Trưởng Ban Nội chính Trung ương: "Kỷ luật của Đảng phải nghiêm hơn pháp luật"

Ngày đăng: 07:48 26/06/2018 Lượt xem: 424


Trưởng Ban Nội chính Trung ương: "Kỷ luật của Đảng phải nghiêm hơn pháp luật"

 

                                                                    Nguồn:Báo Điện tử VnMedia


Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Đình Trạc, phải đặt kỷ luật của Đảng nghiêm hơn pháp luật; kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật...




Ngày 25/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng (PCTN) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng. Hội nghị nhằm đánh giá lại kết quả công tác PCTN từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII của Đảng đến nay.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác PCTN đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên; tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với những kết quả nổi bật.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư về tăng cường kiểm tra, kỷ luật trong Đảng, “trị bệnh cứu người”, “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong kiểm tra, giám sát; lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh vi phạm, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, quyết định hoặc đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời nhiều tổ chức đảng, đảng viên sai phạm.

Các cơ quan nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật của đảng đối với cán bộ, công chức sai phạm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật theo pháp luật của Nhà nước. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; Thanh tra Chính phủ đã thanh tra toàn diện một số dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, các dự án BT, BOT, dự án sử dụng vốn ODA.

Bên cạnh đó đã quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích cực thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.

Chậm ngăn chặn tình trạng “chạy” trong công tác cán bộ

Theo ông Trạc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cơ quan tham mưu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và thực hiện quyết liệt, đổi mới công tác cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, chặt chẽ; giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trước đây trong công tác cán bộ; kiên quyết xóa bỏ tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy khen thưởng và các loại chạy khác trong công tác cán bộ đã trở thành quyết tâm chính trị của Đảng, với nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi.

Tuy nhiên Trưởng Ban Nội chính trung ương cũng nhìn nhận, các loại “chạy” trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Ở một số bộ, ngành, địa phương việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm vi phạm quy định pháp luật về PCTN. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc, hiệu quả thấp.

“Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả, “một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm”. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; công tác giám định, định giá tài sản phục vụ PCTN tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập”-ông Trạc nói.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, “những tồn tại, hạn chế, yếu kém có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Đình Trạc
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Đình Trạc

Truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng

Trong 7 nhiệm vụ trọng tâm được Ban chỉ đạo yêu cầu cần đẩy mạnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Trạc nhấn mạnh việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN, để quyền lực không bị "tha hóa".

“Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn thực sự có hiệu lực, hiệu quả để ngăn ngừa tham nhũng theo nguyên tắc: mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm” - ông Trạc nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo Trưởng Ban Nội chính trung ương, phải đặt kỷ luật của Đảng nghiêm hơn pháp luật; kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử phạt người trước răn đe người sau, xử phạt số nhỏ để giáo dục số đông, truy tố một vụ cảnh tỉnh cả vùng. Phải quán triệt và thực hiện phương châm: phòng ngừa, giải quyết sớm, "chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng" trong kỷ luật của Đảng....

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát quyền lực chặt chẽ. Nghiên cứu bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, kể cả người nghỉ hưu. Thực hiện đổi mới tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là người đứng đầu, đảm bảo công khai minh bạch. Tăng cường thanh tra kiểm tra chế độ công vụ, loại khỏi bộ máy những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa, kiên quyết không có vùng cấm trong xử lý vụ án tham nhũng”.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thì cho rằng, trong công tác thu hồi tài sản cần chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm toán để sớm tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự nhằm kịp thời có biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản sản, bảo đảm việc thu hồi, không để các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản. Ông Vương đề nghị Ban Chỉ đạo chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước tăng cường kiểm toán chuyên đề, đột xuất đối với những dự án có liên quan đến đất đai, đầu tư công, mua sắm công có giá trị lớn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án thua lỗ lớn… Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Bộ Công an để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu chứng cứ, tầu tán tài sản.

Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, nhiều vụ tham nhũng lớn do báo chí phát hiện đã được điều tra xét xử nghiêm minh. Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong PCTN, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tạo điều kiện cho báo chí tham gia bằng việc cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí.

tin tức liên quan