Ngã ba Đông Dương vun đắp tình hữu nghị

Ngày đăng: 07:40 14/12/2018 Lượt xem: 551


          Ngã ba Đông Dương vun đắp tình hữu nghị


                                 Nguồn:Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân


Tỉnh Kon Tum (Việt Nam), Attapeu, Sê Kông (Lào), Rattnakiri (Campuchia) có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử phát triển và từng đồng cam cộng khổ chiến đấu với kẻ thù chung, tạo nên tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác phát triển ở ngã ba Đông Dương..


Nghĩa tình biên giới

Nhiều người dân Campuchia vẫn còn khắc ghi nghĩa tình sâu nặng mà nhân dân tỉnh Kon Tum trong việc giúp đỡ họ lánh nạn diệt chủng Pôn Pốt năm 1975. Lúc đó, hơn 2.000 người Campuchia được nhân dân và chính quyền huyện Sa Thầy (Kon Tum) sắp xếp, bố trí nơi ăn ở, hỗ trợ nông cụ để sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhiều người sau khi thu xếp xong cho gia đình đã về nước chiến đấu, đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt và trở thành lãnh đạo cao cấp của chính phủ, tướng lĩnh quân đội Campuchia.

Lực lượng bảo vệ biên giới ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia chào cột mốc biên giới giữa ba nước.

Với nước bạn Lào, khi gặp Thiếu tướng Căn Nhay Xay Nhạ Xít, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Attapeu, được nghe ông kể câu chuyện tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi ai cũng xúc động và hiểu sâu sắc rằng, tình đoàn kết, hữu nghị Việt-Lào xuất phát từ tình cảm, ý chí của mỗi người dân. “Năm đó tôi 14 tuổi, làm liên lạc cho bộ đội Lào. Khi thấy bộ đội Việt Nam bị lính Mỹ vây nhiều ngày mà không tiếp tế được, tôi đã tình nguyện cõng lương thực, thuốc men cho bộ đội Việt Nam. Tôi nghĩ bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào như anh em trong nhà, nên tôi đã vượt qua mọi sự sợ hãi để giúp những người anh em Việt Nam”, Thiếu tướng Căn Nhay Xay Nhạ Xít kể lại.

Hiện nay, tại thôn Đăk Ba (Đăk Dục, Ngọc Hồi, Kom Tum) có 205 hộ với gần 1.000 nhân khẩu người dân tộc Giẻ Triêng và người Lào cùng chung sống hòa thuận. Xây dựng thôn thành khu dân cư kiểu mẫu của tỉnh Kon Tum là một biểu tượng đẹp về tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào. Anh A Bân ở thôn Đăk Ba tâm sự: “Năm 2010, gia đình tôi cùng với 60 hộ ở huyện Đăk Chưng (Sê Kông, Lào) được Đảng và Nhà nước Việt Nam cho nhập quốc tịch. Chúng tôi xác định đây là quê hương thứ hai của mình và sẽ đoàn kết với các dân tộc anh em trên địa bàn, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới”.

Lãnh đạo và lực lượng bảo vệ biên giới 4 tỉnh (Kon Tum, Attapeu, Sê Kông, Rattnakiri) trồng cây hữu nghị tại ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết: “Tỉnh Kon Tum có tuyến biên giới hơn 140km với hai tỉnh Sê Kông, Attapeu và gần 140km đường biên giới với tỉnh Ratanakiri. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chính quyền, nhân dân tỉnh Kon Tum cùng các tỉnh Sê Kông, Attapeu và Ratanakiri luôn đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ nhau để hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Trong 5 năm qua, tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ các tỉnh Sê Kông, Attapeu, Ratanakiri xây dựng trường học, bệnh viện và các công trình dân sinh… trị giá hơn 16 tỷ đồng. Các tỉnh Sê Kông, Attapeu, Ratanakiri cũng hỗ trợ tỉnh Kon Tum nhiều mặt, đặc biệt là trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ, đấu tranh phòng, chống tội phạm...”.

Tiềm năng hợp tác, phát triển

Kon Tum là tỉnh nằm trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Việt Nam-Lào, có nhiều lợi thế, tiềm năng hợp tác với các tỉnh nước bạn nhằm phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, an ninh, an toàn biên giới. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Kon Tum đã chủ động ký kết hơn 30 lượt thỏa thuận quốc tế dưới hình thức “Biên bản ghi nhớ” và tổ chức thành công nhiều cuộc giao lưu, hội nghị tăng cường hợp tác phát triển. Gần 8 năm qua đã có hơn 2,5 triệu lượt người với hơn 244.000 phương tiện xuất, nhập cảnh; kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu đạt 1 tỷ 191 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.340 tỷ đồng. Hiện có 3 doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum được cấp phép thực hiện 4 dự án đầu tư tại các tỉnh của Campuchia với tổng vốn đăng ký khoảng 1.034 tỷ đồng và 2 doanh nghiệp với 2 dự án đang đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Lào với tổng vốn đăng ký khoảng 747 tỷ đồng.

Ông Let Xay Nha Phon, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu cho biết: “Mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Attapeu với tỉnh Kon Tum rất toàn diện và hiệu quả. Không chỉ cùng nhau giữ vững trật tự, an ninh biên giới mà còn thúc đẩy các hoạt động thương mại, du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhiều dự án kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Attapeu được Chính phủ Việt Nam và tỉnh Kon Tum hỗ trợ hiệu quả, tiêu biểu như dự án nâng cấp đường nối Cửa khẩu quốc tế Phu Cưa với Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, trị giá 37 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, để tỉnh Kon Tum và các tỉnh nước bạn hợp tác toàn diện, hiệu quả, đặc biệt là trong thực hiện thỏa thuận Tam giác phát triển Campuchia-Việt Nam-Lào, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Quyết liệt hiện thực hóa quy hoạch tổng thể khu vực tam giác phát triển; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là đường giao thông, chợ biên giới, chợ cửa khẩu; bổ sung cửa khẩu phụ Hồ Le vào danh mục các cửa khẩu ưu tiên trong quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia đến năm 2020; kiến nghị viện trợ nguồn ODA cho Lào để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội cụm bản Đăk Bar (Đăk Chưng, Sê Kông); tăng cường đối ngoại quốc phòng, phối hợp tuần tra chung, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn trên tuyến biên giới ba nước.

tin tức liên quan