Người dân không nên hoang mang về các nhà máy điện hạt nhân

Ngày đăng: 08:03 05/06/2018 Lượt xem: 426



  Người dân không nên hoang mang về các nhà máy điện hạt nhân

 
                                
                                                                         
  Nguồn:Báo Điện tử VnMedia 


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã được Bộ nắm rất rõ. Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các trạm quan sát hoạt động thường xuyên để kiểm soát an toàn tại khu vực này.




Chiều ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ chịu trách nhiệm trả lời các nội dung: tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Đoàn Thái Nguyên) đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL; công nghệ, mô hình xử lý tình trạng rác thải cho các địa phương?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm các lưu vực sông là một tình trạng cần khắc phục. Về phía Bộ, đã cố gắng kiểm soát chặt các nguồn thải. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa thu gom được nước thải, nước thải lẫn với nước mưa, khoảng 95% nước thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, nhất là nước thải ở các làng nghề, các cụm công nghiệp...

Về giải pháp và trách nhiệm, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà trước hết các địa phương phải chịu trách nhiệm và có cơ chế xử lý nguồn thải tại địa phương mình; đồng thời phải có sự đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội; từng bước để người dân tham gia vào lĩnh vực này...

Đối với vấn đề phòng chống xói lở bờ sông, nhất là khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện đã có đầy đủ cơ sở khoa học đánh giá nguyên nhân (do phù sa bị giữ ở các nước thượng nguồn; khai thác cát sỏi trái phép; quy hoạch, đầu tư các công trình thủy lợi,...), từ những nguyên nhân trên, cần có giải pháp quản lý chặt việc quản lý khai thác cát, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, quận huyện, phường xã; đồng thời có quy hoạch tổng thể giữa các công trình thủy lợi tác động đến dòng chảy; tiến hành quy hoạch lại các khu dân cư để tránh những ảnh hưởng tiêu cực bởi quy luật dòng chảy (bên lở, bên bồi); xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu...

Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long): Cụm công nghiệp chưa có hệ thống đồng bộ, chưa có hạ tầng công nghệ xử lý tập trung. Bên cạnh đó là nguy cơ ô nhiễm từ bên ngoài biên giới. Hiện Trung Quốc có nhà máy điện hạt nhân ở gần VN, có nguy cơ xảy ra ô nhiễm phóng xạ. Vậy giải pháp phòng ngừa và ứng phó thế nào?

Cách đây 2 ngày tôi đã trực tiếp kiểm tra các cụm khu công nghiệp và thấy đầu tư thiếu nguồn vốn nên không có kết nối hạ tầng, không theo quy hoạch và tính toán. Trong khi đó trong khu vực cụm công nghiệp lại có dân cư ở, dẫn đến mang ô nhiễm từ dân cư ra cả khu công nghiệp. Ô nhiễm còn xuất phát từ các làng nghề.

Vừa qua Thủ tướng đã có giải pháp về quản lý các cụm khu công nghiệp. Thủ tướng giao Bộ xem xét trách nhiệm của các bên, các cấp. Cần phải thanh tra kiểm tra, tăng cường rà soát ở các cụm công nghiệp. Không phân biệt tính chất ô nhiễm ở khu dân cư còn quan trọng hơn. Về giải pháp, sẽ ban hành quy chuẩn, hướng dẫn về cách xử lý.

Đại biểu Phạm Tất Thắng đề cập tới việc Trung Quốc xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân khá gần biên giới Việt Nam, từ 50 km đến 200 km. Theo đó, giả sử các nhà máy này có vấn đề trong hoạt động thì nguy cơ ô nhiễm phóng xạ với Việt Nam rất lớn. Bộ Tài nguyên có giải pháp gì ứng phó với nguy cơ đó?

Vấn đề liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã được Bộ nắm rất rõ. Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các trạm quan sát hoạt động thường xuyên; làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để có các đoàn thanh tra kiểm soát an toàn tại khu vực này.

Năm 2016, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km. Ngay thời điểm các nhà máy trên đi vào hoạt động, một số chuyên gia cho rằng người dân không nên hoang mang vì với các nhà máy điện hạt nhân, tiêu chuẩn an toàn luôn đặt lên hàng đầu, tuy nhiên cũng cần chuẩn bị kỹ các phương án phòng ngừa sự cố.

Cuối tháng 5/2018, thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội”. Theo đó, thành phố dự báo một trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm hoạ là rò rỉ phóng xạ nếu có sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc. Thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ, sự cố hạt nhân; tham mưu cho thành phố các nhiệm vụ liên quan đến các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ về phòng, chống và giảm nhẹ thảm họa.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định): Đất và nước là hai lĩnh vực quan trọng đối với quốc gia và người dân hiện nay ở nước ta hiện nay 2 lĩnh vực này đang bị ô nhiễm trầm trọng, phần lớn do rác thải và phế liệu. Tuy nhiên, việc xử lý rác đã trở nên bất cập và vượt quá khả năng xử lý của các địa phương và gây lãng phí. Vậy đến nay, việc thống nhất giữa bộ Khoa học và công nghệ với Bộ Tài nguyên môi trường trong việc xử lý rác thải ra sao ?

Cho đến hiện nay tình hình ô nhiễm đất và nước chúng ta chưa kiểm soát được để có thể làm giảm thiểu tình trạng nhiễm. Vấn đề rác thải là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay, trên cương vị Bộ trưởng, tôi chịu hoàn toàn trách nghiệm, nhưng vấn đề này có liên quan đến nhiều Bộ ngành, khi Bộ Xây dựng thì chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết về vấn đề công nghệ. 

Do đó, các Bộ thống nhất đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quản lý tổng hợp về xử lý chất thải trên quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu đặc biệt là chú trọng đến công nghệ xử lý rác có tính toán phù hợp của các điều kiện kinh tế của các đô thị.

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030, Việt Nam phải có các nhà máy phát điện bằng cách sử dụng các công nghệ xử lý rác. Các công nghệ này hiện nay đang được kiểm chứng và đánh giá cho đầy đủ, tuy nhiên việc lựa chọn các mô hình của thế giới sẽ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, sau khi được thẩm định qua Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước biết và thực hiện.

tin tức liên quan