Tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Từ người đặt "nền móng" đến "linh hồn" của Viettel
Tướng Nguyễn Mạnh Hùng: Từ người đặt "nền móng" đến "linh hồn" của Viettel
Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt
Sau khi ông Nguyễn Mạnh Hùng, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu tiên được nhận quyết định của Bộ Chính trị chỉ định trở thành Ủy viên Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015- 2020, nhiều người đều chung nhận định ông Hùng là "hiện tượng" trong ngành CNTT nhiều năm trở lại đây.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, CEO của Viettel là người có nhiều ý tưởng hết sức độc đáo, thậm chí dưới con mắt của một số người, đôi khi là “hoang đường”.
Từ người đặt “nền móng”…
Sinh ra tại Từ Sơn - Bắc Ninh, năm 1962, ông Nguyễn Mạnh Hùng là cử nhân xuất sắc của Đại học Kỹ thuật quân sự khóa 14. Sau đó, ông Hùng được Bộ Quốc phòng tuyển chọn đi du học và tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Nga ( Liên Xô cũ).
Ngoài ra, ông còn là Thạc sĩ viễn thông, Chương trình đào tạo sau đại học, trường Đại học Tổng hợp Sydney, Australia; Chương trình đào tạo sau đại học: Thạc sỹ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng là một trong những người đầu tiên được Bộ Quốc phòng điều động về Viettel từ những ngày đầu thành lập (năm 1989). Trong những năm đó, ông giữ các vị trí trợ lý kỹ thuật, Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Đầu tư Phát triển.
Đến năm 2000, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội rồi Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel vào năm 2010. Năm 2012 ông Nguyễn Mạnh Hùng được phong quân hàm Thiếu Tướng.
Ngày 1.3.2014, ông được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội, thay cho Trung tướng Hoàng Anh Xuân về nghỉ hưu.
Ngày 26.1.2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã trúng cử vào BCH Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII với tỷ lệ 74% phiếu bầu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong một thập kỷ (giai đoạn 2000 – 2009).
Thế nhưng, không nhiều người biết, ông Nguyễn Mạnh Hùng chính là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu dự án máy thông tin quân sự và chế tạo thành công bộ tạo số (trái tim của máy thông tin). Dự án này sau đó đạt giải quốc gia về nghiên cứu nhưng chưa thể sản xuất hàng loạt vì thiếu vốn, linh kiện, chưa có thị trường…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng là người có nhiều ý tưởng hết sức độc đáo, thậm chí dưới con mắt của một số người, đôi khi là “hoang đường”. Tuy nhiên chính những ý tưởng phong phú (mà có người bảo là hoang đường ấy) của ông Nguyễn Mạnh Hùng được kết hợp với sự quyết liệt đã làm nên một nhà quản lý tài ba, đưa Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam.
Sau hơn 20 năm gắn bó với Tập đoàn viễn thông quân đội, ông Nguyễn Mạnh Hùng được đánh giá là "linh hồn" của Viettel (Ảnh: IT)
… đến “linh hồn” của Viettel
Sau hơn 20 năm gắn bó với Tập đoàn viễn thông quân đội, ông Hùng được giới chuyên gia nhận định là “linh hồn Viettel" – người đưa di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân.
Năm 2000, Viettel bắt đầu bước chân vào thị trường Viễn thông với dịch vụ điện thoại giá rẻ đường dài trong nước (VoIP). Đây là dịch vụ viễn thông đầu tiên được mở ra để cạnh tranh trên thị trường viễn thông lúc bấy giờ. Thời điểm đó tổng tài sản của Viettel chỉ có 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam.
Kết thúc năm 2017, 3 hãng viễn thông lớn nhất Việt Nam đều báo lợi nhuận lớn, trong đó Viettel đạt doanh thu 250.800 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với năm 2016; tổng lợi nhuận đạt gần 44.000 tỷ đồng, tăng 12%. Đây là số liệu chính thức so sánh với con số lợi nhuận hợp nhất được báo cáo Chính phủ năm 2016.
Trong khi đó, VNPT công bố doanh thu 144.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận đạt 5.000 tỷ đồng. Riêng MobiFone có doanh thu 44.234 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 5.589 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận của Viettel 2017 chiếm khoảng 60% tổng lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Bên cạnh kết quả kinh doanh, Viettel nộp ngân sách đạt 41.140 tỷ đồng, tức tăng 2,3%. Con số này tương đương tổng chi ngân sách trung ương cho 3 lĩnh vực sự nghiệp: giáo dục - đào tạo, dân số - y tế, và khoa học - công nghệ. Năng suất lao động đạt 3,09 tỷ đồng/người – tăng 20% so với năm 2016. Trong khi đó, theo công bố từ Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/người .
Như vậy, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng là Chủ tịch đầu tiên của Viettel kể từ khi tập đoàn này chính thức hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước và bổ sung chức danh Chủ tịch trong bộ máy.
Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng vào chức danh Chủ tịch của Viettlel cũng được đánh giá là giữ sức tăng trưởng của Viettel trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam đã bước vào thời kỳ bão hòa, các dịch vụ OTT đang làm sói mòn doanh thu viễn thông truyền thống, và việc đầu tư nước ngoài cũng khó khăn hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa được Ban Bí thư phân công giữ chức vụ Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông thay Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn.