Lo thủy điện gây họa

Ngày đăng: 02:28 05/11/2018 Lượt xem: 398


                                          Lo thủy điện gây họa



                                                Nguồn:Báo Điện tử Người Lao Động


Không ít đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan ngại đối với thực trạng hồ thủy lợi mất an toàn, hồ thủy điện xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho người dân



Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIV, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương việc hiện nay trên lưu vực sông Cả của tỉnh Nghệ An có đến 20 nhà máy thủy điện (8 nhà máy đã hoạt động, 6 nhà máy đang xây dựng và 6 nhà máy đang quy hoạch). Cá biệt, 1 km có 3 nhà máy thủy điện.

Hậu quả lớn?

Theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu, cử tri tỉnh Nghệ An đề xuất dừng 6 nhà máy đang quy hoạch, nếu không hậu quả sẽ rất lớn. Ngoài ra, vừa qua thủy điện Bản Vẽ xả lũ thiệt hại cho dân, yêu cầu phải đền.

lo thuy dien gay hoa

Nhiều nơi ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ngập nặng trong một lần thủy điện xả lũ Ảnh: ĐỨC NGỌC

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết ngay sau khi QH khóa XIII ra Nghị quyết 62 yêu cầu Chính phủ rà soát và xây dựng lại quy hoạch các thủy điện nhỏ và vừa trên toàn quốc, bộ này đã hướng dẫn các địa phương. Theo đó, hiện tỉnh Nghệ An còn 42 dự án, trong đó có 6 dự án trên sông Cả đã được đưa ra khỏi quy hoạch.

"Cả nước đã đưa ra khỏi quy hoạch 474 dự án thủy điện nhỏ và vừa; xóa 231 địa điểm đã quy hoạch các thủy điện nhỏ và vừa, do không đáp ứng được các tiêu chí, gắn với các mục tiêu bảo vệ môi trường và các vấn đề dân sinh" - ông Trần Tuấn Anh nói.

Liên quan đến việc xả lũ của thủy điện Bản Vẽ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng mùa mưa lũ năm 2018 có thể nói là lịch sử với liên tục 4 trận lũ xảy ra liên tiếp, trong đó có 2 trận tương đương tần suất của 2% - (tức là trung bình cứ 50 năm mới xảy ra một lần). Theo đó, lưu lượng nước về hồ thủy điện Bản Vẽ tới 1.321 m3/giây, trong khi bình thường tháng 8 tần suất chỉ 594 m3/giây. 3 trận lũ đầu thì thủy điện Bản Vẽ thực hiện tốt hoạt động xả lũ. Tuy nhiên, khả năng cắt lũ thì không thể kéo dài, đến trận thứ 4 thì khả năng cắt lũ của thủy điện Bản Vẽ không còn.

"Trận lũ này làm cho mức 3 tỉ m3 nước về hồ thủy điện Bản Vẽ, gấp 10 lần dung tích phòng lũ cho hạ du của hồ Bản Vẽ. Vì vậy, việc thủy điện Bản Vẽ không còn khả năng cắt giảm lũ cho hạ du trong trận lũ cuối cùng là điều không thể tránh được" - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định và cho rằng việc xả lũ là thực hiện đúng quy trình và không có sai phạm trong quá trình thực hiện.

Trước đó, tại thảo luận tổ, ĐB Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH - cũng bày tỏ sự lo ngại đối với những thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt là trong việc thông báo cho nhân dân vùng hạ du trước các đợt xả lũ để giảm thiệt hại. Ông Huy nói: "Có tình trạng thông báo trước khi xả lũ cấp tập, nhiều chủ đầu tư chỉ thông báo chiếu lệ cho xong. Chúng tôi không đồng ý kiểu làm như vậy, bởi sự hờ hững này đã để xảy ra nhiều trường hợp rất thương tâm".

Trong báo cáo của Chính phủ về việc triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 của QH (tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện) gửi đến QH tại kỳ họp thứ 6 cũng cho biết qua kiểm tra, vẫn còn một số tồn tại trong quy trình vận hành và thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện. Theo đó, việc quy định thời gian thông báo trước khi xả lũ trong quy trình vận hành phải linh hoạt và khả thi. Quy định thời gian thông báo trước quá dài sẽ không chính xác, gây hoang mang, mất niềm tin và tốn kém cho nhân dân vùng hạ du nếu lũ không xảy ra như dự báo; ngược lại, nếu quá ngắn sẽ mất an toàn cho vùng hạ du.

Nhiều hồ, đập không an toàn

Cũng trên nghị trường, trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) băn khoăn về vấn đề an toàn hồ, đập, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận đây đang là một vấn đề rất quan trọng.

Theo ông Cường, hiện nay cả nước có 6.336 hồ thủy lợi với tổng công suất, trữ lượng về nước tới 13,5 tỉ m3. Trong đó, có khoảng 821 hồ lớn với công suất từ 3 triệu m3 trở lên. Với số hồ lớn thì 10 năm qua đã dồn vào khoảng 13.000 tỉ đồng để rà soát sửa chữa, trong đó 700 hồ đã sửa chữa cơ bản, vận hành tốt. Hiện còn khoảng 1.730 hồ thủy lợi loại nhỏ (trong tổng số hơn 5.000 hồ loại dưới 3 triệu m3) là không bảo đảm an toàn. Do đó, Thủ tướng đã quyết định có 450 hồ được sử dụng gói tín dụng dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) để sửa chữa. Ngoài ra, trong mùa mưa bão vừa qua, Thủ tướng đã quyết định một gói 500 tỉ đồng để xử lý khoảng 84 hồ khác. "Còn lại khoảng 1.200 hồ thì hiện Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát xong, đang trình Thủ tướng chủ trương tới đây sẽ từng bước khắc phục nhằm bảo đảm an toàn hồ đập, quan trọng nhất là bảo đảm sản xuất và đời sống của nhân dân" - ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định.


Đánh giá lại tác động môi trường

Lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết đơn vị này đang phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư dự án để đánh giá lại tác động môi trường đối với dự án thủy điện Rào Trăng 3 do Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 làm chủ đầu tư. Việc đánh giá này là sau khi dự án này được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh công suất máy từ 11 MW lên 13 MW. Đây là 1 trong 4 thủy điện nằm trong khu bảo tồn, được tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt.

Theo quy hoạch, Thừa Thiên - Huế có 21 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch. Trong đó, có 12 dự án thủy điện nhỏ do địa phương quy hoạch và mới đây, tỉnh đã loại bỏ 7 dự án, thu hồi chứng nhận đầu tư 1 dự án.

tin tức liên quan