Lại chuyện Hội nghị Thành Đô

Ngày đăng: 09:48 18/12/2018 Lượt xem: 724


                LẠI CHUYỆN HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ


        Nguồn:FB Nhà báo Dương Đức Quảng (Nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, Văn phòng Chính phủ)


Ngày 15-12-2018, kỷ niệm 32 năm ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đại hội Đổi mới đất nước, mà tôi là phóng viên được tham dụ và đưa tin về Đại hội này, tôi có một bài viết về ông Nguyễn Văn Linh, người được Đại hội bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Bài viết của tôi được nhiều bạn đọc quan tâm bình luận, trong đó có bình luận của bạn Lam Nguyen Ngoc, nhắc tới Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Hội nghị Thành Đô năm 1990 với Trung Quốc mà ông Nguyễn Văn Linh tham dự, trong đó có câu: "Tôi mạo muội nói ra điều này những thăm tháng của Ngài Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh diễn ra hội nghị Thành Đô,những văn kiện đó không được công khai hóa,và trong ngoài đường phố nói là bán nước". Tôi đã trả lời bạn Lam Nguyen Ngoc những gì tôi biết về Hội nghị này. Điều đáng quan tâm là cho đến nay, đã qua gần 30 năm Hội nghị Thành Đô vẫn còn có người tin rằng đây là Hội nghị mà các nhà lãnh đạo Việt Nam "bán nước" cho Trung Quốc, thỏa thuận đến năm 2020 Việt Nam sẽ thành một tỉnh tự trị của Trung Quốc.

Bạn Hoang Ngan Thuong, một bạn trẻ tôi rất quý mến trên không gian mạng cũng đã dẫn một đường link giúp tôi bổ sung thêm thông tin trên Trang Google.tienlang từ năm 2014 để bạn đọc có thể biết thêm các thông tin liên quan đến vụ việc này

Nhân bạn Lam Nguyen Ngoc nhắc đến Hội nghị Thành Đô, hôm nay tôi xin đăng lại một số thông tin tôi biết về Hội nghị này, trong đó có Hồi ký cúa Trương Đức Duy, Đại sứTrung Quốc tại Việt Nam, sau này là Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, người có mặt tại Hội nghị, được đăng trên Trang tạp chí Nghiên cứu Quốc tế ngày 9-11-2014. Ngoài ra, cũng trên Trang này còn đăng cả Hồi ký của Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng về Hội nghị này.

Mong rằng những thông tin sau đây sẽ giúp cho những người nghe tin vịt về cái gọi là "Mật ước Thành Đô" mà bọn chống Cộng cực đoan vẫn rêu rao trên mạng là tại Hội nghị lãnh đạo Việt Nam đã "bán nước và làm tay sai cho Tàu Cộng" thực hư là như thế nào để khỏi tin vào các tin vịt đầy rẫy trên mạng hiện nay.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Lam Nguyen Ngoc Rất cảm xúc khi anh viết về Cựu Tổng bí thư Nguyễn văn Linh.Quan niệm cá nhân tôi đó là những việc không khoa trương của những nhà chính trị,và đó là những việc làm thuộc về chính trị để kiếm phiếu bầu.Quan trọng là trong nhiệm kỳ đó lãnh đạo đó đã làm thành công gì cho đất nước,làm gì cho người dân được sung sướng hơn.Tôi mạo muội nói ra điều này những thăm tháng của Ngài Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh diễn ra hội nghị Thành Đô,những văn kiện đó không được công khai hóa,và trong ngoài đường phố nói là bán nước.Tôi đã nghe điều này,tìm đọc tài liệu của cả phía chống đối đảng CSVN,nhưng chưa tìm thấy rõ ràng.Vậy Anh Dương Đức Quảng có thể cho biết thực hư như thế nào không.Thậm chí ngay cả những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam cũng nói không tốt đẹp về hội nghị Thành Đô,không phải họ biến chất họ cũng có lòng yêu nước,họ không phải diễn biến hòa bình.....Nếu tôi nói có điều gì không đúng mong anh bỏ qua hoặc block tôi lại.

Dương Đức Quảng. Lam Nguyen Ngoc Tôi xin viết ra đây những gì tôi biết. Nếu bạn đã đọc những tin tức trên mạng về Hội nghị Thành Đô thì sẽ thấy rất nhiều tin nói là tại Hội nghị này lãnh đạo Việt Nam đã thỏa thuận Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh tự trị của Trung Quốc vào năm 2020 và nhiều người tin là lãnh đạo VN đã "bán nước" cho TQ. Người đưa ra thông tin này đầu tiên là Kami, chủ trang tin Tin tức hàng ngày, một người Việt đang sống ở nước ngoài. Nhưng chính sau đó Kami đã viết lại rằng ông ta đã đưa tin vịt về sự kiện này, đưa ra "một con vịt cồ" mà nhiều người đã ăn phải! Bạn có thể tìm trên mạng để đọc Hồi ký của ông Trần Quang Cơ, cố Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hồi ức của Trương Đức Duy, cựu Đại sứ Trung Quốc tại VN trong thời gian diễn Hội nghị này những thông tin về Hội nghị. Theo đó, Hội nghị này do VN đề xuất để bàn việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau khi bị cắt đứt từ năm 1979, năm xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược của TQ ở biên giới phía Bắc nước ta. Phía TQ yêu cầu trước khi bàn việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước thì VN phải rút quân ra khỏi Campuchia và hai bên cần bàn và thống nhất về một giải pháp chính trị cho Campuchia. Hội nghị Thành Đô chỉ có hai nội dung chính như vậy, không có chuyện VN thỏa thuận trở thành một tỉnh tự trị của TQ như nhiều người đã ăn phải "vịt cồ" của Kami! Chúng ta đợi hơn một năm nữa sẽ thấy câu trả lời rõ ràng như thế nào. Nhưng ngay bây giờ chỉ cần đặt câu hỏi: Nếu đúng như tin đồn VN trở thành một tỉnh tự trị của TQ vào năm 2020 thì cần gì phải bỏ ra công sức và trí tuệ trong nhiều năm để bàn và đi đến ký kết Hiệp định phân định và sau đó cắm mốc trên biên giới quốc gia giữa hai nước! Cứ để nguyên như cũ, đằng nào năm 2020 VN đã thành tỉnh tự trị của TQ thì TQ việc gì thỏa thuận và ký kết Hiệp định phân định và cắm mốc trên biên giới với VN!? Tôi nghĩ nội dung của Hội nghị Thành Đô năm 1990 giữa hai nước VN và TQ đến nay chưa/ hoặc không được công bố là vì hai nước đã bàn vấn đề Campuchia "trên đầu Campuchia" mà Campuchia không được biết, không được tham dự!

 

HỒI KÝ CỦA TRƯƠNG ĐỨC DUY, ĐẠI SỨ TRUNG QUỐC TẠI VIỆT NAM VỀ HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ

(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu quốc tế, ngày 9-11-2014)

(Trích, người dịch Quốc Thanh)


 

“….Vào 1 giờ chiều, chiếc chuyên cơ hạ cánh đúng giờ xuống Sân bay Thành Đô. Khi đoàn đại biểu tới Nhà khách Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] và Thủ tướng Lý [Bằng] đứng trước cửa nhà khách đón khách. Sau khi chủ và khách đã ngồi cả trong nhà khách, hai bên hỏi han lẫn nhau đồng thời tiến hành trao đổi đơn giản.

Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] giải thích: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình đi nghỉ ở xa, nên lần này không gặp các vị được”. Cuộc gặp mặt đơn giản kết thúc xong thì nghỉ ngơi một lúc, đến 3 giờ chiều, hai bên bắt đầu tiến hành hội đàm chính thức vòng đầu. Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] bắt đầu bằng một phát biểu ngắn, tiếp theo Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đọc lời mở đầu theo một bản đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] trình bày một cách có hệ thống về giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia và mối quan hệ Trung-Việt.


 

Thủ tướng Lý [Bằng] phát biểu kĩ hơn về giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia. Sau khi nghỉ 15 phút, Nguyễn Văn Linh làm một bài phát biểu dài, nhấn mạnh trước đây Trung Quốc đã dành sự ủng hộ và giúp đỡ hết sức to lớn cho cách mạng Việt Nam và các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, Đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên; ông bày tỏ bây giờ nguyện sẽ cùng với phía Trung Quốc nỗ lực giải quyết tốt vấn đề Campuchia, sớm thực hiện bình thường hóa quan hệ hai nước, khôi phục lại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt-Trung.

Chủ tịch Đỗ Mười cũng có bài phát biểu tương ứng, bày tỏ phía Việt Nam nguyện cùng với phía Trung Quốc giải quyết thật tốt vấn đề Campuchia, sẽ tiến hành nghiên cứu kĩ lưỡng phương án giải pháp do phía chúng ta đề xuất. Hội đàm vòng đầu chủ yếu xoay quanh việc Việt Nam rút quân triệt để khỏi Campuchia và vấn đề thành lập bộ máy quyền lực lâm thời – Hội đồng tối cao Campuchia (tức phương án phân bổ quyền lực) sau khi rút quân.

Sau tiệc chiêu đãi tối, các ban làm việc của hai bên đã tiến hành bàn bạc căng thẳng từng chi tiết trong Phương án giải pháp cho vấn đề Campuchia, theo chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo từng bên, nhằm chuẩn bị tốt cho cuộc hội đàm chính thức vào ngày hôm sau, đồng thời bên phía ta đề nghị soạn thâu đêm luôn một bản dự thảo văn kiện chung.

Sáng ngày hôm sau tổ chức hội đàm vòng hai, trọng điểm là vấn đề Campuchia. Qua nỗ lực suốt cả một đêm của các ban làm việc hai bên, cả hai bên đã dần đi đến nhất trí đối với Phương án giải pháp cho vấn đề Campuchia. Nhưng trong hội đàm vòng hai vẫn còn xuất hiện một điểm bất đồng, đó là việc lập ra Hội đồng tối cao Campuchia gồm 13 đại biểu do phía ta đề xuất, phân bổ cụ thể là: 6+2+2+2+1 (tức phái Hun Sen 6 người, phái Campuchia dân chủ 2 người, phái Sihanouk 2 người và phái Son Sann 2 người + đích danh Sihanouk làm Chủ tịch).

Đỗ Mười bày tỏ tán thành để Sihanouk làm Chủ tịch Hội đồng tối cao Campuchia, nhưng cho rằng nên gộp Sihanouk vào trong danh mục phái Sihanouk, hai bên mỗi bên một nửa đã là thiệt cho Phnom Penh rồi, nếu như bên phái đối lập lại còn nhiều hơn 1 người, thì như vậy là không công bằng. Phía ta trình bày theo lý chủ trương và đòi hỏi rộng rãi của cộng đồng quốc tế, chứng tỏ phương án này là thích hợp nhất. Trong giờ nghỉ, Nguyễn Văn Linh đã có cuộc hội ý lại với Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng.

Trong buổi tiệc, Nguyễn Văn Linh thay mặt phía Việt Nam bày tỏ sự nhất trí toàn bộ với phương án do phía ta đề xuất, đồng thời nói sau khi về nước sẽ làm việc ngay với Phnom Penh, đồng thời cũng mong Trung Quốc thúc đẩy thực hiện việc hòa giải thực sự giữa Khơme Đỏ với Phnom Penh. Đến đây, vấn đề Campuchia đã được bàn bạc ổn thỏa, trở ngại lớn nhất trong quan hệ Trung-Việt đã được loại bỏ.

Tiếp đến, vấn đề khôi phục lại quan hệ giữa hai nước hai Đảng được bàn bạc trao đổi một cách khá thuận lợi, không gợi lại quá nhiều nợ nần cũ. Sau khi hai vấn đề lớn trong cuộc hội đàm lần này đã được trao đổi ổn thỏa, Tổng bí thư Giang Trạch Dân bày tỏ, giữa hai nước chúng ta từ đây có thể “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, đồng thời dùng hai câu thơ của Lỗ Tấn [2] “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại/ Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu”[3] làm lời kết cho cuộc hội đàm nội bộ lần này.
Phía Việt Nam bày tỏ hết sức mĩ mãn và phấn khởi trước thành quả của cuộc hội đàm lần này. Cuối cùng, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đề nghị, hai bên cần kí vào một bản kỷ yếu về thành quả của cuộc hội đàm lần này, Nguyễn Văn Linh vui vẻ đồng ý. Chiều hôm đó, trước khi Đoàn đại biểu Việt Nam rời Thành Đô, Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười đã cùng nhau kí vào bản “Kỷ yếu hội đàm Thành Đô” mang ý nghĩa lịch sử.

Sau khi đoàn Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng nói lời tạm biệt với Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và các đồng chí Tằng Khánh Hồng, Tề Hoài Viễn, Chu Thiện Khanh…, đã đáp lên chiếc chuyên cơ của phía ta rời Thành Đô bay tới Nam Ninh, dừng ở Nam Ninh rồi đổi ngay sang chuyên cơ của phía Việt Nam bay về Hà Nội. Tôi cũng ngẫu nhiên đi theo Đoàn đại biểu Việt Nam quay về Hà Nội.

Trên đường về, không khí trong khoang máy bay khác hẳn với lúc đến. Các vị lãnh đạo trao đổi bàn bạc nhiều, những người khác cũng nói cười vui vẻ. Chủ nhiệm Văn Phòng Trung ương Đảng Hồng Hà phấn khởi nói với tôi: “Cuộc gặp lần này rất thành công, quá tốt!” Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bích Sơn cũng tràn đầy phấn khởi nói, về đến Hà Nội tôi sẽ mở tiệc mời đồng chí Đại sứ thưởng thức toàn những món ăn có tiếng của Việt Nam.

Một lúc sau, Chủ tịch Đỗ Mười đi lại phía tôi hỏi: “Nguyên văn hai câu thơ mà đồng chí Giang Trạch Dân trích dẫn đọc thế nào ấy nhỉ?” Tôi dùng ngay âm đọc Hán Việt (chú thích: Trong Nho học Việt Nam có một phép đọc cố định đối với chữ Hán) đọc lại một lượt cho ông ấy nghe, ông ấy còn bắt tôi viết nguyên văn ra, rồi nhờ tôi dịch ra tiếng Việt.

Đỗ Mười xem cả nguyên văn lẫn phần dịch ra tiếng Việt hai lần rồi bảo: “Đồng chí Giang Trạch Dân dẫn hai câu thơ này vào lúc kết thúc hội đàm là quá xác đáng!”. Về Hà Nội được ít ngày, tôi lại đọc được một bài thơ do Nguyễn Văn Linh viết thể hiện tâm trạng cảm khái cùa mình sau thành công của cuộc “Hội đàm Thành Đô”: “Huynh đệ chi giao sổ đại truyền/ Oán hận khuynh khắc hóa vân yên/ Tái tương phùng thời tiếu nhan triển/ Thiên niên tình nghị hựu trùng kiến” [4]


Nguồn: 中越高层成都会晤的前前后后 – Mạng Báo buổi sáng Liên hợp.
[1] Quảng Đông – Quảng Tây –ND
[2] Chỗ này tác giả nhầm. Đây là hai câu thơ của nhà thơ đời Thanh Giang Vĩnh. – ND
[3] Tạm dịch: Trải qua cơn sóng gió/ tình anh em vẫn còn/ Gặp nhau cười một cái quên hết oán thù . – ND
[4] Tạm dịch: Anh em chơi với nhau đã mấy thế hệ/ Oán hận trong khoảnh khắc đã biến thành mây khói/ Khi gặp lại nhau cười rạng rỡ/ Tình nghĩa ngàn năm xây dựng lại -ND.
Video tham khảo: 中越高层成都秘密会晤 一年后关系正常化 – Cuộc gặp mật cấp cao Trung-Việt ở Thành Đô – Một năm sau, bình thường hóa quan hệ.
Trương Đức Duy“
Nguồn: Facebook Dân Choa

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và bộ vét
 
 
tin tức liên quan