Hầu hết người dân, trong đó có bản thân người viết đều nghĩ rằng, quy định “nực cười” này hẳn là do một vị nào đó có đầu óc hài hước mới “sáng tạo” ra và cũng mới chỉ lăm le đưa vào dự thảo thì bị phát hiện. May quá!
Ai ngờ, theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ công bố trước Quốc hội sáng 31/10 thì quy định đuổi học sinh viên bán dâm lần 4 đã có từ… năm 2007, tức là đã hơn 10 năm trước!!!
Người đứng đầu Bộ GD-ĐT cho biết, trên thực tế, Bộ cũng đã rà soát và đã đánh giá nội dung này không phù hợp và phải loại bỏ. Ấy thế mà, trong một dự thảo quy chế mới lại tiếp tục được trình ra lấy ý kiến rộng rãi tiếp (?!).
Bộ trưởng lý giải cho “sự cố” này đó là do “cán bộ rà soát năng lực hạn chế, kém nên đưa lên gây phản ứng”. “Khi biết tôi yêu cầu bỏ ngay, rà soát ngay, những nội dung này không đưa vào trong thông tư nữa”.
Trước hết, phải cảm ơn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vì đã lắng nghe dư luận và cũng đã tiếp thu để sửa đổi quy định “ngu ngơ, ngớ ngẩn” này (xin mượn chữ của nhà báo Bùi Hoàng Tám). Thế nhưng sau vụ việc này, nên chăng Bộ trưởng cần xem lại có nên loại bỏ cả những cán bộ năng lực hạn chế, yếu kém của ngành mình phụ trách hay không khi đã bất tuân lệnh cấp trên, và hơn thế là góp phần làm xấu cả tính nghiêm minh, nghiêm chỉnh của quy định luật pháp!
Cũng phải nói thêm rằng, chuyện này không chỉ xảy ra ở Bộ GD-ĐT mà thậm chí còn khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực.
Mới cách đây vài ba năm, người dân đã không ít phen hoảng hốt với những quy định “trời ơi đất hỡi” như “cấm bán thịt sau giết mổ 8 giờ”, “người bán hàng rong phải có giấy chứng nhận sức khoẻ”, xử phạt khi nghe điện thoại ở cây xăng, yêu cầu xe ô tô phải có bình cứu hoả… rồi choáng váng với “phát kiến”: Bà mẹ Việt Nam anh hùng được… cộng điểm thi đại học!
Thế rồi gần đây, nhiều người lại bị “sốc” vì bỗng nhiên hay tin ở Cần Thơ, một anh thợ điện bị phạt tới 90 triệu đồng chỉ vì giao dịch 100 USD không đúng nơi quy định, trong khi người người, nhà nhà vẫn “rần rật” ra các tiệm vàng lớn nhỏ đổi USD mà không bị xử lý gì!
Vấn đề của những quy định “nực cười” không chỉ bởi có lý hay vô lý, mà bởi tính thực thi yếu kém, thậm chí không thể thực thi, sẽ khiến người dân nhờn luật, coi việc tuân thủ pháp luật như một trò đùa đầy may rủi.
Chưa kể là có những quy định vô thưởng vô phạt được đưa ra nhưng trong nhiều trường hợp lại được các cơ quan công quyền “vin” vào để hành dân là chính chứ không phải để thiết lập kỷ cương, để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Quy định pháp luật trước khi thi hành đều phải công bố dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi. Việc để lọt sàng nhiều quy định “trên trời” như gần đây đã đến lúc cần phải được xem xét lại, từ năng lực của bộ phận soạn thảo đến bộ phận rà soát.
Thiết nghĩ những người “thích đùa” thì nên được tạo điều kiện để luân chuyển làm tại bộ phận sáng tác chuyện tiếu lâm, thay vì làm luật!
Bích Diệp
PS st Theo Dân trí