Nhà sử học Bùi Thiết. (Ảnh: Lưu Thủy)
‘Phát ấn Đền Trần là thứ vớ vẩn, nên dẹp bỏ’
Nhà sử học Bùi Thiết cho biết: “Trước tiên phải khẳng định là việc khai ấn, phát ấn có từ thời Trần, đây là công việc dành riêng cho quan lại, gọi là “quan lễ” chứ không phải là “lễ hội” dành cho tất cả dân chúng trong thiên hạ.
"Tôi khẳng định đây là những thứ vớ vẩn, lẽ ra nên dẹp bỏ từ lâu rồi."
Nhà sử học Bùi Thiết
Cái lễ này ngày xưa thuộc về nhà nước. Tôi không hiểu vì sao bây giờ lại vẽ vời ra thành cái lễ hội khai ấn, phát ấn rầm rộ cho tất cả mọi người như vậy. Hiện nay, phát ấn đền Trần là thứ vớ vẩn, nên dẹp bỏ”.
Nhà sử học Bùi Thiết khẳng định, chuyện phát ấn sai từ lâu nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn để cho tồn tại.
Phát ấn được hiểu là đầu năm, triều đình khai ấn và phát ấn ra để cho công việc hành chính trong năm đó được hanh thông, nó chỉ mang tính tượng trưng chứ không có ý nghĩa lợi lộc gì với dân.
Đối tượng được nhận ấn ở đây là quan lại chứ không phải là để dành cho tất cả mọi người dân.
“Bây giờ thì khai ấn, phát ấn bị biến tướng thành một lễ hội vớ vẩn. Giả dụ bây giờ mỗi năm phát ra hàng triệu cái ấn cho người dân để làm gì, nó mang lợi ích gì không? Tôi khẳng định đây là những thứ vớ vẩn, lẽ ra nên dẹp bỏ từ lâu rồi”, nhà sử học Bùi Thiết nói.
Cảnh chen lấn, xô đẩy nhau để tranh cướp ấn trong lễ khai ấn Đền Trần ở Nam Định. (Ảnh: VNM)
'Còn phát ấn đền Trần là còn cổ xúy cho hành vi vô đạo đức'
Trả lời PV VTC News về lễ hội khai ấn đền Trần ở Nam Định, PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng, những năm gần đây, việc phát ấn ở đền Trần rõ ràng đang nghiêng về phương tiện thế tục, nghiêng về yếu tố thực dụng.
Theo PGS. TS Lê Quý Đức, việc tranh cướp ấn ở đền Trần chính là hành vi vô liêm sỉ. Những người vào được trong khu vực đó phải là đại biểu, những người có chức năng nhiệm vụ nhất định. Người làm quan chức đáng ra phải là những người có văn hóa nhất của xã hội, những người phải có ý thức nhất vì được giáo dục lại đi tranh cướp với nhau thì chắc chắn là không có liêm sỉ.
"Ai cũng hiểu, nhiều người cố gắng tranh cướp, mua bán, lấy được ấn đền Trần với hy vọng thăng quan tiến chức, nhận nhiều bổng lộc... Thế nhưng, nếu muốn được làm quan thì anh phải phấn đấu, phải rèn luyện về cả đạo đức và tài năng, về trình độ, phải được Đảng cử dân bầu. Làm quan mà tranh cướp, mua bán được thì không chỉ vô liêm sỉ mà đó còn là hành vi sai trái", ông Đức nêu quan điểm.
PGS.TS Lê Quý Đức khẳng định rằng, việc phát ấn không phải là của nhân dân cả nước từ trước tới nay, nơi tổ chức lễ hội đã lợi dụng việc phát ấn để thu lợi. Thậm chí, nó còn là quan hệ, là cầu nối để địa phương ấy tiến tới những chỗ này, chỗ khác.
"Lễ hội đang phản ánh đúng bản chất của xã hội chúng ta. Đó là một xã hội còn nhiều kẻ chạy chức chạy quyền, tham ô vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước và nhân dân.
Nếu vẫn còn những lễ hội để tranh cướp, mua bán ấn như ở đền Trần, tức là chúng ta vẫn đang cổ xúy cho những hành vi vô đạo đức. Bởi vậy, đã đến lúc cần loại bỏ nó đi", PGS Đức nói.
Phát ấn đề Trần là hình thức mê tín dị đoan hiện đại
GS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, việc khai ấn đầu năm mới chỉ đơn giản có ý nghĩa là sử dụng cái ấn đó cho mọi công việc. Đền Trần khai ấn có nghĩa là công việc tín ngưỡng của năm ngoái của đền đóng lại để ăn Tết. Sau Tết, những người có chức sắc trong ngôi đền khai ấn để bắt đầu công việc của một năm mới.
Đối với chiếc ấn ở đền Trần, ông khẳng định chắc chắn không phải là ấn tín của triều đình, của các vua Trần. Đây chỉ là chiếc ấn của nhà đền để thực hiện nghi lễ của mình. Nó cũng giống ấn đóng bùa treo khắp nhà cần trấn yểm sự cố hoặc các bùa cầu may mang theo người.
Ban đầu, ấn đền Trần chỉ là một biểu tượng cầu an cho cộng đồng địa phương, cho các gia đình trong khu vực. Nhưng để tuyên truyền, người ta đã nâng cấp ý nghĩa của ấn và việc khai ấn lên thành việc của triều đình nhà Trần, của lãnh đạo nhà nước đương đại.
Do đó, một thông điệp ngầm về việc ấn đó mang lại quyền lực, sự may mắn về chức quyền cho người có được ấn trở thành điều hiển nhiên. Điều đó lại phù hợp với tâm lý xã hội chạy đua lên các thang bậc khác nhau của chức quyền vốn gắn với bổng lộc.
''Phát ấn để lấy tiền là một hình thức mê tín dị đoan hiện đại. Bởi vậy, tôi ủng hộ ý kiến tạm dừng việc phát ấn đền Trần", ông Biền bày tỏ quan điểm.
Trước đó, trả lời trên báo chí, nhà sử học Dương Trung Quốc, ĐBQH Khóa 14 cũng cho rằng nên tạm dừng việc khai ấn và phát ấn tràn lan ở Đền Trần như hiện nay. Bởi việc phát ấn gây phản cảm về mặt văn hóa và phát ấn đền Trần thường đặt ra những câu hỏi về mặt khoa học lịch sử rằng đây có phải thực sự là một truyền thống hay không.
“Đằng sau việc phát ấn, mọi người hoàn toàn có cơ sở đặt câu hỏi, phải chăng ở đây không phải câu chuyện vì văn hóa mà là vì lợi ích, lợi nhuận? Bởi đằng sau đó có tất cả chuyện tranh giành, mua bán...
Vấn đề xã hội đặt ra là hoàn toàn đúng và đòi hỏi ta phải đi tìm nguồn gốc giữa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa như thế nào, nhất là những giá trị văn hóa phi vật thể”, ông Quốc nói.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, hiện nay chúng ta xây dựng Nhà nước, bộ máy công quyền liêm chính nên cần phải dập tắt ngay từ trong gốc ý nghĩ muốn thăng tiến thì chỉ có con đường đi cầu cúng, mua quan bán chức.
Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại khu di tích đền Trần (phường Lộc Vương, TP Nam Định, tỉnh Nam Định).
Lễ khai ấn bắt nguồn từ năm 1239 của triều đại nhà Trần khi thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Ấn khắc dòng chữ “Trần triều chi bảo”.
Sau nhiều thế kỉ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng cho khắc lại ấn. Ấn mới khắc dòng chữ là “Trần triều điển cố” với hàm ý để nhắc lại tích cũ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay lễ phát ấn Đền Trần đã không còn mang ý nghĩa như ban đầu mà bị làm cho biến tướng, ngày càng thương mại hóa, trở thành miếng đất màu mỡ, mang yếu tố kinh doanh, lợi nhuận của thương trường hỗn tạp.