Mạng xã hội và ý thức người sử dụng

Ngày đăng: 08:47 18/11/2017 Lượt xem: 647




             Mạng xã hội và ý thức người sử dụng



Sẽ không bao giờ có chuyện cấm YouTube, cấm Facebook, cấm mạng xã hội ở Việt Nam như tin đồn. Trước Quốc hội ngày hôm qua, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã khẳng định rất rõ ràng: Chúng ta không thể cấm mạng xã hội hoạt động, vấn đề là làm thế nào để tăng cường mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội.
 


Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: QH


Có tới 70 chất vấn đã được gửi tới Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, một con số kỷ lục đối với một tư lệnh ngành, và điều mà dư luận quan tâm nhất chính là mạng xã hội với không ít những hệ lụy cũng như cách thức quản lý của chúng ta.

Đúng, mạng xã hội giờ đây không ít những tác hại. Thông tin sai đúng, giả thật lẫn lộn. Ném đá, bôi nhọ, bịa đặt không thiếu. Một điển hình chính là vụ bịa đặt thông tin máy bay rơi ở Nội Bài từng gây xôn xao, phẫn nộ trong dư luận.

Và thực tế đã xảy ra những hậu quả khôn lường, như chính số liệu mà Bộ trưởng Tuấn đưa ra: Từ năm 2014 đến nay, có 5-6 người tự tử vì bị bôi xấu, ném đá tập thể trên mạng xã hội. Chưa kể những hệ lụy mang tính tác động tới tâm tư, tình cảm, cái nhìn rất khó lượng hoá.

Nhưng thật ra, những “năng lượng đen”, những thông tin bịa đặt, những xấu xí của mạng xã hội chỉ là một phần rất nhỏ trong những ưu việt và tiện ích mà mạng xã hội mang tới. Bởi, với 70% người Việt dùng Internet, 53 triệu tài khoản Facebook, nếu biết cách khai thác, đó chính xác là một lợi thế, một nguồn lực rất lớn. Huống chi nếu những xấu độc lan tỏa thì những điều đẹp đẽ tốt đẹp, những chính sách, thông điệp cũng có thể đến với người dân theo cấp số nhân thông tin.

Vấn đề còn ở chỗ chúng ta không thể đi ngược lại sự tiến bộ. Lại càng không thể cực đoan nói đến việc cấm đoán.

Hôm qua, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ví von thú vị: Mạng xã hội như con đường và “đừng coi việc sử dụng là xấu, điều quan trọng nằm ở ý thức của người sử dụng”.

Bộ trưởng cũng cho rằng, với việc kiên quyết xử lý những thông tin thiếu chính xác, sai sự thật trên cơ sở tăng cường thông tin chính xác, thông tin tốt trên báo chí, không để báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội, cũng là một cách thức hiệu quả để đẩy lùi các thông tin xấu, sai sự thật trên mạng.

Đây là một điểm nhìn chính xác. Một điểm nhìn tin tưởng vào báo chí, tin tưởng và tôn trọng quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Bởi chính người dân sẽ là những người phản đối, tẩy chay đầu tiên với những xấu độc, bịa đặt chừng nào báo chí chỉ được cho họ thấy điều đó.

tin tức liên quan