Chuyện nêu gương: Người trên ăn ở chính ngôi

Ngày đăng: 07:04 04/10/2018 Lượt xem: 354



       Chuyện nêu gương: Người trên ăn ở chính ngôi



                                                                    Nguồn:Báo Điện tử Viennamnet


Người lãnh đạo, cấp càng cao cần phải giữ mình. Khi anh ăn ở “chính ngôi”, liêm chính, đường hoàng, đĩnh đạc, “người dưới” ắt nể phục, chẳng dám “hỗn hào”, càng không thể làm loạn, “lộn nhào lên trên”.



Một vấn đề, từ lâu đã thành nguyên tắc: Đã là cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu, làm gương cho quần chúng noi theo. Đã là cán bộ lãnh đạo thì phải gương mẫu, làm gương cho cấp dưới làm theo. Cán bộ, đảng viên ở cương vị lãnh đạo càng cao, là rường cột nước nhà, càng cây cao bóng cả thì càng phải gương mẫu, càng phải làm gương.

Giai đoạn gần đây không hiếm nơi quần chúng nhân dân không còn niềm tin nơi người đứng đầu địa phương hay ngành mình. Có nơi có lúc, mỗi khi người lãnh đạo đăng đàn, hầu như anh ta nói chỉ để anh ta nghe. Khi người lãnh đạo xuất hiện trên truyền hình, người dân liền tắt ti-vi. Cá nhân người lãnh đạo đó nói không đi đôi với làm, miệng hô hào chống thiêu cực, tham nhũng, lãng phí nhưng lại đầy biểu hiện nhóm lợi ích, doanh nghiệp sân sau, thân hữu, xem lợi ích của cá nhân, gia đình lớn hơn lợi ích tập thể, quốc gia.

Không phải đến bây giờ Đảng ta mới đưa nguyên tắc nêu gương ra bàn thảo, xây dựng thành quy chế. Từ khi thành lập Đảng, từ ngày lập nước, mỗi đảng viên, cán bộ đã thề suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Không gương mẫu, không hy sinh quyền lợi nhỏ hẹp, riêng tư thì không làm nên sự nghiệp lớn. Từ lâu rồi, câu khẩu hiệu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đã thành câu nói hàng ngày, như một thành ngữ. Cũng đã hơn nửa thế kỷ, câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã quen thuộc như ca dao, nhắc nhở người đảng viên: “Đã rằng vì nước vì dân/ Nước dân còn khổ thì thân sướng gì”.

chuyen neu guong nguoi tren an o chinh ngoi

Đã là cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu, làm gương cho quần chúng noi theo. Ảnh minh họa

Từ ngày lập nước, rất may mắn cho dân tộc ta, đã có hàng loạt những nhà lãnh đạo cấp cao tài năng, đức độ, ưu thời mẫn thế, yêu nước thương dân. Họ thật sự có uy tín lớn, có sức quy tụ sâu rộng, dẫn dắt nhân dân thực hiện nhiều việc lớn thành công. Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của nhân dân, là phương châm, nguyên tắc, là hạnh phúc của người lãnh đạo như thế. Tiếc rằng, theo thời gian, với vô vàn tác động, như người dân đánh giá: đảng viên, cán bộ đông lên mà chất cộng sản thì ít đi. Không ít trường hợp khi chưa vào cái ghế cấp cao thì phấn đấu, tu dưỡng, giữ mình; khi yên vị thì buông thả, biến quyền lực thành hàng hoá. Cũng không hiếm người, “chạy” vào ghế cấp cao bằng mọi cách, mọi cửa: quan hệ, tiền tệ, hay hậu duệ, đồ đệ, và khi lên cao, càng bộc lộ thói hư tật xấu.

Từ nhỏ, tôi đã nghe và thuộc nằm lòng mấy câu ca dao: “Người trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho người dưới chúng tôi hỗn hào/ Người trên ở chẳng được cao/ Khiến cho người dưới lộn nhào lên trên”.

Ngẫm nghĩ lời thơ người xưa, soi vào thực tế, chẳng sai chút nào. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Tướng nào quân nấy. Cấp trên tham nhũng, hư hao, làm điều xằng bậy, tư túi vụ lợi, cấp dưới sẽ nương theo đấy mà “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”, thành một bầy, một dây xấu xí. Người lãnh đạo cấp càng cao càng phải biết giữ mình. Khi anh ăn ở “chính ngôi”, liêm chính, đường hoàng, đĩnh đạc, “người dưới” ắt nể phục, chẳng dám “hỗn hào”, càng không thể làm loạn, “lộn nhào lên trên”.

Nhân dân vốn rất khoan hoà, rành rẽ. Đã ở vị trí người lãnh đạo cấp cao hay bất kỳ cấp lớn cấp nhỏ nào, cứ tận tâm tận trí phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ gìn thanh danh của Đảng, thì lo gì chuyện cơm áo gạo tiền. Dân giàu nước mạnh, nước nổi bèo nổi. Lương dân, lộc nước đủ nuôi anh sống một đời sung túc, viên mãn. Đắm say quyền lực, bất chấp nguyên tắc, luật lệ, quên Đảng khinh dân, chạy theo lòng tham lam vô độ, tất yếu là mảnh gương nhem nhuốc, vỡ vụn, làm sao thành gương sáng soi chung!

Khi Đảng nhấn mạnh tư cách làm gương, nêu gương ở cấp cán bộ chiến lược, từ Uỷ viên Trung ương, Ban Bí thư đến Uỷ viên Bộ Chính trị, có nghĩa Đảng nhận thấy một bộ phận trong số đó chưa thể là gương, chưa xứng làm gương. Cũng có nghĩa, tính lan toả từ những tấm gương sáng trong hàng ngũ cán bộ cấp chiến lược vô cùng tích cực, sâu rộng, có tính thuyết phục, dẫn dắt số đông; ngược lại, những mảnh gương dị dạng, méo mó cũng tạo nên những hệ luỵ nguy hại, hủy hoại thanh danh Đảng, xói mòn niềm tin dân. Khi đội ngũ cán bộ cấp chiến lược biết tự hào, biết xấu hổ, biết lao động và cống hiến, rèn luyện và tu dưỡng để luôn luôn là tấm gương sáng, thì Đảng không còn lo cái điều mà người dân vẫn thường lo: Cây sâu từ gốc, nhà dột từ nóc.

Nhắc đến việc tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, lại nhớ đến mấy câu thơ trong bài thơ Tâm sự đảng viên của nhà thơ Việt Phương: “Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng/ Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm/ Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản/ Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm”.

Dù là cán bộ cao cấp, cấp chiến lược thì cũng đi lên từ những cán bộ, đảng viên bình thường. Vậy thì, đã đành, trước tiên là cấp chiến lược, nhưng đâu chỉ cán bộ cấp chiến lược mới gương mẫu, làm gương? Đâu phải đợi đến thành cán bộ cấp chiến lược rồi mới gương mẫu, làm gương? Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải mang một “tâm sự đảng viên”, để “đêm đêm ta lại xét kết nạp ta vào Đảng”, để “trọn đời, từng giờ là cộng sản”.

 
tin tức liên quan