Hệ thống phòng không S-300 của Nga (Ảnh: Sputnik)
Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã công bố một loạt biện pháp để đáp trả vụ máy bay trinh sát Il-20 của Nga chở 15 người bị bắn rơi hôm 17/9. Nga cho biết sẽ cung cấp cho Syria hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và các hệ thống gây nhiễu định vị vệ tinh, radar và thiết bị liên lạc trên các máy bay chiến đấu có ý định tấn công các mục tiêu tại Syria cũng như trên Địa Trung Hải giáp biên giới Syria.
“Lực lượng vũ trang Syria sẽ được cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tối tân trong vòng 2 tuần tới. Hệ thống này có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa trên không ở khoảng cách hơn 250km, và có thể tấn công vài mục tiêu cùng một lúc”, Bộ trưởng Shoigu cho biết hôm 24/9.
Suốt nhiều năm qua, Syria và Iran đã tìm cách để có thể sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-300 của Nga. Đây được xem là vũ khí chiến lược đối với Syria và Iran để đối phó với sự thống trị của không quân Israel trong khu vực.
S-300 là hệ thống phòng không hiệu quả, có khả năng đánh chặn các máy bay, tên lửa đạn đạo, thậm chí cả tên lửa hành trình với tầm hoạt động hơn 150km ở tầm cao. Mặc dù S-300 được đánh giá là vũ khí uy lực, song đối với Israel, một vũ khí đáng lo ngại hơn do Nga triển khai tại Syria là hệ thống gây nhiễu định vị.
Các chuyên gia quân sự Israel tin rằng đối với họ, hệ thống phòng thủ S-300 không phải là mối đe dọa mà họ không thể vượt qua được. Các chuyên gia cho biết Mỹ và Israel “hiểu biết sâu rộng về các đặc tính của S-300”, điều này cho phép họ “phát triển các cách thức để phá hủy và vô hiệu hóa năng lực của hệ thống phòng không này”.
Tác chiến điện tử
Các máy bay chiến đấu F-35 của không quân Israel (Ảnh: Times of Israel)
Cách đây 5 năm, một nguồn tin thân cận của Bộ Quốc phòng Nga từng tiết lộ rằng Israel “có hàng triệu cách” để đối phó với S-300 về mặt tác chiến điện tử. Tuy nhiên, việc Nga gây nhiễu định vị ở những khu vực nằm dọc hoặc nằm gần bờ biển Địa Trung Hải sát biên giới Syria được Israel xem như một cuộc chiến tranh điện tử quy mô lớn đáng quan ngại. Đối với Israel, đây là cuộc chiến do một cường quốc tiến hành với những năng lực vượt trội chưa từng thấy.
Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria từ năm 2011 khi cuộc nội chiến xảy ra tại nước này. Trong quá khứ, Israel từng nhiều lần thành công trong các cuộc chiến tranh điện tử.
Vào năm 1982, Israel đã “làm mù” các đơn vị phòng không của Syria do Liên Xô cung cấp tại Lebanon, sau đó phá hủy 19 đơn vị mà không gây bất kỳ tổn thất nào cho Israel. Các công nghệ tương tự cũng đã giúp các máy bay Israel phá hủy một lò phản ứng hạt nhân khả nghi ở Syria năm 2007 và tấn công các mục tiêu ở Syria. Năm 2015, Israel được cho là đã âm thầm thử nghiệm các cách thức để đánh bại một hệ thống phòng không hiện đại do Nga triển khai ở Trung Đông.
Trong cuộc tập trận chung giữa không quân Hy Lạp và Israel hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua, một hệ thống phòng không S-300 đã được kích hoạt. Hệ thống này được Nga bán cho quốc đảo Síp 18 năm trước và hiện được triển khai trên đảo Crete của Hy Lạp.
Việc kích hoạt S-300 đã cho phép các máy bay chiến đấu Israel thử nghiệm xem hệ thống khóa của S-300 hoạt động như thế nào, thu thập dữ liệu từ radar định vị uy lực của S-300 cũng như nghiên cứu cách làm mù hoặc đánh lừa hệ thống phòng không do Nga sản xuất.
Mặc dù trong các cuộc chạm trán trước đây, Israel có thể khắc chế những thách thức do Nga đặt ra trong cuộc chiến tranh điện tử, song tình hình hiện nay đã thay đổi và Israel lo ngại rằng họ có thể bị tổn hại nếu đối đầu trực diện với Moscow.
Trong thông báo gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu nói rằng Nga từng tạm dừng cung cấp S-300 cho Syria hồi năm 2013 theo đề nghị của Israel. Tuy nhiên tình hình hiện nay đã thay đổi, do vậy Nga quyết định đưa S-300 tới Syria và đây không phải lỗi của Nga.
Bộ trưởng Shoigu cũng khoanh vùng hoạt động của dàn vũ khí do Nga triển khai tới Syria, đó là trên lãnh thổ Syria và vùng biển Địa Trung Hải sát biên giới Syria. Điều này đồng nghĩa với việc phạm vi hoạt động của Nga và Syria đã mở rộng hơn rất nhiều. Trong khi đó, Israel, vốn quen với việc tấn công các mục tiêu trong phạm vi nhỏ hơn nhiều, có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đối phó với các hệ thống gây nhiễu của Nga trải dọc phía đông Địa Trung Hải.
Theo truyền thông Nga, các hệ thống tác chiến điện tử sẽ tạo ra một “mái vòm vô tuyến điện tử” với bán kính hàng trăm km xung quanh khu vực tây Syria và bờ biển Địa Trung Hải. Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ tới máy bay chiến đấu Israel mà còn với các tàu chiến của Mỹ và Pháp cũng như các máy bay dân sự hoạt động xung quanh khu vực này.
Giới phân tích Israel tin rằng Israel không thể hành động một mình, thay vào đó sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ phía Mỹ. Đây có thể là yếu tố làm thay đổi bối cảnh cuộc chiến tại một trong những khu vực “nóng” nhất thế giới hiện nay.
Ngoài ra, ngay cả khi Israel có thể khắc chế được những thách thức về tác chiến điện tử của Nga hay phá hủy hệ thống S-300 do Nga cung cấp cho Syria, động thái này cũng sẽ dẫn tới nguy cơ leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương giữa Nga và Israel.
Thành Đạt
Theo Gulf News