Sắm ô tô để đi... ăn sáng
Sắm ô tô để đi... ăn sáng
Nguồn:Báo Điện tử Thanh Niên
Nếu nhìn vào mật độ ô tô đỗ trước các quán cà phê - ăn sáng loại sang để đánh giá thì TP.Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình tuy mang tiếng là nghèo lại có phần lấn lướt các tỉnh giàu khác.
|
Ô tô ken dày hai bên đường ở quán cà phê trên đường Nguyễn Hữu Cảnh Ảnh: TRƯƠNG QUANG NAM |
Nghèo mà sang?
Đường phố Đồng Hới vẫn còn thoáng đãng, không khó để đỗ ô tô, nhưng thứ bảy, chủ nhật, các quán cà phê - ăn sáng loại sang cũng chật kín xe hai bên đường. Qua đó có thể nói, đời sống đã được nâng lên rõ rệt, bây giờ mà nói “Quảng Bình khoai, khoai toàn khoai” thì lạc hậu lắm rồi. Những cuộc vui trong quán nhậu, người ta hát “Quảng Bình, bia, bia toàn bia”.
Mấy năm trước, có bài báo nhan đề Quảng Bình nghèo mà sang, viết rằng, cho dù nghèo nhưng người Đồng Hới vẫn chơi rất sộp. Cái đó, một khía cạnh có thể là phê phán nhưng ở khía cạnh khác cho thấy, người dân ở đây rất khoáng đạt.
Mới mấy năm trước đây thôi, sáng nào các quán cà phê - ăn sáng cũng chật kín người, họ chắc chắn không phải là dân lao động, vì thế, ông Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy bấy giờ, chỉ đạo cấm các công chức rê ra cà phê buổi sáng trong giờ làm việc, rồi ông đích thân vi hành kiểm tra. Việc làm của ông có tác động cho đến nay và có vẻ làm cho quán xá thất thu. Giờ thì thứ bảy, chủ nhật xe cộ mới đường đường chính chính đỗ trước quán mà không sợ lãnh đạo vi hành.
Mảnh đất được nhắc với câu “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đã lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho một Quảng Bình “sang chảnh” không kém nơi nào.
Giải quyết khâu oai
Giờ dân Đông Hới gặp nhau, câu đầu tiên thường hỏi “Đã mua ô tô chưa?”. Hồi trước ra quê, bị hỏi câu này tôi cũng thấy “nhột” dù nhu cầu không có gì cấp thiết để bỏ vài trăm triệu sắm xe. Nhưng câu hỏi đó cũng tác động đến nhiều người lắm.
Phải nói dân Đồng Hới có rất nhiều xe xịn. Không kể những người có siêu xe thì tầm trung của họ cũng phải Camry.
Có lần tôi hỏi Giám đốc chi nhánh Ngân hàng BIDV, dân Đồng Hới làm gì mà giàu thế? Ông này cười, bảo: “Toàn xe cà vẹt A4 cả đó anh!”. Sau này mới hiểu, cà vẹt A4 là xe vay tiền ngân hàng. Nói toàn xe cà vẹt A4 thì cũng không đúng, nhiều xe vẫn có cà vẹt thường nhưng có lẽ A4 cũng không ít nên ông ngân hàng mới nói.
Người đó có sao mình không có? Đó là cách nghĩ của người dân quê tôi. Đó cũng là một cách nghĩ tích cực xét về mặt thi đua, nhưng xét về ganh đua thì nó hơi tiêu cực.
Tiêu cực ở chỗ, sắm ô tô để làm gì khi mình phải vay ngân hàng trong khi vì mục đích: Kinh doanh? Không! Đi làm việc xa? Không! Chủ yếu là thỉnh thoảng chở gia đình về quê và đi... ăn sáng.
Dừng xe trước quán, bước xuống, bấm khóa cái “choét”, oách chết đi được.
Nói dân dã theo dân quê tôi thì đó là “giải quyết khâu oai”.
Thật lòng mà nói, cho đến bây giờ, không chỉ người dân Quảng Bình mà người dân từ Quảng Bình trở ra vẫn quan niệm nuôi con ăn học để lớn lên kiếm cho nó cái biên chế. Khác với người dân các tỉnh phía nam, kiếm cho con một cái nghề. Đó là nói chung, trừ những trường hợp cá biệt.
Ở Đồng Hới, công chức vẫn nhiều nhà to hơn người không công chức. Đối tượng công chức có ô tô cũng nhiều hơn các đối tượng làm nghề khác. Với mức lương chúng ta biết, thì đó có thể xếp vào loại “bí mật của lịch sử”.
Đắt như... đồng hới
Ai từng đến Đồng Hới hẳn sẽ có sự so sánh về giá cả, trước hết là về ăn uống, Đồng Hới rất đắt.
Trước đây, ra chợ Đồng Hới, mua vài nghìn cũng được cả rổ ghẹ loại nhỏ, vài nghìn cũng được cả thau (chậu) cá khoai, rắn biển (đẻn) ngư dân bắt được cho cũng ít người lấy, tôm hùm thì cũng chẳng khác mấy tôm nuôi...
Nhưng bây giờ rất đắt.
Đắt cũng mừng cho dân. Có mấy lý do, một là, khách du lịch ngày một đông nhờ hệ thống hang động không đâu có thể sánh bằng; hai là, hải sản của Quảng Bình rất ngon, theo sách cũ để lại thì người Pháp đánh giá là ngon nhất vì lượng phù du lớn do các con sông có độ dốc cao chảy ra biển.
Nhờ tiếng tăm đó, cộng với sự thuận lợi về cung đường nên giá cả trở nên đắt đỏ. Dăm bảy nhà ở Hà Nội rủ nhau chung tiền, cử một người lên tàu vào chập tối, sáng đến Đồng Hới có thể ra chợ cá tha hồ lựa chọn và đóng thùng rồi lên tàu vài tiếng trở ra là đủ thức ăn tươi ngon cho cả tuần.
Đó là muốn tự chọn chứ nay chỉ cần một cú điện thoại là có dịch vụ ship hàng đến tận nơi chỉ sau một đêm.
Không biết có phải vì có tiếng “chặt to kho mặn” hay không mà các nhà hàng bán thức ăn cũng khác nơi khác. Nếu như ở Huế cái gì cũng “chút chút”, mỗi dĩa chỉ vài chục nghìn thì ở Đồng Hới dĩa nào cũng phủ phê. Một cái lẩu hải sản 800.000 đồng, nếu tính dăm bảy người ăn thì không thấy đắt nhưng vào nhà hàng 2 người, họ cũng làm cái lẩu 800.000 thì... xót quá.
Người Đồng Hới buôn bán không linh động, và có vẻ không cần linh động. Thế đó, ưa thì ăn không thì thôi.
Không chỉ nhà hàng, vỉa hè cũng đắt. Nếu buổi chiều ra bờ kè (bờ kè biển Nhật Lệ) gọi một con cá sơn đá nướng thì giá nó phải gấp 3 lần Đà Nẵng.
Người Đồng Hới làm dịch vụ phải nói là rất không... dịch vụ. Nếu quán không có loại bia đó mà nhờ họ đi lấy họ cũng không lấy. Khác với ở miền Nam, không bao giờ nói là không có. Gương mặt của chủ và nhân viên đều rất khó, như thể bán mà sợ người khác mua đi.
Nhiều lần trò chuyện, tôi có nói với mấy đứa em kinh doanh dịch vụ, tụi bây có thể bỏ ra chục tỉ để làm cái nhà hàng thì tại sao không bỏ ra vài trăm triệu thuê người huấn luyện cho nhân viên về phục vụ? Bây giờ nhà hàng mọc san sát, cái sau đẹp hơn cái trước, vậy thì hãy làm dịch vụ theo kiểu miền Nam cho hơn họ đi!
Người nghe gật gù có vẻ thấu hiểu nhưng chưa thấy làm.
Người Đồng Hới thật là sang chảnh.