Tướng Cương: Bản án với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã thể hiện sự khoan hồng
Kiểu "anh em đồng dạng" như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhận định:
"Đối với hành vi của ông Đinh La Thăng nếu tham chiếu vào Bộ Luật Hình sự thì có thể phải chịu mức án nặng hơn nhưng HĐXX tuyên 13 năm tù đã có sự khoan hồng, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như khai báo thành khẩn, nhận trách nhiệm...
Ngoài ra, trong quá trình công tác, ông Thăng có những công lao nhất định đối với sự nghiệp xây dựng đất nước. Bản án như vậy là nghiêm túc, đúng mức, thể hiện rõ sự khoan hồng nhưng cũng mang tính răn đe, giáo dục cao".
Qua vụ án này, theo tướng Cương có 2 vấn đề cần phải rút ra. Trước hết đó là vấn đề giám sát quyền lực còn nhiều bất cập, lỏng lẻo nên dẫn tới lỗ hổng, khiến cho cán bộ lãnh đạo lạm quyền, tùy tiện.
"Thực tế, qua vụ án có thể thấy, ta trao quyền lực cho một cán bộ, công chức rất lớn nhưng hệ thống giám sát quyền lực chưa đảm bảo, sơ hở, dẫn đến cán bộ lợi dụng, có những quyết định mang tính tư lợi, tha hóa và xuất hiện những kiểu "anh em đồng dạng" như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh...
Do đó, việc đầu tiên cần rút ra đó là phải nâng cao vấn đề giám sát quyền lực của chúng ta trong thời gian tới", tướng Cương nêu.
Vấn đề thứ 2 qua vụ án theo tướng Cương, đó là việc bố trí sử dụng cán bộ của chúng ta cũng còn nhiều bất cập. Do đó, phải chấn chỉnh kịp thời, làm sao để chọn đúng người có tài, đức vào các vị trí lãnh đạo then chốt của các đơn vị.
Mức án có lý, có tình
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cho hay, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về hình thức, tổ chức, điều hành đã thể hiện được tinh thần cải cách tư pháp theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Trung tướng Trần Văn Độ. Ảnh: H.G.
"Qua phiên tòa này sẽ có nhiều bài học được rút ra nhằm phát huy hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nói chung và hoạt động xét xử nói riêng nhằm bảo đảm quyền bào chữa, suy đoán vô tội đối với các bị cáo cũng như nguyên tắc tranh luận tại phiên tòa.
Tất cả để hướng tới mục tiêu một phiên tòa dân chủ và bảo đảm việc bảo vệ công lý, quyền con người cũng như các lợi ích hợp pháp của công dân, Nhà nước", Trung tướng Độ nói.
Tướng Độ nhìn nhận, mức án đã được HĐXX xem xét kỹ càng các vấn đề, trách nhiệm của các bị cáo, tình tiết có liên quan.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, viêc tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án này đã được HĐXX căn cứ vào các quy định của pháp luật, quá trình xét xử, diễn biến của vụ án, có lý, có tình.
Ông Xuyền cũng nêu rõ, vụ án xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm là vụ án điển hình cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng do Đảng, Nhà nước ta đang phát động hiện nay.
"Qua vụ án này cũng như một số vụ án trước đó đã được xét xử, điều mà tôi suy nghĩ nhiều nhất chính là vấn đề về công tác cán bộ.
Rõ ràng, như vụ án này, ngoài thiệt hại về kinh tế, thất thoát tài sản của Nhà nước, nhân dân thì chúng ta mất mát không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao.
Tất cả điều này là những bài học kinh sâu sắc cần phải rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cán bộ, quản lý Nhà nước.
Tôi cũng mong muốn trong tương lai chúng ta phải có những khắc phục kịp thời để hạn chế, không lặp lại các vụ án tương tự như thế này", ông Xuyền bày tỏ.
Một vấn đề khác cũng được Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt ra sau vụ án này là chúng ta đã có những quy định cụ thể của pháp luật về hoạt động kinh tế, quản lý các tập đoàn nhưng người tổ chức thực hiện đã không thực hiện đúng.
"Phải nhìn nhận chúng ta đã có các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhưng thực tế, trong thời gian qua việc này còn những hạn chế nên đã không phát hiện, không có cảnh báo kịp thời, không ngăn chặn được kịp thời dẫn đến hậu quả quá lớn như trong vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm.
Đây là bài học rất đau xót mà tôi cho rằng cần phải rút ra trong thời gian tới", ông Xuyền nói thêm.
Trước đó, sáng nay, chủ tọa phiên tòa tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV của PVN) về tội cố ý làm trái với hình phạt 13 năm tù.
Bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC) chịu trách nhiệm liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự trong tội cố ý làm trái là 60 tỷ đồng, trong đó chia theo tỷ phần mỗi bị cáo phải bồi thường 30 tỷ đồng.
Cấm bị cáo Thăng đảm nhiệm các vị trí quản lý kinh tế tài chính trong doanh nghiệp nhà nước 5 năm sau khi chấp hành hình phạt tù.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội làm trái, chung thân tội tham ô, tổng hợp là chung thân, xử phạt 50 triệu đồng.