Mỹ cảm ơn Việt Nam vì tổ chức họp Trump - Kim lần hai

Ngày đăng: 01:36 12/02/2019 Lượt xem: 360
 

            Mỹ cảm ơn Việt Nam vì tổ chức họp Trump - Kim lần hai


                                                     Nguồn:Báo Điện tử VnExpress


Mỹ cho rằng Việt Nam là minh chứng cho thấy hai nước cựu thù có thể khép lại quá khứ xung đột để trở thành đối tác.



 
 
my cam on viet nam vi to chuc hop trump kim lan hai
 

Tổng thống Mỹ Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: AFP.

 

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang ngày 5/2, Tổng thống Trump thông báo Việt Nam là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai ngày 27 và 28/2.

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino ngày 7/2 cảm ơn Việt Nam, nói rằng lịch sử Việt - Mỹ "phản ánh khả năng đạt được hòa bình và thịnh vượng", theo Reuters.

 

"Chúng tôi đã khép lại quá khứ xung đột và bất hòa để đi theo con đường hợp tác chặt chẽ ngày nay", Palladino nhấn mạnh.

 

Giới quan sát quốc tế nhận định Việt Nam có quan hệ tốt với cả Triều Tiên và Mỹ. Việt - Mỹ từng là kẻ thù trong chiến tranh nhưng đã bình thường hóa quan hệ năm 1995. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên đến 52 tỷ USD năm 2016, Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

 

Với Triều Tiên, Việt Nam là đồng chí, anh em từng ủng hộ, hỗ trợ nhau trong chiến tranh và trên các diễn đàn quốc tế.

 

Mỹ từng giao tranh với Triều Tiên trong cuộc chiến 1950 - 1953. Về mặt lý thuyết, cuộc chiến này chưa kết thúc vì các bên mới chỉ ký hiệp định ngừng bắn chứ chưa ký hiệp ước hòa bình.

 

Tình hình bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt đáng kể sau khi Trump và Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore năm ngoái. Tuy nhiên, hai nước không đạt được tiến bộ đáng kể trong đàm phán phi hạt nhân hóa, do bất đồng trong cách hiểu về khái niệm này. Tổng thống Mỹ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh lần hai sẽ giúp hai nước xóa bỏ các bất đồng và đạt được bước tiến thực chất trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

tin tức liên quan