Đừng nghĩ là Đại biểu Quốc hội thích nói thế nào cũng được!
Nguồn:Báo Điện tử Giáo Dục Việt nam
Những năm gần đây, cử tri đã phải nghe một số lời phát ngôn “lạ” của một số ít Đại biểu Quốc hội.
Điển hình như việc "ông nghị Hoàng Hữu Phước" trước đây đã từng có những phát biểu rất thiếu tôn trọng đối với ông Dương Trung Quốc – Nhà sử học và cũng là Đại biểu Quốc hội.
Sau này, ông Hoàng Hữu Phước còn có phát biểu nhằm vào Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan "rất tăm tối, mơ hồi"; rồi nhằm cả vào Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (một người mà ông Phước từng gọi là Thầy) bằng những từ ngữ đay nghiến.
Chả thế mà đã từng có ý kiến phải "kiểm tra sức khỏe" của đại biểu Quốc hội!
Rồi có cả hiện tượng trồi sụt số lượng đại biểu khi bấm nút biểu quyết, mà đã có ý kiến chỉ thẳng ra là có hiện tượng bấm nút hộ nhau; hay chuyện Đại biểu Quốc hội vắng mặt ở các phiên họp không rõ lý do, ít nhiều gây cho cử tri những băn khoăn, hoài nghi về chất lượng và ý thức phục vụ nhân dân đối với một số đại biểu.
Ngay trong kỳ họp Quốc hội lần này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lại có những phát ngôn được cho là không đúng mực gây ra tranh luận trên các mạng xã hội.
Chả hiểu sao, bà nghị này lại có lời lẽ mỉa mai và "chọc ngoáy" Bộ Y tế rằng bao nhiêu việc tiêu cực khác thì xử lý chậm, còn việc bác sĩ Truyện "khuyên bộ trưởng Bộ Y tế từ chức" thì lại chỉ đạo nhanh thế?
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Lạ thật, chả lẽ bà Lan không hiểu rằng bác sĩ Truyện đang là công chức Nhà nước hay sao?
Là người đang làm việc trong một tổ chức, anh có quyền góp ý, có quyền phê phán, có quyền bày tỏ chính kiến nhưng muốn gì thì cũng phải có nguyên tắc. Đằng này say rượu, lên mạng xã hội phát ngôn càn rỡ, bừa phứa thì đâu thể chấp nhận được?
Việc văn phòng Bộ Y tế có công văn yêu cầu kiểm tra, xác minh, và nếu đúng thì phải có biện pháp giáo dục, xử lý... đó là chuyện đương nhiên.
Về khái niệm "xử lý", thì có thể là nhiều cấp độ từ phê bình, khiển trách, cảnh cáo... thậm chí nặng hơn, tùy theo tính chất của vi phạm.
Trường hợp này, không thể gọi là bác sĩ Truyện "khuyên" Bộ trưởng Kim Tiến mà phải coi đó là những lời xúc phạm, phát ngôn vô tổ chức, và rất yếu kém về văn hóa.
Còn việc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh phạt bác sĩ Truyện thì cũng là quá và không nên như vậy.
Chỉ cần bệnh viện nơi bác sĩ Truyện công tác cho kiểm điểm và có biện pháp giáo dục, nhắc nhở... thế là xong.
Nhưng do cách làm của Sở Thông tin Truyền thông không chuẩn nên mới sinh chuyện.
Vụ việc đơn giản có vậy, nhưng bà Phạm Khánh Phong Lan lại có ý mỉa mai Bộ Y tế. Thật không đúng chuẩn mực phát ngôn của một nghị sĩ.
Nhân nói về phát ngôn “lạ” của bà Phạm Khánh Phong Lan, chợt nhớ lại lời răn của các bậc tiền nhân rằng "Lời nói đọi máu"; "Ăn có nhai, nói có nghĩ"; "Uốn lưỡi bảy lần rồi hãy nói"...
Thế nên đừng nghĩ mình là Đại biểu Quốc hội thì thích nói thế nào cũng được!