TP. Hồ Chí Minh vượt thu ngân sách 1.000 tỷ đồng/ngày

Ngày đăng: 11:07 14/02/2018 Lượt xem: 774

TP.HCM vượt chỉ tiêu góp ngân sách 1000 tỉ đồng mỗi ngày

 

TTO - Trước thềm xuân Mậu Tuất, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã dành cho báo chí cuộc phỏng vấn về những điểm nhấn của TP trong năm 2017 và kỳ vọng năm 2018.

TP.HCM vượt chỉ tiêu góp ngân sách 1000 tỉ đồng mỗi ngày - Ảnh 1.

Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thện Nhân trả lời phỏng vấn - Ảnh: Tự Trung

Hoàn thiện cơ chế, thể chế

* Thưa Bí thư Thành ủy, những thành tựu 2017 của TP.HCM được thể hiện trên các mặt như thế nào?

- Cùng với cả nước, năm 2017 là năm thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần chung vào những thành tựu của cả nước. 

Trước hết, TP tiếp tục là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Năm 2016 tăng trưởng TP là 8,05%, năm 2017 đạt 8,25%. Điều đó giúp giữ vững tỉ trọng đóng góp của TP là 22% cả nước.

 

Hai là thu ngân sách, những năm qua trung bình mỗi năm TP đóng góp được 27-28% ngân sách cả nước. Trong năm 2017, chỉ tiêu giao khá nặng, hơn 347.000 tỉ đồng, tức trung bình mỗi ngày TP phải góp 1.000 tỉ, kết thúc năm đã vượt chỉ tiêu này, việc này rất có ý nghĩa.

TP.HCM vượt chỉ tiêu góp ngân sách 1000 tỉ đồng mỗi ngày - Ảnh 2.

Đồ họa: Thùy Trang

Ba là thu hút đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm trở về trước, xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài có gặp khó khăn. Năm 2016, thu hút được 3,46 tỉ đô, năm 2017 là 6,3 tỉ đô, tức là tăng hơn 85%, đây là kết quả rất đáng khích lệ. Nhờ vậy, tổng đầu tư nước ngoài của TP năm ngoái chiếm 13% thì nay chiếm gần 18%.

Nhưng dưới góc độ quản lý TP, chúng ta đã tạo được những đổi mới đầu vào rất quan trọng và phải phát huy được tác dụng trong năm 2018 và sau này.

Thứ nhất, chúng ta đã quan tâm tìm cơ chế tạo vốn cho thành phố. Bấy lâu nay, vấn đề rác người dân rất bức xúc, chôn là chủ yếu. Nay thành phố quyết tâm, thực hiện nghị quyết của HĐND thì giảm tỉ lệ rác chôn từ 76% năm 2016 xuống còn 50% năm 2020 và xuống còn 20% năm 2025.

Hướng cơ bản là kêu gọi đầu tư biến rác thành điện. Vừa qua, tháng 12 lần đầu tiên TP tổ chức, cũng là lần đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị kêu gọi nhà đầu tư biến rác thành điện. Đây là những công nghệ vào loại tiên tiến nhất thế giới.

TP.HCM vượt chỉ tiêu góp ngân sách 1000 tỉ đồng mỗi ngày - Ảnh 3.

Khu xử lý rác Đa Phước - Ảnh: THUẬN THẮNG

Ngoài ra, TP vừa tổ chức hội nghị giới thiệu các dự án chỉnh trang kênh rạch, với mục tiêu 20.000 nhà kênh rạch phải giải quyết trong 5 năm, trong đó là kêu gọi các nhà đầu tư xã hội hóa cái này. Mình làm xong rồi thì mất 6-9 tháng chuẩn bị sẽ có đấu thầu. Đây là giải pháp xã hội hóa để giải quyết các vấn đề bức xúc là rác và nhà ở trên kênh rạch.

Thứ hai là cơ chế phát triển, mà Quốc hội đã thông qua tại Nghị quyết 54 ngày 24-11-2017. Nghị quyết 54 không cho TP tiền mà cho cách làm để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, và khi có kết quả tốt hơn thì chúng ta có điều kiện để đầu tư, chăm lo cho đồng bào, cán bộ công chức tốt hơn.

Ba là, năm qua chúng ta đã công bố đề án đô thị thông minh. Bằng đề án này, nhiều khả năng sẽ quản lý tốt hơn, nâng tính dự báo, ngăn chặn bớt việc "giật mình" phát triển TP, mà chúng ta có thể lường trước.

Thứ tư là, Thành ủy đã phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương có quyết định 1374 về xử lý thông tin nhân dân phản ánh, liên quan đến tập thể cá nhân có những biểu hiện vi phạm phẩm chất đạo đức, luật pháp cũng như quy định của đảng. Lần đầu tiên chúng ta có quy định này.

TP.HCM vượt chỉ tiêu góp ngân sách 1000 tỉ đồng mỗi ngày - Ảnh 4.

Đồ họa: Thùy Trang

* Việc Quốc hội thông qua NQ54 là một trong những sự kiện quan trọng của TP trong năm 2017. Vậy TP sẽ triển khai nhiệm vụ gì trong năm 2018?

- Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54, trong vòng hơn 1 tháng, TP đã thông qua tất cả các văn bản cần thiết để triển khai nghị quyết.

Thứ nhất là vấn đề thực hiện ủy quyền và phân cấp. Việc này không tốn tiền, phải làm sớm. Trên cơ sở các công việc đã chuẩn bị thì tháng 3 này TP sẽ trình HĐND.

Thứ hai là chúng ta phải quản lý các doanh nghiệp nhà nước theo mô hình gì. Cái này từ nghị quyết của trung ương phải làm, chúng ta đang chuẩn bị để tháng 4 có thể thông qua đề án này.

Thứ ba là vấn đề sắp xếp lại tên gọi một số đơn vị trực thuộc các sở ngành của TP để phù hợp với điều kiện của TP là đông dân, kinh tế nhiều thành phần. Chúng ta đang chuẩn bị để tháng 5 có thể trình đề án điều chỉnh tên gọi các tổ chức trực thuộc các sở ngành của TP.

TP.HCM vượt chỉ tiêu góp ngân sách 1000 tỉ đồng mỗi ngày - Ảnh 5.

Đồ họa: Thùy Trang

Một vấn đề khác mà lãnh đạo TP và người dân quan tâm là sắp xếp lại các ban quản lý của TP cũng như quận huyện, thu hẹp lại số ban, điều chỉnh tên gọi cho phù hợp. Chúng ta đang chuẩn bị để tháng 4 có thể hoàn chỉnh đề án này.

Một nội dung nữa, liên quan đến tài chính, Nghị quyết 54 cho phép trên cơ sở tăng năng suất hiệu quả và tiết kiệm, thì có thể tăng thu nhập cho cán bộ công chức, với mức tăng không quà 1,8 lần trong 5 năm. Tháng 3 sẽ trình HĐND.

Nghị quyết 54 cũng cho phép TP bổ sung và điều chỉnh một số loại phí. Dự kiến, tháng 3 sẽ trình điều chỉnh một số mức phí, như phí dừng ô tô lòng lề đường trong nội đô, qua đó điều tiết hành vi, hoặc phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp.

Ngoài ra, Quốc hội cho phép TP có thể huy động vay xã hội, phát hành trái phiếu địa phương, dự kiến tháng 9 sẽ đề xuất phương án vay bổ sung qua phát hành trái phiếu, tạo nguồn lực cho phát triển.

TP.HCM vượt chỉ tiêu góp ngân sách 1000 tỉ đồng mỗi ngày - Ảnh 6.

Tuyến kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè (quận 1) của thành phố được cải tạo từ những căn nhà lụp xụp - Ảnh: Tự Trung

Cơ chế đặc thù: Thời cơ và trách nhiệm đều lớn

* Nhiều ý kiến cho rằng trao cho TP.HCM cơ chế đặc thù sẽ tạo cho TP.HCM phát triển nhanh, phát huy vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế cả nước đi lên. Theo ông, TP.HCM nhận trách nhiệm này như thế nào và triển khai ra sao?

- Lý do tại sao lại có cơ chế đặc thù cho thành phố? Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ hơn 30 năm đổi mới vừa qua chúng ta cũng thấy dấu hiệu của tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và những khó khăn thách thức đang thực thi. Với cơ chế bình thường không có gì khác so với các địa phương khác thì không thể giải quyết được. 

Vì vậy mà với kết luận 21 của Bộ Chính trị, nghị quyết 54 của Quốc hội chính là phát huy những đặc điểm đặc thù để làm cho TP.HCM phát triển hơn vì cả nước.

Ví dụ, TP.HCM có quy mô dân số rất lớn, chính thức là 8,6 triệu người. Tức là bình quân dân số một tỉnh thì gấp 6 lần, nhưng bộ máy quản lý hành chính của TP.HCM thì không khác các địa phương khác, số người của UBND TP so với các địa phương khác là không khác. 

Như vậy, là lượng hồ sơ rất lớn, cho nên không thể dồn hết lên UBND TP được, mà phải giao quận huyện, sở ngành làm, đó là đáp ứng về mặt khách quan để công việc trôi chảy hơn.

TP.HCM vượt chỉ tiêu góp ngân sách 1000 tỉ đồng mỗi ngày - Ảnh 7.

TP.HCM là một trong những địa phương có chỉ số phát triển cao nhất cả nước - Ảnh: Tự Trung

Thứ hai là dân số lớn, 20 năm qua cứ năm năm rưỡi có 1 triệu người nhập cư, lo cho họ về học tập, y tế như thế nào, nó khác địa phương khác. Địa phương khác xây xong bệnh viện có thể tạm ổn trong 5-7 năm, TP.HCM năm nào cũng xây thêm trường, năm nào cũng bệnh viện. 

Vì thế cơ cấu chi của TP khác với các địa phương khác. Cho nên Quốc hội cho phép TP.HCM được tự quyết định cơ cấu chi mà không phải thông qua Quốc hội. Đấy chính là giao trách nhiệm đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân tốt hơn.

Thứ ba là để có đủ vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu kinh tế, đi lại của trên dưới 10 triệu người, bằng ngân sách nhà nước thì không đủ, do đó TP.HCM phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó có phương thức phải đi vay để phát triển. Quốc hội cho mức vay bằng 90% ngân sách, miễn là không làm ảnh hưởng đến vay nợ quốc gia. Vay phải tự chịu trách nhiệm và vay phải trả.

Thứ tư, số lượng công chức ở TP.HCM không khác các địa phương khác, do đó Quốc hội cho phép TP.HCM nếu có năng suất cao hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm thì có thể có thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức để phục vụ tốt hơn. Ý nghĩa nó như thế và nếu TP phát triển tốt hơn thì thu cao hơn và đóng góp nhiều hơn. 

TP.HCM vượt chỉ tiêu góp ngân sách 1000 tỉ đồng mỗi ngày - Ảnh 8.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (đoạn đi qua quận Bình Thạnh hướng về trung tâm thành phố) - Ảnh: HỮU KHOA

* TP sẽ làm gì để thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và những năm tiếp theo?

-Chúng ta biết rằng 2018 là năm bản lề với TP và cả nước, là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ. Song song với rà soát 7 chương trình mà Đại hội X Đảng bộ TP đề ra, TP sẽ đánh giá tiến độ, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới, có bổ sung một số giải pháp mới.

Giải pháp mới đầu tiên là Nghị quyết 54 đã điều chỉnh cách vận hành của TP. Giải pháp hai là đô thị thông minh. Ba là song song với đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo

Chúng ta sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo của TP tích hợp 3 quận là 9, nổi bật là Khu Công nghệ cao, Q.2 là khu đô thị mới với trung tâm tài chính sẽ hình thành và Q.Thủ Đức với 12 trường đại học.

"Xuân này hơn hẳn những xuân qua!"

Đây là lời chúc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với đồng bào TP.HCM trước thềm xuân mới. Ông nói:

"Năm 2018 với đồng bào cả nước và đặc biệt thành phố là kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý chí tiến công, sự hi sinh dũng cảm, xả thân vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì hòa bình cho mọi người Việt Nam, của bộ đội cụ Hồ của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định, của các má các anh chị, các em vùng ven, cũng như nội đô vẫn sống mãi trong trái tim khối óc của người Việt Nam. Vì vậy, bước vào năm 2018 chính là năm với khí thế của Mậu Thân, với tình cảm trách nhiệm với những người đã hi sinh để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Trong sự vươn lên đó của đất nước, TP.HCM có đóng góp không nhỏ.

Để Việt Nam cất cánh cao hơn, nhanh hơn để TP tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước thì mỗi đảng viên, công chức, người lao động TP, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang của TP mang tên Bác cần đoàn kết hơn, kiên cường hơn, sáng tạo hơn, nghĩa tình hơn.

Với tinh thần đó, tôi xin kính chúc hơn 9 triệu đồng bào TP một năm mới Mậu Tuất nhiều sức khỏe, may mắn, sáng tạo, thành công và hạnh phúc, một mùa xuân mới hơn hẳn những xuân qua đang đến với mỗi gia đình, mỗi người Việt Nam chúng ta"

Cải tạo nhà ven kênh rạch: Dân có chỗ ở tốt hơn

* TP.HCM đang tìm nhà đầu tư để cải tạo các dự án cho người dân sống trên và ven kênh rạch. Hiện nay đang cần hơn 23.000 tỉ đồng, thì việc thu hút đầu tư để các nhà đầu tư tham gia, TP sẽ vận dụng cơ chế chính sách đặc thù gì để thu hút các nhà đầu tư?

- Nếu dùng tiền ngân sách thì rất lớn và không khả thi. Cho nên trong các dự án cải tạo nhà trên và ven kênh rạch, chỉnh trang đô thị TP chọn ra 6 dự án trong đó có dự án rạch Xuyên Tâm rất lớn.

Nguyên tắc là người dân ở trên kênh rạch đó sẽ được tái định cư, cơ bản là ở gần đấy chứ không đi xa, họ sẽ không kiếm đất ở chỗ khác để ở mà nhà đầu tư sẽ xây các chung cư cũng ngay bên bờ kênh đó và họ ở đấy.

Khi giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch rồi thì đất sẽ làm đường góp phần giản ách tắc giao thông. Tùy loại kênh rạch, đặc điểm sẽ thỏa thuận với nhà đầu tư phần đất mà họ được kinh doanh khai thác.

Tinh thần là theo phương châm nhà nước không phải trả đồng nào. Sắp tới sẽ làm một hai cái trước để rút kinh nghiệm.

MAI HOA - VIỄN SỰ ghi
 

tin tức liên quan