Khi về hưu, anh Trần Kiên trả nhà công vụ. Ban Bí thư lúc đó yêu cầu Ban Tài chính quản trị xây cho anh một cái nhà ở Quảng Ngãi nhưng anh “xin phép không chấp hành”. Hành trang về hưu của anh chất trên cái xe ca chỉ có sách vở, bát đũa.
LTS: Ngày 16/10 năm nay là kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Kiểm tra Đảng, Tuần Việt Nam xin giới thiệu chân dung Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (nhiệm kỳ 5 và 6) Trần Kiên qua lời kể của ông Dương Quang Phái, trợ lý của ông Trần Kiên.
Nhiều người nghĩ làm kiểm tra thời kỳ trước dễ dàng hơn thời nay, vì cán bộ chưa “tha hóa”, nhưng thời nào cũng có khó khăn, phức tạp cả.
Thời anh Trần Kiên làm Chủ nhiệm, Ủy ban Kiểm tra đã làm nhiều vụ lớn, kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp như 2 Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quảng Bình, Bí thư Hà Nam bị khai trừ. Rất nhiều vụ khó, mà Ủy ban Kiểm tra trung ương phải vào cuộc, đỉnh điểm là vụ Năm Chữ ở Đồng Nai; CK 50 ở Cửu Long; Phương án 2 ở Sông Bé và đặc biệt là vụ cháy kho 5 ở Hải Phòng...
Họ đã khóc, cảm ơn Đảng...
Năm 1981, đất nước lúc đó nghèo lắm, kho hàng viện trợ từ các nước chuyển ở Hải Phòng về cháy hết. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khóc. Bộ Công an lúc đó do ông Phạm Hùng làm Bộ trưởng, ra kết luận điều tra, nguyên nhân do 11 sĩ quan quân đội vào ăn trộm, khi bị phát hiện, họ đã đốt kho. Tuy nhiên, khi đưa ra chứng cứ thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lúc đó do ông Trần Lê làm Viện trưởng không chấp nhận. Để làm rõ vụ việc, Ban Bí thư đã không giao cho tập thể Ủy ban Kiểm tra, mà giao cho cá nhân Chủ nhiệm Trần Kiên và Trưởng ban Nội chính Trung ương Bình Phương thẩm định và đưa ra kết luận.
|
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Kiên cùng bà con nông dân trên cánh đồng ruộng bậc thang ở huyện Krông Pă k, Đăk Lăk, tháng 6.1991. Ảnh tư liệu |
Nhận nhiệm vụ, ông Trần Kiên và Bình Phương đã lập tổ công tác gồm 4 người, trong đó có tôi.
Hồ sơ của vụ án khoảng 2 vạn trang viết tay trên giấy xấu và khoảng một gánh băng ghi âm. Anh Trần Kiên và anh Bình Phương không chấp nhận chỉ nghe cấp dưới báo cáo lên sao thì tin thế. Tổ công tác vừa vùi mặt đọc ngày đêm, vừa về tận địa phương xác minh. Nhờ đó chúng tôi phát hiện nhiều chi tiết đáng giá. Ví dụ hồ sơ nói Vũ Văn Mạnh là bị can số 1 để đưa ra khởi tố, nhưng về cảng Hải Phòng thì nghe nói anh này đi công tác, đang làm việc cho Bộ Công an và vợ anh ta vẫn lĩnh lương đều cho chồng. Thấy bất thường, tôi hỏi thứ trưởng công an Trần Quyết rằng, có ai bị can số 1, sắp đưa ra xét xử mà vẫn lĩnh lương lĩnh thưởng không? Anh Quyết trợn mắt lên bảo: Anh đùa à? Pháp luật không quy định như vậy. Đó là một bằng chứng.
Tiếp đến, hồ sơ nói trong đám cháy tìm được bộ xương của Bùi Gia Thi, quê ở Hải Dương, nhưng khi chúng tôi về Hải Dương xác minh thì anh Bùi Gia Thi này đã phục viên và vẫn ở nhà. Cùng với nhiều chi tiết khác được phát hiện, đoàn công tác đã tổ chức hội nghị khoa học để các nhà khoa học đánh giá vật chứng... Cuối cùng vụ án được báo cáo lên trên để đình chỉ. Bộ Công an và Viện kiểm sát chấp nhận đề xuất đó.
Nhưng 11 sĩ quan quân đội đã được tuyên là có tội, họ đã là bị can. Lúc đó, anh Trần Kiên sang Kiến An gặp lãnh đạo đơn vị, đề nghị về quê của 11 sĩ quan này để thông báo cho địa phương và gia đình được rõ là họ không phải thủ phạm; đề nghị trả lại mọi quyền lợi về kinh tế và chính trị cho anh em và đưa đi an dưỡng. 11 sĩ quan này lúc gặp anh Trần Kiên đã khóc rưng rức, cảm ơn Đảng đã thận trọng. Nếu không, hoặc bị bắn oan, hoặc đi tù oan.
Tiếc rằng cho đến nay, vụ án cháy kho 5 ở Hải Phòng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Kể lại câu chuyện này để thấy anh Trần Kiên và các cán bộ ngày xưa làm việc rất thận trọng, khó đến đâu cũng quyết làm ra đến cùng, không vì được việc mà kiếm người đổ tội. Dưới nói, trên không kiểm tra, là điều sau này nhiều cán bộ vướng phải. Bệnh thành tích, oan sai cũng từ bệnh quan liêu mà ra.
Việc liên quan đến Bí thư Tỉnh, trên phải ra tay vì dưới làm không ra
Vụ “Phương án 2” ở Sông Bé, dư luận tố cáo lên là lãnh đạo tỉnh lợi dụng thu vàng của những người vượt biên làm của riêng. Vì vụ việc liên quan đến Bí thư Tỉnh ủy, nên ở dưới làm không ra, buộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc.
Tổ công tác do anh Trịnh Văn Lâu (tức Tư Cẩn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra làm tổ trưởng, anh Trần Kiên cũng tham gia, sau khi nghe anh em nói vàng được để trong tủ, két sắt khóa 2 vòng, Bí thư Tỉnh ủy giữ mã số, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy giữ chìa.
Tổ công tác yêu cầu họ làm kiểm điểm, gợi ý... nhưng Bí thư vẫn chối. Tổ công tác quyết định mở tủ. Ông Bí thư Tỉnh nói cứng, nếu mở không thấy vàng sẽ kiện ra Trung ương. Sở dĩ ông làm căng như vậy vì có nhiều người chống lưng. Sau khi hội ý, tổ công tác vẫn quyết định mở tủ. Không khí vô cùng căng thẳng. Tủ mở ra, trống không. Mọi người rất thất vọng. Anh Trần Kiên bảo: Bình tĩnh! Kiểm tra xem có phải tủ 2 đáy không? Quả nhiên đó là tủ 2 đáy, ở dưới có mấy chục cân vàng.
Kể lại câu chuyện này để thấy, khi thực hiện nhiệm vụ, dù khó đến các anh ấy cũng quyết làm bằng được, không ngại va chạm. Khi đã tin mình đúng, cần bình tĩnh, sử dụng chứng cứ để người có tội phải tâm phục khẩu phục.
Sống mãi trong lòng nhân dân
Anh Trần Kiên có 3 điểm nổi bật mà cán bộ thời nào cũng cần, đó là luôn suy nghĩ đến hạnh phúc, đến cuộc sống của nhân dân; luôn hết lòng với mọi nhiệm vụ được giao và sống cuộc đời thanh liêm.
Anh Kiên đi địa phương không bao giờ chịu ăn cơm đãi, toàn mang cơm nắm, muối vừng hoặc lọ mọ dừng đâu đó tự nấu ăn.
|
Ông Trần Kiên (thứ 2 từ trái qua) cùng Ban chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 5, năm 1973. Ảnh Tư liệu |
Năm 1977, vợ anh nuôi được con lợn 80 cân, đến lúc xuất chuồng, anh lần chần, chờ đến lúc vợ bán cho thương nghiệp mới đi công tác, vì sợ ở nhà vợ ham giá cao bán ra ngoài.
Sau ngày thống nhất đất nước, anh Trần Kiên được điều về làm Bí thư tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum. Một dạo anh trai ruột lên đề nghị anh giải quyết mấy khối gỗ để dựng nhà cho mẹ. Anh suy nghĩ rồi bảo: “Mẹ và anh sống được là nhờ dân. Mình sống cùng với nhân dân. Nghèo như vậy mà mọi người đến với nhau đầm ấm hơn. Giờ kháng chiến thành công, mình là cán bộ, dựng cho mẹ cái nhà to, mọi người không đến nữa, mẹ buồn”. Anh trai anh Kiên sau đó đồng ý không dựng nhà mới.
Ít lâu sau, một cô em họ xa cũng lên xin được mua gỗ xây nhà. Cô này có chồng và 2 con là liệt sĩ, hi sinh trong kháng chiến. Anh Kiên bảo tôi giới thiệu sang chỗ Phó chủ tịch tỉnh phụ trách, và anh ấy giải quyết cho cô này được mua. Em gái ruột anh Kiên nghe tin, cũng lên nhờ. Anh ấy từ chối, cô em giận, nói dỗi “ruột bỏ ra, da bỏ vào”. Anh giải thích “không phải ruột với da gì. Gia đình người ta là gia đình liệt sĩ, còn gia đình cô có liệt sĩ đâu”.
Khi về hưu, anh Trần Kiên trả nhà công vụ để về quê. Ban Bí thư lúc đó yêu cầu Ban Tài chính quản trị xây cho anh một cái nhà ở Quảng Ngãi với yêu cầu “không được xây to lắm, vì xây to dân người ta chửi; nhưng cũng không được xây nhỏ, vì xây nhỏ dân người ta cũng chửi”. Nhưng anh kiên quyết “xin phép không chấp hành” vì tự giải quyết được. Sau đó anh Kiên về quê dựng cái nhà cấp 4. Hành trang về hưu của anh chất trên xe ca chỉ là sách vở, bát đũa, không có cái gì khác.
Hưu rồi, anh tránh xa các lễ nghi, quyền lực, dành thời gian cho nông, lâm nghiệp, vì từng là Bộ trưởng Lâm nghiệp. Mỗi khi có dịp ra Hà Nội, anh tự bỏ lương hưu mua cây giống chở về quê, chở lên Tây Nguyên giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.
Anh Trần Kiên đã dạy tôi rằng, gắn bó với nhân dân là tố chất cần thiết của người cán bộ. Xa rời dân thì không thể hiểu dân. Không hiểu dân thì không thể hành động đúng cho lợi ích của nhân dân.
Không phải chúng ta không nhận thức được những vấn đề của xã hội. Chúng ta nhận thức được, nhưng không làm, nên mất lòng tin. Cán bộ, đảng viên không gương mẫu, không liêm khiết, nên mất lòng tin. Mà đánh mất lòng tin của người dân là một đại họa.
Trung ương mới đây đưa ra nghị quyết về chống tham nhũng, về nêu gương. Đó đều là những việc mà những người tiền nhiệm đã làm, đã tuân thủ nghiêm túc. Vì vậy, khi họ không còn nữa, nhưng sống mãi trong lòng nhân dân.
Dương Quang Phái