năm 90 có hiện tượng người dân bỏ nhà nước ra làm ngoài. Nhưng rồi làm kinh tế tư nhân cũng không phải dễ. Đầu thế kỷ 21 lại có hiện tượng đổ xô vào nhà nước. Họ xin vào doanh nghiệp nhà nước, bộ máy công quyền, kể cả những đơn vị sự nghiệp công ích.
Tại sao lại có hiện tượng này? Có phải người ta đổ xô vào nhà nước để cống hiến, đóng góp cho sự phát triển đất nước hay là để hưởng thụ? Tôi cho rằng người Việt Nam rất nhạy cảm, cái gì có lợi là làm ngay.
Việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy đã được Đảng đưa ra nhiều lần, như trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Khi Đổi Mới, chính Đại hội 6 đã là bước thay đổi tư duy rất quan trọng về cơ cấu tổ chức bộ máy và vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới phong cách lãnh đạo.
Sau đó, chúng ta cũng có mấy cuộc vận động gắn với tổ chức, chỉnh đốn đảng như chỉnh đốn theo nghị quyết trung ương 3 khóa 7 năm 1992, trung ương 6 lần hai của khóa 8 năm 1999, hội nghị trung ương 4 khóa 10 năm 2006.
Tuy nhiên, việc này chưa tạo ra đột phá và mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, tôi đồng tình tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy là việc cần phải làm ngay. Thông qua sắp xếp, Đảng lựa chọn được cán bộ tốt, loại bỏ những cán bộ suy thoái, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm...
|
PGS Nguyễn Trọng Phúc: Tinh giản bộ máy chính trị là việc cần làm ngay vì nó ảnh hưởng đến sự sống còn của chế độ. Ảnh: Ngọc Thành
|
- Việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy phải bắt đầu từ đâu?
- Các cơ quan của Đảng phải là nơi đầu tiên thực hiện tinh giản bộ máy, vì ở nước ta Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo. Nếu bộ máy Đảng vẫn cồng kềnh thì hiệu quả lãnh đạo suy giảm.
Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo giữa bộ máy chính trị - hành chính, đòi hỏi phải nhất thể hóa. Ví dụ cơ quan nội chính bên đảng và nội vụ bên chính quyền, hay Ban tổ chức trung ương và Bộ Nội vụ cùng xử lý vấn đề cán bộ... Riêng chuyện thanh tra, địa phương có thể hợp nhất kiểm tra đảng, ủy ban kiểm tra huyện ủy vào thanh tra chính quyền. Thống nhất lại để không cồng kềnh, tránh hiện tượng nhìn nhau, cái nào Đảng làm, cái nào Nhà nước làm.
Hay cơ quan trung ương, có nên duy trì Ban đối ngoại trung ương hay không vì Đảng cầm quyền, toàn bộ đường lối đối ngoại đã thông qua hoạt động đối ngoại của nhà nước, của Bộ Ngoại giao. Lê Nin từng nói rất sớm về việc thống nhất hai cơ quan này (từ năm 1921-1922).
Nếu gạt bỏ chuyện ghế ngồi, lợi ích riêng mà vì lợi ích chung, vì sự phá triển của đất nước, thì toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương có thể mạnh bạo sắp xếp lại để có hiệu lực, hiệu quả cao hơn.
- Một số cơ quan công quyền có số lượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, địa phương giải thích "đều theo quy định". Ông bình luận gì về thực trạng này?
- Gần 4 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trung ương cũng phải cấp ngân sách cho hoạt động thường xuyên của 49 tỉnh, thành. Ngân sách không còn tiền cho đầu tư phát triển mà phải đi vay ODA, nợ công cứ thế tăng lên. Vay thì phải trả, mà bây giờ chúng ta không trả được thì đời con, cháu phải trả. Từ đó mới thấy sự bức xúc của việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy nhà nước. Đó là việc sống còn của đất nước, của chế độ.
Nghiên cứu lịch sử, tôi thấy tách ra thì dễ nhập vào thì khó vì đụng đến ghế. Tách tỉnh rất dễ vì vị trí, chức vụ, chế độ mới. Một cơ quan cũng thế, tách ra có đầu mối thì dễ nhưng nhập lại khó lắm, vì khi nhập thì một ông lãnh đạo thôi chứ làm sao được hai.
Tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu để một cơ quan làm nhiều việc, chứ bây giờ có hiện tượng nhiều cơ quan cùng làm một việc. Như vậy sẽ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng không ai làm. Như vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay có ba Bộ Y tế, Nông nghiệp, Công thương. Nhưng an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề đáng báo động.
Tôi vừa đến một cơ quan, thấy riêng việc chuẩn bị một cái micro cho thầy lên lớp mà 3 bộ phận lo. Một bộ phận xuất mic ra có thủ tục giấy tờ, bộ phận đưa lên ráp máy móc trên bục giảng, bộ phận thứ 3 lo mua pin. Như vậy là quá cồng kềnh, không hiệu quả.
Hay có hiện tượng một ông cán bộ được thuyên chuyển mà không biết xếp vào đâu, phải nghĩ ra tổ chức mới, xếp ông ấy vào để hưởng chế độ, mà không cần biết tổ chức này có nhiệm vụ gì. Tất cả những biểu hiện nêu trên khiến bộ máy công quyền ngày càng phình to.
Vì vậy, chúng ta phải vì công việc mà định ra tổ chức chứ không phải vì người mà định ra tổ chức. Từ mô hình tổ chức đó mới đi lựa chọn người đáp ứng yêu cầu. Tôi tin kỳ họp này với quyết tâm cao thì chúng ta sẽ làm được. Như ở Quảng Ninh, có huyện đã sáp nhập bộ phận tuyên giáo với văn hoá thông tin, thanh tra nhập vào uỷ ban kiểm tra, mặt trận nhập với dân vận, ban tổ chức huyện uỷ nhập với phòng nội vụ...
- Bên cạnh tinh gọn bộ máy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập đổi mới phương thức lãnh đạo. Theo ông phương thức lãnh đạo cần thay đổi thế nào?
- Hai vấn đề này không thể tách rời được. Cơ cấu, bộ máy, con người phải đi liền phương thức lãnh đạo. Hiến pháp đã ghi rõ đối tượng lãnh đạo của Đảng là nhà nước và xã hội. Nếu phương thức lãnh đạo mà tốt, hoàn thiện thì sẽ nâng hiệu lực quản lý lãnh đạo của hệ thống chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm "sửa đổi lối làm việc" có nói tới cách lãnh đạo, trong đó Người chỉ nêu ba điểm. Một là quyết định vấn đề cho đúng, hai là tổ chức thực hiện cho tốt, và ba là kiểm tra giám sát cho tốt. Chúng ta chỉ cần thực hiện tốt lời dạy của Bác là đã có những người lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm.
Bên cạnh đó, cái cốt lõi là phải phát triển khoa học tổ chức quản lý. Việc xây dựng hệ thống tổ chức, lựa chọn con người, guồng máy hoạt động ra sao là cả một vấn đề khoa học. Đó là khoa học lãnh đạo quản lý, gắn với khoa học tổ chức. Cái này không từ trên trời rơi xuống mà phải tổng kết từ thực tiễn để tìm ra quy luật, cách thức vận hành hiệu quả nhất.
- Lãnh đạo có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế, nhưng niềm tin của người dân vào một bộ phận lãnh đạo đã suy giảm. Việc này nên giải quyết như thế nào?
- Thời của tôi, những năm 1960-1970 chỉ có một thủ trưởng đứng đầu, cấp phó chỉ 1 đến 2 người chứ không nhiều như bây giờ. Nguyên nhân là do chế độ chính sách bây giờ còn bao cấp hơn cả thời bao cấp. Một ông Bộ trưởng, Chủ tịch, Bí thư... có bao nhiêu chế độ chính sách đi kèm theo, từ nhà ở, đất đai, xe cộ, điều kiện, phương tiện làm việc. Thời trước đổi mới làm gì có, cán bộ chỉ hơn người khác về chế độ, tem phiếu, tiền lương thì chênh lệch không đáng kể.
Trước đây, việc xử lý kỷ luật cán bộ cũng rất nghiêm nên số lãnh đạo bị xử lý kỷ luật rất ít. Ví dụ, một anh cán bộ xã chỉ cần tham ô vài chục cân thóc của hợp tác xã, vài chục đồng bạc công quỹ là lập tức cách chức, khai trừ. Năm 1950, Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu bị tử hình đã cho thấy sự trừng phạt nghiêm khắc của Hồ Chủ tịch đối với tội tham nhũng. Kỷ luật nghiêm buộc cán bộ phải lo công việc chung, dĩ công vi thượng chứ không thể lo vun vén lợi ích cá nhân của mình được.
Bây giờ thì số lượng cán bộ vi phạm nhiều quá, năm 2016 đã xử lý 74.000 cán bộ đảng viên ở các mức độ khác nhau. Mỗi thời kỳ có nhiệm vụ chính trị, hoàn cảnh lịch sử riêng, nhưng cũng phải từ lịch sử để suy nghĩ tại sao bây giờ cán bộ đảng viên lại nhiều người hư hỏng như vậy. Mà Hồ Chủ tịch trong di chúc đã nói, đấu tranh chống hư hỏng là cuộc chiến đấu khổng lồ.