Vì sao tham nhũng "không có đất sống" ở Singapore?

Ngày đăng: 07:14 17/10/2017 Lượt xem: 429



       Vì sao tham nhũng "không có đất sống" ở Singapore?


                                                  
                                                                       Nguồn:Báo Điện tử InfoNet


Singapore được công nhận vì hệ thống luật không để lọt bất kỳ hành vi hối lộ và tham nhũng nào. Đây cũng là quốc gia châu Á duy nhất luôn duy trì trong top 10 nước có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới theo số liệu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.


Đáng chú ý nhất, vào năm 2016, Singapore vươn lên vị trí thứ 7 trong danh sách, đứng trước Hà Lan, Canada và Đức. Sự vượt trội của Singapore trên bảng chỉ số tham nhũng có thể nói là nhờ vào các quy định pháp luật chặt chẽ, như Luật Phòng chống Tham nhũng và cách thức hành pháp nghiêm ngặt của những cơ quan thi hành luật như Cục Điều tra các hành động tham nhũng (CPIB).

Tuy nhiên, theo Channel News Asia, thời gian qua ngày càng nhiều tin tức bất thường về các cá nhân đứng đầu nhận hối lộ để đổi lấy đặc ân. Hai tuần trước, một quan chức nhập cư đã bị buộc tội nhận hối lộ để cho phép một hoạt động xã hội được thông qua.

Hay chỉ mới tuần vừa rồi, một cựu nhân viên tuyển dụng cấp cao tại Tập đoàn Keppel Shipyard đã bị cáo buộc thực hiện gần 400 lần tham nhũng, nhận hối lộ để đối lấy việc giúp các công ty tăng cường lợi ích kinh doanh với tập đoàn.

Nhiều trường hợp tham nhũng ở Singapore được đưa ra ánh sáng thời gian gần đây. Nguồn: Reuters

Các trường hợp gần đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi tính chất của các vụ việc tham nhũng ngày càng liên quan đến các quan chức có vị trí cao trong các cơ quan chính phủ.

Năm 2013, người đứng đầu Lực lượng Quốc phòng Dân sự Singapore bị kết án vì trao đổi tình dục lấy các hợp đồng kinh doanh. Năm 2014, một cựu Phó giám đốc CPIB cũng bị phạt tù 10 năm vì chiếm đoạt 1,76 triệu đô la Singapore.

Mặc dù những vụ gần đây có vẻ kém nghiêm trọng hơn do số tiền không lớn và địa vị của các bị cáo thấp hơn, song điều đó cũng cho thấy khung quy định và luật pháp hiện tại của Singapore chưa thực sự phù hợp để phát hiện và chấm dứt tình trạng hối lộ cũng như tham nhũng.

Theo chuyên gia Madeline Ong, giáo sư nguồn nhân lực và ứng xử tổ chức tại ĐH Quản lý Singapore thuộc trường kinh tế Lee Kong Chian, phải thừa nhận rằng, không thể hiện thực hóa hy vọng tỷ lệ tham nhũng bằng không, vì vậy để đạt được thành công trong vấn đề này điều quan trọng là phải có các cuộc kiểm tra và cân bằng nghiêm ngặt để đối phó với tham nhũng, giảm các rủi ro tương ứng và xây dựng một văn hóa đạo đức mạnh mẽ.

Các công ty làm chưa đủ

Các nhà nghiên cứu về lối ứng xử phi đạo đức đã tìm ra rằng sự lan tỏa của nạn tham nhũng có thể là do mối liên hệ của các nhân tố cấp độ cá nhân, công ty và chính quyền.

Mặc dù Singapore có hệ thống luật pháp rộng, phát triển nhanh để xóa nạn tham nhũng, song một số công ty ở Singapore vẫn chưa thực hiện đầy đủ để đảm bảo một môi trường làm việc không tham nhũng và bản thân người dân Singapore cũng chưa làm đủ để vượt qua được sự cám dỗ tâm lý liên quan đến các hành vi phi đạo đức.

Các công ty có thể tác động tới sự tham nhũng thông qua môi trường làm việc mà họ tạo ra, từ đó hình thành nên hành động của các nhân viên. Ví dụ, Singtel được công nhận bởi chính sách không để lọt đối với bất kỳ hành vi gian lận và tham nhũng nào. Việc các nhân viên không tuân thủ quy tắc hành xử có thể dẫn tới việc bị kỷ luật nặng, bao gồm thôi việc hoặc đối mặt với nhiều cáo buộc khác.


tin tức liên quan