Toàn cảnh trận hải chiến đảo Gạc Ma năm 1988 khiến 64 chiến sĩ hy sinh
Toàn cảnh trận hải chiến đảo Gạc Ma năm 1988 khiến 64 chiến sĩ hy sinh
Nguồn:Báo Điện tử VTC
Ngày 14/3 cách đây 30 năm, Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa và binh lính tấn công, xâm chiếm cụm đá Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (quần đảo Trường Sa), bắn chìm 2 tàu vận tải HQ. 604, HQ. 605, thảm sát 64 chiến sĩ, chiếm trái phép bãi đá Gạc Ma của Việt Nam.
Theo tư liệu lịch sử, hai tháng đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 bãi đá gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi, quân Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, gồm: tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu pháo, 2 tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và một pông-tông lớn.
Trước sự bành trướng ngang ngược của quân Trung Quốc, Quân chủng Hải quân Việt Nam xác định, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường tiếp tế của ta cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa.
Vì vậy, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân Việt Nam hạ quyết tâm đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
|
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma khiến 64 chiến sĩ hy sinh.
Quân chủng Hải quân Việt Nam điều 3 tàu vận tải mang khí tài, vật liệu xây dựng đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Ngày 12/3/1988, tàu HQ. 605 (thuộc Lữ đoàn 125), do ông Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ vượt sóng to, gió lớn, Tàu HQ. 605 đến Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo (lúc 5h ngày 14/3/1988), khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của ta.
Tiếp đó, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ. 604 do ông Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ. 505 do ông Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin.
Phối hợp với hai tàu HQ. 604 và HQ. 505 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do ông Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu).
Trả lời PV VTC News, cựu binh Nguyễn Văn Thống (quê Quảng Bình - người trực tiếp tham gia chiến đấu trên tàu HQ. 604 tại Gạc Ma ngày 14/3/1988) cho biết, 6h ngày 14/3/1988, những người lính trên tàu HQ. 604 cùng nhau thức dậy, mọi chuyện vẫn chưa có gì. Khoảng một tiếng sau, các chiến sĩ thấy tàu Trung Quốc xuất hiện.
"Sau đó, quân Trung Quốc lái ca nô đến và nói đây là đảo của họ và bắt quân mình rời đi. Tuy nhiên, chúng tôi đáp lại họ rằng, đây là đảo của Việt Nam. Lúc sau, thấy quân Trung Quốc cắt dây neo tàu, chúng tôi lại ra nối lại”, cựu binh Thống kể.
Cựu binh Nguyễn Văn Thống kể lại cuộc chiến tại Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Cùng lúc này, Thiếu uý Trần Văn Phương (quê Quảng Bình) dẫn đầu một đoàn tiến vào đảo Gạc Ma cắm cờ để khẳng định chủ quyền Việt Nam. Khi quân Trung Quốc xông vào cướp cờ, Thiếu uý Trần Văn Phương cùng các chiến sĩ thuộc quyền lao vào giằng lại.
Các chiến sĩ công binh cũng lao vào hỗ trợ, với cuốc, xẻng, gạch đá giao chiến để tránh gây cớ bùng nổ xung đột vũ trang.
Trong lúc giành giật, lính Trung Quốc đã nổ súng, bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương và 2 chiến sĩ Nguyễn Mậu Phong, Đậu Xuân Tư.
“Lúc đó, tôi thấy người anh Phương đầy các vết đạn và máu nhưng khi gục xuống anh vẫn giữ vững lá cờ Tổ quốc trên tay”, cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống sụt sùi kể.
Không ép được bộ đội ta rút khỏi đảo, 7h30 ngày 14/3, hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu HQ. 604 của ta, rồi bất ngờ cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu đánh trả quyết liệt.
Trận đánh diễn ra mỗi lúc thêm ác liệt. Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông cùng một số cán bộ, chiến sĩ tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ. 604 ở khu vực đảo Gạc Ma.
Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp từ đó đến nay.
Tàu HQ. 604 của Quân chủng Hải quân Việt Nam bị Trung Quốc bắn chìm tại Gạc Ma. (Ảnh tư liệu)
Tại đảo Cô Lin, 6h ngày 14/3/1988, tàu HQ. 505 đã cắm hai lá cờ lên đảo. Khi tàu HQ. 604 của ta bị chìm, Thuyền trưởng tàu HQ. 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi.
Phát hiện thấy ta cơ động lên bãi, hai tàu của Trung Quốc quay sang tấn công tàu HQ. 505. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ. 505 chạy hết tốc độ, trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy.
8h15 ngày 14/3, bộ đội trên tàu HQ. 505 vừa dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ. 604 vừa bị Trung Quốc đánh chìm.
Cán bộ, chiến sĩ của Tàu HQ. 505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo Cô Lin. Cho đến nay, là cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vẫn phấp phới tung bay trên đảo Cô Lin.
Ở hướng đảo Len Đao, 8h20 ngày 14/3, tàu của Trung Quốc bắn chìm tàu HQ. 605 của ta. Cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ. 605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn (đến 6h ngày 15/3 mới đến đảo).
Tại Len Đao, sau trận chiến Gạc Ma, chúng ta đấu tranh kiên quyết, khiến Trung Quốc lui quân, ta bảo vệ thành công Len Đao đến hôm nay.