Biển Đông: Cảnh giác với chiến lược “Tam chiến” của Trung Quốc
Nguồn:Báo Điện tử
Cụm từ “Tam chiến” được Trung Quốc dùng để gây sức ép tâm lý nhằm tạo ra mối đe dọa để răn đe kẻ thù.
Thứ năm, trong khi tỏ ra rất xã giao với các nước tranh chấp khác, Trung Quốc lại không hề có dấu hiệu thỏa hiệp nào.
Họ đã bác bỏ Phán quyết của Tòa trọng tài hồi tháng 7/2016, trong đó phủ nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết diện tích Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hông Lỗi quả quyết: “Thật ảo tưởng khi hy vọng buộc Trung Quốc chấp nhận phán quyết trên một cách công khai hay ngoại giao. Tòa Trọng tài trên được đơn phương đề xướng bởi chính quyền Tổng thống Philippines Aquino và bóp méo Công ước Luật Biển của LHQ, thách thức độ tin cậy của luật pháp quốc tế và hủy hoại bản chất của các quy định luật pháp”.
Trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Quân giải phóng nhân dân (1/8/2017), Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc không thỏa hiệp dù chỉ một mảnh nhỏ lãnh thổ của mình. Việc quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông tiếp tục diễn ra mà không hề thuyên giảm. Trung Quốc đã xây dựng trái phép 7 đảo như vậy, trong đó 3 đảo có đường băng dài 3.000m.
Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, đã phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không nổi trên 3 thực thể – đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập. Toàn bộ 7 đảo nhân tạo hiện đều có hệ thống phòng không.
Trung Quốc hiện đã thành lập một hệ thống giám sát dưới biển. Dự án trị giá 400 triệu USD này đã gây lo ngại rằng nó có thể được sử dụng để dò tìm và phát hiện hoạt động của các tàu nước ngoài và cung cấp thông tin cho Trung Quốc. Hệ thống phòng thủ phóng tên lửa chống người nhái Norinco CS/AR-1 55mm, với khả năng phát hiện, xác định và tấn công người lặn chiến đấu của kẻ thù, đã được lắp đặt tại đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa. Đặt tất cả trong bối cảnh các hoạt động bành trướng của Trung Quốc trong thập kỷ qua, rõ ràng đây là một bước nữa củng cố sự hiện diện của họ trong khu vực nhằm đòi toàn bộ khu vực bên trong đường 9 đoạn.
Thứ sáu, Trung Quốc hiện đang tập trung vào Chiến lược “Tam chiến”. Trong chiến lược này, việc sử dụng truyền thông, khai thác mạng xã hội và chiến tranh pháp lý đóng vai trò quan trọng.
Cụm từ “Tam chiến” được Trung Quốc dùng để gây sức ép tâm lý nhằm tạo ra mối đe dọa để răn đe kẻ thù. Chiến tranh truyền thông nhằm tuyên truyền rằng họ là một quốc gia bị tổn thương cần tạo dư luận quốc tế có lợi cho mình và “trưng” các điểm yếu của các nước tranh chấp khác cũng là nhằm thuyết phục công chúng trong nước về tính chính đáng của yêu sách nước mình.
Trong chiến lược chiến tranh pháp lý, họ công bố các lập luận “pháp lý” dựa trên cách nhìn của riêng mình nhằm biện minh cho các yêu sách của mình đối với tài nguyên và lãnh thổ trong vùng Biển Đông và biển Hoa Đông. Chiến lược “Tam chiến” dựa trên những thông tin sai lệch và xuyên tạc.
Tóm lại, có thể nói rằng trên cơ sở chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông, bản đồ mới được công bố hoàn toàn là giả tạo nhằm đưa ra lập luận mới cho các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc thấy rằng đường 9 đoạn không tạo kết quả như mong muốn. Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc đã thay đổi số đoạn nhằm phục vụ các lập luận của mình. Ban đầu đó là đường 11 đoạn và đã được giảm xuống 9 đoạn, những năm gần đây mở rộng ra 10 đoạn bao gồm cả Đài Loan.
Chuyên gia an ninh Carlyle Thayer nhận định: “Nếu Trung Quốc chính thức thông qua tấm bản đồ mới, tức là họ sẽ đòi các vùng biển và tài nguyên mà các nước duyên hải đang có quyền tài phán. Điều này sẽ làm nghiêm trọng thêm tình hình hiện nay vì Tòa Trọng tài đã phân giải vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc”.
Đến nay, Trung Quốc chưa chính thức thông qua bản đồ trên. Nhưng nếu họ làm vậy, sẽ làm leo thang căng thẳng đến mức cực độ tại Biển Đông và có thể dẫn tới xung đột. Trung Quốc nên hiểu rằng theo luật pháp quốc tế, một tấm bản đồ không thể được dùng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, trừ phi nó được gắn vào một thỏa thuận được thừa nhận. Trung Quốc phải cân nhắc cẩn thận các hậu quả của cách tiếp cận chủ ý của mình khi muốn củng cố các yêu sách lãnh thổ thái quá và tạo ra quyền bá chủ của mình tại Biển Đông. Điều này sẽ khiến các nước tranh chấp khác và các cường quốc quan tâm đến hòa bình trong khu vực trở nên xác quyết hơn trong cách tiếp cận của mình và bất cứ cơ hội nào nhằm giảm căng thẳng sẽ bị bỏ lỡ.
Ý định của Trung Quốc bác bỏ quyền chính đáng của các nước khác trong khu vực đối với vùng biển này và tiếp cận tài nguyên theo luật pháp quốc tế có thể rốt cục khiến Trung Quốc phải trả giá đắt về kinh tế.