Nhiều người có chức có quyền đang 'không biết, không nghe, không thấy'
Nhiều người có chức có quyền đang 'không biết, không nghe, không thấy'
Nguồn:Báo Điện tử An Ninh Thủ Đô
Trước hết, xin thưa đây là phương châm chúng ta giáo dục cho người dân thời kỳ chiến tranh, nhất là giai đoạn chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là thời điểm Mỹ tung gián điệp, biệt kích ra phá hoại miền Bắc. Mục tiêu là nâng cao ý thức giữ bí mật cho nhân dân.
Đáng tiếc, phương châm này đang được không ít người có chức, có quyền sử dụng cho đến hôm nay, và chắc còn lâu nữa.
Câu chuyện ầm ỹ trên mạng xã hội, kể cả báo chí chính thống về việc một Thượng tá, Phó Trưởng phòng CSGT một tỉnh phía Nam có "ái nữ" là cổ đông chiến lược tại Công ty chủ đầu tư dự án một trạm thu phí ở địa phương. Trả lời phỏng vấn báo chí, Thượng tá khẳng định: “Chuyện này tôi hoàn toàn không biết. Con gái tôi đã lớn rồi. Nó đã có gia đình. Đó là chuyện làm ăn riêng của vợ chồng nó”.
Về lý, mỗi người chịu trách nhiệm trước pháp luật, ngay cả quan hệ chồng – vợ, bố mẹ - con cái. Ông không sai về lý. Tuy nhiên, câu trả lời của Thượng tá kết hợp với nhiều diễn tiến khác xung quanh trạm thu phí có thể khiến dư luận đặt câu hỏi: Việc con gái là nhà đầu tư chiến lược có liên quan gì đến việc “mời gọi” lái xe trả tiền lẻ lên làm việc không?. Công cụ quyền lực mà người bố nắm trong tay có phải vì “lợi nhuận” siêu ngạch của con gái đang đầu tư ở tuyến đường này không?.
Điều này có liên quan gì đến Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật số 55/2005/QH11 ngày 29/11/2005): “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”. Phó Trưởng phòng không “bố trí” nhưng ô tô lưu thông trên tuyến đường nơi có Trạm thu phí thuộc “quyền năng” của Trung tá.
Tức là “lý ngay” nhưng “tình gian”.
Chúng ta đang “trả giá” vì không biết? Khi Tòa án xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng bọn ở Vinalines, trong một chương trình phát sóng của VTV, cư dân khối phố được hỏi đều không được biết, không được gặp tử tù này. Thực tế là, lãnh đạo của chúng ta đều tường cao, cổng kín, khi đã lên chức là không có ai sinh hoạt cùng với nhân dân ở các tổ dân phố. Quy định đảng viên sinh hoạt hai chiều dường như chỉ có những đảng viên thường thực hiện.
Chợt nhớ bà Trần Thị Tâm Đan là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, trong một lần phát biểu trước Quốc hội bà nói: “Lãnh đạo của ta gần như không thấy ai đi bộ trên hè phố”. Vâng, đi bộ thì gần dân quá nhưng lãnh đạo sẽ mất oai?.Đó là một nghịch lý đáng buồn.
Không chỉ riêng câu nói của Phó Trưởng phòng CSGT địa phương nọ, mà ngay tại một tỉnh miền núi, em trai của Bí thư Tỉnh ủy sở hữu đến hàng ngàn mét vuông đất, biến đất rừng thành đất ở nhưng chị vẫn “không biết”.
Đến chị em, bố con với nhau còn không biết thì người dân sao giám sát được? Bi hài!