Hà Nội xây trụ sở 'đồng phục', lãng phí không?

Ngày đăng: 08:09 29/09/2018 Lượt xem: 381


         Hà Nội xây trụ sở 'đồng phục', lãng phí không?

 
                                                       Nguồn:Báo Điện tử Đất Việt


Chuyện Sở Xây dựng Hà Nội đang lấy ý kiến để thực hiện việc sửa chữa, xây mới “đồng phục” cho 483 trụ sở xã phường khiến mạng xã hội xôn xao.



 
ha noi xay tru so dong phuc lang phi khong
Một phương án kiến trúc trụ sở phường được đưa ra lấy ý kiến. Nguồn: HRAP

Theo thông tin trên báo chí, ngày 24/9, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến các quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Trong phương án được lấy ý kiến, đơn vị tư vấn đề nghị các trụ sở cần thống nhất hình ảnh nhận diện; hình khối ngôn ngữ kiến trúc; bố cục; vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc.

Đơn vị tư vấn đề xuất diện tích đất phù hợp để xây dựng trụ sở chính quyền cấp xã, theo các khu vực: đô thị trung tâm tối thiểu 300 m2, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao tối đa là 6 (kể cả tầng trệt để xe nếu có) theo quy hoạch khu vực cho phép; diện tích tối đa 2.000 m2.

Với khu vực đô thị trung tâm mở rộng, đô thị vệ tinh, thị trấn mật độ dân cư cao, ngưỡng diện tích đất phù hợp khoảng 880 m đến 3.900 m2, mật độ xây dựng 40%, tầng cao tối đa là 5. Khu vực các xã và thị trấn mật độ dân cư thấp, diện tích đất phù hợp khoảng 1.530 đến 4.100 m2, mật độ xây dựng 25-30%, cao không quá 3 tầng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu là 483. Trong đó có 75 trụ sở cần xây mới, 136 công trình phải cải tạo bổ sung quy mô hoặc xây mới một số hạng mục, 118 công trình đã được xây dựng, chỉ cần cải tạo, sửa chữa.

Mặc dù con số kinh phí chưa được công bố, xong có thể hình dung đây sẽ là một dự án tiêu tốn ngân sách khổng lồ. Những trụ sở xã phường chưa có sẽ xây mới, những trụ sở đã có sẽ phải cải tạo, bổ sung cho hợp với tiêu chuẩn đồng phục, còn có những trụ sở phải sửa chữa, tất cả chỉ với mục đích sao cho chúng trông giống hệt nhau.

Nghe qua thì thấy cũng hay hay, vì trụ sở sẽ dễ dàng phân biệt, không giống với nhà dân hay hàng quán. Nhưng nghĩ kỹ thì thấy đây giống như câu chuyện “thừa giấy vẽ voi”, lãng phí không cần thiết. Giá như chúng ta đang tính đến chuyện xây dựng 1 thành phố mới thì việc này có thể hiểu được, còn bây giờ xây mới hay đập đi sửa chữa chỉ để nó trông… giống hệt nhau, thì đúng là hao tiền hao của.

Đọc qua các diễn đàn hay mạng xã hội, có thể thấy số đông người dân không đồng tình. Họ cho biết cái mà người dân thực sự cần là việc cải cách thủ tục để khỏi “hành dân”, thay đổi thái độ phục vụ để không còn là “ban phát cho dân” các dịch vụ hành chính. Chứ thực lòng, người dân không cần phải biết cái trụ sở xã mình có giống hệt hàng trăm xã khác hay không.

Có người đặt ra câu hỏi cắc cớ: “Người dân có phải là không biết đọc đâu, trụ sở nào chả có cái biển to tướng ghi rõ tên cơ quan, địa chỉ, việc “đồng phục” bên ngoài cho dễ nhận diện là một chuyện thừa thãi, không cần thiết”.

Mới vài ngày trước, báo chí còn đăng thông tin trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội) có 41 phòng học, nhưng tới 57 lớp, học sinh do đó phải nghỉ 1-2 ngày giữa tuần. Tức là thay vì đến trường như các bạn thì ở trường này, học sinh phải nghỉ luân phiên mới đủ phòng học.

Thiếu thốn là vậy, ngẫm ra thấy khổ thân cho con trẻ. Vì thế đọc tin về phương án xây dựng “đồng phục” cho 483 trụ sở xã phường ở thủ đô mà thấy… nghèn nghẹn. Những trụ sở xây hoành tráng, rộng rãi, thoáng mát, máy lạnh chạy ro ro cho vài chục nhân viên hành chính ngồi, có cần thiết bằng việc trường thiếu phòng học, trẻ phải nghỉ luân phiên kia hay không?

Chuyện nợ công chồng chất, thâm hụt ngân sách, gánh nặng cuối cùng người dân phải chịu hết, có lẽ bắt nguồn từ những dự án "ý định thì tốt, nhưng...trời ơi đất hỡi" như thế này.

tin tức liên quan