Nghĩ về những câu nói của ông Lê Quang Thưởng

Ngày đăng: 07:49 15/05/2018 Lượt xem: 411



                              Nghĩ về những câu nói của ông Lê Quang Thưởng

 

                                                                    Nguồn:Báo Điện tử Dân trí


Trong khi nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng chỉ là cá biệt ở một số cán bộ, công chức thì có một người lại cho rằng “cán bộ giàu lên bằng tham nhũng là… phổ biến”!

 

 

 

Đó là ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Trả lời phỏng vấn báo Dân trí, ông Thưởng nói nguyên văn: “Bây giờ làm cán bộ, giàu lên bằng tham nhũng là phổ biến, không phải ít đâu. Thử nhìn xem, Chủ tịch tỉnh hay Bộ trưởng có ai nghèo không? Tôi khẳng định là chẳng ai nghèo cả…

Nói “nếu nghèo, không ai muốn làm Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh” là ngụy biện. Phải làm vì tình yêu nước, vì trách nhiệm với dân chứ nếu vì làm giàu mà phấn đấu thế thì hỏng rồi.

Theo tôi, không ai nghĩ ngay chuyện làm Chủ tịch tỉnh để mà làm giàu đâu nhưng quá trình làm việc nó tạo cơ hội cho người ta. Cứ đem quà cáp, phong bì đến nhà người ta ào ào ấy, nếu họ không nhận thì vợ họ nhận, vậy thôi”.

Đọc những dòng trên, thành thật là hơi… choáng.

Thế nhưng, nhìn từ thực tế thì thấy rằng vị nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói không phải không có lý.

Ví như câu “cán bộ giàu lên bằng tham nhũng là phổ biến” thì có vẻ “võ” đoán bởi… bằng chứng đâu? Song thực tế, không ít cán bộ trước khi ngồi vào ghế nọ, ghế kia, gia cảnh rất “tùng tiệm”.

Vậy mà lạ thay, chỉ sau một thời gian ngắn, gia sản bỗng “sinh đẻ vỡ kế hoạch”, nảy nở gấp nhiều lần, giàu nhanh như… trúng xổ số! Trong khi gia đình vợ con vẫn thế, chẳng làm thêm nghề gì khác.

Rồi ông Thưởng đặt câu hỏi và trả lời: “Chủ tịch tỉnh hay Bộ trưởng có ai nghèo không? Tôi khẳng định là chẳng ai nghèo cả” thì quả thật, không cần đến những cái chức to như thế.

Hãy nhìn từ địa phương, chỉ cần ông bí thư hay chủ tịch cấp phường, xã cũng chẳng có ai nghèo cả. Vậy thì ai là lớp người nghèo? Tất nhiên là dân rồi.

Có cái ý này của ông Thưởng thì tôi không mấy đồng ý. Đó là “không ai nghĩ ngay chuyện làm Chủ tịch tỉnh để mà làm giàu đâu nhưng quá trình làm việc nó tạo cơ hội cho người ta. Cứ đem quà cáp, phong bì đến nhà người ta ào ào ấy, nếu họ không nhận thì vợ họ nhận, vậy thôi”.

Thật ra, tôi chỉ đồng ý… một nửa là có thể “không ai nghĩ ngay chuyện làm Chủ tịch tỉnh để mà làm giàu” nhưng trước khi làm chủ tịch, ví như làm phó chủ tịch chẳng hạn thì… có khi có nghĩ.

Rồi “cứ đem quà cáp, phong bì đến nhà người ta ào ào ấy, nếu họ không nhận thì vợ họ nhận, vậy thôi” thì chưa hẳn.

Lý do là thấy nó hơi… đổ lỗi cho dân bởi việc phải đem quà cáp, phong bì là việc cực chẳng đã chứ chả ai muốn thế cả. Đồng tiền vốn “liền khúc ruột”, xót lắm lắm.

Rồi chuyện “vợ họ nhận” thì chỉ là bao biện bởi họ mà kiên quyết không “gật” thì chả có vợ con nào dám “ừ” cả.

Có một băn khoăn của ông Thưởng, đó là câu phản bác “Nói “nếu nghèo, không ai muốn làm Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh” là ngụy biện”, theo người viết bài này, chả ông Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh nào chịu nghèo và cũng chả người dân nào mong muốn các vị lãnh đạo của mình phải nghèo cả.

Bởi ai cũng hiểu quan mà nghèo, dân giàu sao được? Cho nên người dân luôn mong muốn lãnh đạo giàu có (tất nhiên là bằng những đồng tiền sạch), sang trọng và giúp người dân cùng giàu.

Quan chỉ xấu xa, đáng khinh bỉ và nguyền rủa một khi sống xa hoa trên đồng tiền mồ hôi, nước mắt của dân thôi, phải không các bạn?

tin tức liên quan