Đại tá Vũ Quang Kha xứng đáng được vinh danh… nhưng ai sẽ giúp ông việc này? (Kỳ II)

Ngày đăng: 07:32 27/06/2018 Lượt xem: 1.457


Đại tá Vũ Quang Kha xứng đáng được vinh danh… nhưng ai sẽ giúp ông việc này? (Kỳ II)


                  
                                     
Tác giả:   FB  Nhà văn Đặng Vương Hưng


.Nhiều bạn đọc đề nghị tôi nêu rõ họ tên vị lãnh đạo nào, hoặc ông thủ trưởng nào đã nhẫn tâm buộc Đại tá Vũ Quang Kha phải về hưu, khi còn đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa, khiến cho ông khốn khổ 20 năm không có lương hưu? Xin thưa: Điều đó giờ đây cũng không còn quan trọng nữa. ..… Dù không bị “khởi tố” và cũng không có “Tòa án” nào “xét xử”, nhưng lương tâm ông ấy chắc chắn đã bị cắn dứt và dằn vặt lắm. Ông ấy đã qua đời, sau khi Đại tá Vũ Quang Kha được khôi phục danh dự và đền bù chính sách được vài tháng! (Đặng Vương Hưng)

.


Trước hết, tác giả bài viết xin được vô cùng biết ơn tình cảm của bà con làng fb đã dành cho STT “Một Đại tá 20 năm không có lương hưu”!


Chỉ sau một ngày xuất hiện trên facebook, bài viết nêu trên đã nhận được hơn 2.000 lượt “thích”, gần 900 bình luận và hơn 1000 chia sẻ… Đó là một hạnh phúc, là phần thưởng cao nhất với người viết: Được bạn đọc vinh danh!

Và điều đó, cũng chứng tỏ câu chuyện cuộc đời thăng trầm và nhân văn của Đại tá Vũ Quang Kha đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận gần xa. Cho phép tôi thay mặt ông và gia đình, một lần nữa xin được trân trọng cảm ơn bà con làng fb đã đọc và hồi âm với những ý kiến đa chiều bài báo nêu trên…

Nhân đây, xin phép được nói thêm mấy lời tâm sự như sau:

1- Nhiều ý kiến cho rằng câu chuyện tôi đã viết là không có thật và không thể tin nổi. Xin thưa: 8 năm trước, khi được giao nhiệm vụ viết bài báo này, chính tôi cũng không tin và không dám tin. Nhưng khi tiếp xúc với những người thật, việc thật, chứng cứ tư liệu còn rất nhiều và thuyết phục, thì tôi không thể không tin. Thật ra, trong cuộc đời mỗi con người ai cũng có thể sai lầm và thậm chí dẫn đến vận hạn khôn lường… Điều quan trọng là, câu chuyện buồn của Đại tá Vũ Quang Kha đã kết thúc có hậu gần 10 năm rồi. Nhiều lúc tôi vẫn nghĩ đó là một giấc mơ, nó không có thật, hoặc chỉ là một thử thách trong cuộc sống con người. Bởi thế, kính mời bạn đọc ở Hà Nội, hoặc những bạn đọc ở tỉnh thành khác, nếu có điều kiện, hãy bớt chút thời gian đến thăm nhà Đại tá Vũ Quang Kha tại số 3, phố Vạn Kiếp (đối diện với đường Trần Hưng Đạo – Cổng Bệnh viện 108) trực tiếp tìm hiểu sẽ rõ hơn và sẽ tin vào sự thật. Hoặc đơn giản hơn, có thể gọi điện cho số máy của bà Trần Thị Nhân (vợ ông Kha): 0916 751 733 (tôi đã xin phép được công khai) để động viên ông bà.

2- Nhiều bạn đọc đề nghị tôi nêu rõ họ tên vị lãnh đạo nào, hoặc ông thủ trưởng nào đã nhẫn tâm buộc Đại tá Vũ Quang Kha phải về hưu, khi còn đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa, khiến cho ông khốn khổ 20 năm không có lương hưu? Xin thưa: Điều đó giờ đây cũng không còn quan trọng nữa. Chúng tôi đã thống nhất với Đại tá Vũ Quang Kha là không nêu cụ thể tên ông ấy lên báo. Bởi từ gần 10 năm trước, khi Báo người cao tuổi kiến nghị, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng vào cuộc, các cơ quan chức năng và cán bộ chuyên môn đi làm việc, xác minh qua nhiều người… thì vị lãnh đạo ấy đã biết. Dù không bị “khởi tố” và cũng không có “Tòa án” nào “xét xử”, nhưng lương tâm ông ấy chắc chắn đã bị cắn dứt và dằn vặt lắm. Ông ấy đã qua đời, sau khi Đại tá Vũ Quang Kha được khôi phục danh dự và đền bù chính sách được vài tháng! Thôi thì người đã chết rồi là hết. Chúng ta cũng không cần truy đến cùng, không cần nhắc lại nữa. Hãy để linh hồn người đã chết được siêu thoát. A di đà Phật!

3- Như tôi đã viết trong bài phần trước: Đại tá Vũ Quang Kha có rất nhiều công lao trong 2 cuộc kháng chiến. Đặc biệt, ông có 4 năm làm nhiệm vụ “tuyệt mật” trực tiếp làm việc cùng Tổ Y tế đặc biệt và phiên dịch cho các chuyên gia Liên Xô trong nhiệm vụ giữ gìn thi hài của Bác tại Viện Quân y 108 và tại khu K9 – Đá Chông, Ba Vì (Sơn Tây). Ngày đó, Vũ Quang Kha được giao trọng trách là Trưởng Ban Ngoại vụ. Ban công tác này có khoảng 30 cán bộ, nhân viên được tuyển chọn kĩ càng, chuyên phục vụ cho các chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì yêu cầu nhiệm vụ, chính ông Kha đã nhiều lần trực tiếp dùng tay không nâng thi hài của Bác trong dung dịch formon (không có công cụ bảo vệ hộ trợ). Ông Kha đã 9 lần bị ngộ độc formon, có một lần bị nặng phải cấp cứu. Thậm chí tháng 10/1973, Vũ Quang Kha đã chết lâm sàng 24 tiếng đồng hồ. Đơn vị và gia đình đã bàn chuyện lo “hậu sự” thì nhờ một cô gái (bây giờ là vợ ông) thương quá, ngồi khóc bên “thi hài” làm ông sống lại. Hậu quả của việc ngộ độc hóa chất đó, còn ảnh hưởng đến tận bây giờ, khiến ông Kha vẫn nhiều lần phải vào viện định kì để xử lí tiêu độc. Theo ý kiến của cá nhân tôi: Chỉ riêng thành tích đặc biệt trong giai đoạn này, Đại tá Vũ Quang Kha đã xứng đáng được đề nghị vinh danh! Ví du: Đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, hoặc Anh hùng Lao động! Nhưng ai và đơn vị nào sẽ giúp ông làm việc này?

4- Một số đồng nghiệp báo chí, trong đó có nhà báo Nguyễn Huy Cường, muốn tiếp tục làm rõ vụ việc này… Xin thưa: Người tạo nghiệp chướng thì đã chết rồi. Chúng ta cần quan tâm chăm sóc tới người đang sống thì tốt hơn. Ngoài việc chúng ta hãy giúp Đại tá Vũ Quang Kha được vinh danh xứng đáng với công lao của ông đã cống hiến cho Tổ quốc, thì có một vấn đề quan trọng, cấp thiết hơn, cần báo chí và dư luận vào cuộc, đó là mảnh đất mà gia đình Đại tá Vũ Quang Kha ở địa chỉ số 3 phố Vạn Kiếp gần 40m2 ông bà mua từ thời bao cấp, chỉ bằng giấy viết tay, không có sổ đỏ. Tuy nhỏ, chật chội, nhưng là nơi duy nhất gia đình để ở. Đáng lo ngại là mảnh đất này lại đang nằm trong diện “quy hoạch treo” của thành phố, chuẩn bị cho dự án làm cầu mới qua sông Hồng. Nếu đền bù thì vì chưa có sổ đỏ, nên số tiền cũng chưa đủ mua chỗ định cư mới. Nghĩa là ông bà có thể mất nhà bất cứ lúc nào và chưa biết sẽ ở đâu?

Tóm lại, cuộc đời Đại tá Vũ Quang Kha đã bị “quên lãng” suốt 20 năm trời (1989 – 2009), đã được phục hồi chế độ chính sách và danh dự của một sĩ quan cao cấp, sau khi có sự can thiệp và trợ giúp của báo chí… Nhưng câu chuyện của ông vẫn sáng ngời phẩm chất của Anh Bộ Đội Cụ Hồ đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là bài học vô cùng quý giá cho thế hệ sau.

Năm nay, Đại tá Vũ Quang Kha đã sắp bước sang tuổi 90… Chúng tôi rất mong bà con, bạn đọc gần xa, có điều kiện và khả năng gì, hãy giúp vợ chồng người lính già trong khả năng có thể, để bù đắp phần nào những công lao mà ông đã cống hiến cho quê hương đất nước thời tuổi trẻ của mình.

Trân trọng biết ơn!

Hà Nội, 22/6/2018
Đặng Vương Hưng

tin tức liên quan