Được phát hiện sống hoang dã từ những năm 1963 và đưa về định cư tại bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), đến nay người Chứt – một dân tộc ít người người nhất và hết sức đặc biệt của Việt Nam đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền trong niềm vui, phấn khởi.
|
Đồng bào Chứt trang trí nhà cửa đón Tết cổ truyền |
Tết về, bản Chứt thêm thành viên mới
Trung tá Nguyễn Quốc Phú, phụ trách Biên phòng bản Rào Tre thuộc Đồn biên phòng 575 - Bản Rằng cho biết: “Bản Rào Tre giờ đây đã khác nhiều so với hồi sơ khai, đồng bào dân tộc Chứt từ chỗ chỉ có 18 hộ, đến nay đã có 41 hộ với 146 nhân khẩu.
Giáp Tết này, cán bộ chiến sỹ và người dân trong bản vui mừng đón chào thêm một thành viên mới, bây giờ phải tính là 147 khẩu rồi”.
Bằng tình thương và trách nhiệm đặc biệt là sự tận tình của những người lính mang quân hàm xanh, các chiến sỹ thuộc Trạm Biên phòng Rào Tre đã vượt mọi khó khăn, kiên trì vận động đồng bào học con chữ, hướng dẫn họ trồng cây lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bản Rào Tre đã thực sự đổi thay. Sự đổi thay không chỉ ở những nếp nhà, con đường mới mà còn ở chính nhận thức của đồng bào nơi đây.
|
Bộ đội Biên phòng Trào Tre và bà con dân tộc Chứt quây quần gói bánh chưng |
“Từ cuộc sống du canh du cư, giờ đây người Chứt ở Rào Tre đã sống định canh, định cư với nhà cửa kiên cố, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh đảm bảo; nhiều hộ còn sắm được TV, xe máy và bắt đầu nghĩ đến việc tạo ra của cải để tích lũy”, trung tá Nguyễn Quốc Phú nói.
Bây giờ, mỗi khi ốm đau, bệnh tật, thay vì nhờ thầy Mo cúng bái như trước, người Chứt đã biết tìm đến trạm quân y của bộ đội Biên phòng để được khám và chữa trị.
Ông Hồ Bắc, một người dân của bản Rào Tre bày tỏ: "Người Chứt chúng tôi biết ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm. Các anh đã cho chúng tôi cái tên, cái họ, cùng ăn ở và chỉ dạy chúng tôi làm ăn, con cháu được học chữ, ốm đau thì phải uống thuốc, được bộ đội khám cho…".
|
Những em nhỏ người Chứt rộn ràng trong tấm áo mới |
Bản Rào Tre hiện nay cũng có vài mẫu ruộng để cấy lúa 2 vụ. Cứ đến mùa vụ là bộ đội biên phòng lại gõ kẻng, thông báo bằng loa để đồng bào làm theo hướng dẫn. Vừa lên bờ nghỉ, hút điếu thuốc lá sau khi bừa xong đám đất gieo mạ, ông Hồ Kính phấn khởi: “Bây giờ bà con biết làm lúa nước rồi, không còn bị thiếu ăn, đói khổ như trước nữa. Nhà mình giờ cũng nuôi được cả đàn lợn, nhiều nhà nuôi lắm. Tết thịt lợn để ăn mừng đấy”.
Giờ đây, hầu hết đồng bào dân tộc Chứt đều đã biết đọc, biết viết; trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Tại bản hiện đã có một trường mầm non; 10 em đang theo học tại trường tiểu học xã Hương Liên và 14 em đang học tại trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Hương Khê.
|
Bộ đội cùng dân gieo mạ để ra Giêng cấy lúa |
Nhiều người dân trong bản Rào Tre đã được chính quyền địa phương cử đi học và được nhân dân tín nhiệm bầu vào một số vị trí trong các ban, ngành, đoàn thể của thôn, xã.
Chuẩn bị Tết no ấm cho đồng bào
Thượng tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bản Rằng cho biết: “Điều khó khăn nhất nhưng bộ đội đã làm được đó là đã thuyết phục để bà con người Chứt thay đổi tập tục kết hôn quanh quẩn trong tộc. Bộ đội Biên phòng và Đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt và thanh niên người Kinh, thanh niên dân tộc Rục (Quảng Bình) để người Chứt không kết hôn cận huyết. Đến nay, đã có 3 nữ thanh niên dân tộc Chứt kết hôn với nam thanh niên người Kinh tại địa bàn huyện Hương Khê”.
|
Trung tá Nguyễn Quốc Phú đi tuyên truyền để bà con dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ đón Xuân mới. |
Thượng tá Sâm, Trung tá Phú vui mừng cho biết: Ngoài Tết theo truyền thống là Tết Lấp lỗ (7/7), Tết Chăm cha Bới (hay còn gọi là tết mùa thu hoạch (12/11), bà con người Chứt cũng ăn Tết cổ truyền. Năm nay trồng được nhiều lúa nếp, nuôi được nhiều lợn gà hơn, bà con ăn Tết chắc chắn sẽ to hơn mọi năm. Bộ đội biên phòng đã chuẩn bị nhiều gạo, lá dong hơn, cùng bà con trong bản thịt lợn, cùng gói bánh chưng, cùng ăn Tết và đón chào mùa Xuân mới.
Rời bản Rào Tre, chúng tôi thấy một mùa Xuân nữa đang về. Bên bếp lửa hồng giữa đại ngàn Trường Sơn, với tiếng sáo Pi, tiếng đàn Trơ bon và những tiếng cười rộn rã, bản Rào Tre, dãy núi Ka Đay đã thực sự khoác lên mình chiếc áo mới.
41 lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trước cửa nhà 41 hộ dân trong bản đang chào đón mùa Xuân với nhiều niềm hy vọng mới./.
Lại Thìn- Phi Long/VOV.VN