Nhà văn Nguyễn Như Phong: "Đến cửa chùa nhét tiền vào tay Phật là u mê, lú lẫn"
Nhà văn Nguyễn Như Phong: "Đến cửa chùa nhét tiền vào tay Phật là u mê, lú lẫn"
Nguồn:Báo Điện tử VTC
Đến cửa chùa mà nhét tiền vào tay Phật thì quả là làm tổn hại thanh danh của Phật, của Bồ Tát, điều này cũng là biểu hiện của người u mê, lú lẫn - Nhà văn Nguyễn Như Phong chia sẻ.
Bao giờ cũng vậy, cứ vào dịp đầu năm là các chùa, đền, miếu, phủ lại nườm nượp người đến lễ bái, cầu cúng, xin xỏ…
Và cũng chưa khi nào thấy Việt Nam lại "hào hứng” với việc xây dựng các khu “văn hóa tâm linh” với những quy mô không lồ như vậy. Nào là Bái Đính, nào là Ba Vàng, rồi sắp tới đây lại có Tam Chúc ở Hà Nam. Nơi thì sẽ là “lớn nhất thế giới”, nơi thì “lớn nhất Đông Nam Á".
Vậy là điều gì đang xảy ra với đời sống tâm linh của người Việt hiện nay? Có phải người Việt đang u mê, đang mất niềm tin vào cuộc sống đến mức phải nhờ cậy các thế lực siêu nhiên, vô hình là Thần, Thánh, Phật, Chúa… che chở, ban cho sức khỏe, cho may mắn, thậm chí cho quyền chức, cho xe hơi, nhà lầu.
Có phải các thế lực siêu nhiên thực sự có quyền năng không? Và có phải người Việt do văn hóa kém, do trình độ hiểu biết hạn chế nên mới tìm về với Chúa, với Phật hay không?
Trước hết, tôi xin khẳng định là: Không hẳn như vậy! Bởi lẽ, ở các nước phát triển, nhu cầu lễ bái, nhu cầu tìm kiếm sức mạnh từ các thế lực siêu nhiên là ngày một tăng. Và kinh tế càng phát triển thì người ta đi coi bói, xem tử vi và đi lễ đền thờ, lễ chùa ngày càng đông.
Vậy tại sao lại có hiện tượng này. Lý giải xem ra không khó, chỉ vì: Rủi ro đến với con người ở xã hội hiện đại, phát triển ngày một nhiều. Và con người không có cách nào đoán trước sự rủi ro đó, cho nên chỉ còn một cách là dựa vào thần linh, bói toán.
Tất nhiên, ở Việt Nam, việc cầu cúng, lễ bái có tính mê tính dị đoan đang là “không bình thường”, một nguyên do cũng là sự “an toàn” của người dân ngày càng mỏng manh, rủi ro đến từ nhiều phía mà người dân không thể nào lường trước được. Và không thể không nói đến là lòng tin của người dân vào xã hội cũng giảm sút nhiều. Người ta không tin được chính vào sức mình, cho nên mới phải dựa vào Thần, Phật.
Đi vào chùa lễ Phật, đi đến nhà thờ lễ Thánh là những nghi lễ tôn giáo và đình, chùa, nhà thờ là nơi giúp con người tìm về chân Tâm, và tự răn dạy mình phải sống lương thiện, phải từ bi, hỉ, xả và phải biết giúp đỡ người khác – Đó là ý nghĩa đích thực của những tôn giáo lớn và cũng là mong muốn của Đức Phật, của Chúa Giesu, của Thánh Ala…
Báng bổ Thần, Thánh, Phật, Chúa …chính là thể hiện cho sự kém hiểu biết, và kẻ nào không có đời sống tâm linh phong phú, thì điều ác nào họ cũng dám làm.
Nhà văn Nguyễn Như Phong
Báng bổ Thần, Thánh, Phật, Chúa chính là thể hiện cho sự kém hiểu biết, và kẻ nào không có đời sống tâm linh phong phú, thì điều ác nào họ cũng dám làm.
Tuy nhiên, việc gắn tâm linh với những hủ tục quái gở, thậm chí là dã man, không văn minh thì thật là những người mê muội. Rồi đến cửa chùa mà nhét tiền vào tay Phật thì quả là làm tổn hại thanh danh của Phật, của Bồ Tát. Điều này cũng là biểu hiện của người u mê, lú lẫn.
Còn việc xây dựng các khu “ văn hóa tâm linh” có quy mô đồ sộ thì sao?
Theo tôi, trước nhu cầu tâm linh ngày càng cao, và do dân số tăng, bên cạnh đó là nhu cầu giải trí, văn hóa, nghỉ ngơi cũng ngày càng nhiều cho nên cần xây dựng thêm các cơ sở thờ tự là cần thiết. Và việc gắn cơ sở tôn giáo với khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi… cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng và có sự nghiên cứu khoa học, quan trọng nhất là: Không được để tình trạng lợi dụng tôn giáo để kiếm tiền.
Khái niệm “kinh tế tôn giáo” đã có từ rất lâu: Nhà chùa, nhà thờ được chính quyền tạo điều kiện cho để làm kinh tế, tự nuôi sống mình và giúp đỡ chúng sinh, như cấp đất cho cấy hái, hoặc giúp đỡ cho tổ chức sản xuất trong khuôn viên cơ sở thờ tự. Trên thế giới, có nhiều công ty của Giáo hội Thiên chúa giáo, giáo hội Phật giáo rất lớn, và không ai dám phê phán sự hoạt động đáng khuyến khích này.
Nhưng gần đây, khái niệm “tôn giáo kinh tế” lại có xu hướng phát triển. Thực chất của khái niệm này là: Lợi dụng tôn giáo để làm kinh tế. Và ở Việt Nam, đã có một số doanh nhân lợi dụng cửa Phật để kiếm tiền, điển hình như là khu Bái Đính.
Người dân u muội, mê tín, trông mong vào sự ban phát bổng lộc của Thần, Thánh, Phật… thì chỗ nào cũng có thể đặt lễ, khấn vái, xin xỏ, dù đó chỉ là gốc cây, hòn đá, chưa chưa nói đến những nơi có chùa to, Phật lớn.
Và điều đáng buồn là chính một số nhà tu hành cũng đã lợi dụng sự u mê của chúng sinh để kiếm tiền. Những tu hành chân chính biết rất rõ những việc làm mang tính lợi dụng tôn giáo để kiếm tiền này, nhưng cũng bất lực. Bởi lẽ, nhu cầu kiếm tiền ở thời buổi “kinh tế thị trường” để sống, để tồn tại là đương nhiên và là lý tưởng của con người.
Cũng chính vì “phải có tiền để tồn tại”, nên rất nhiều nhà tu hành ngoài việc hoằng pháp cho chúng sinh thì còn phải “kiêm nhiệm” thêm nghề coi bói, xem tướng, làm thêm việc của pháp sư, của thầy phong thủy, phải biết cúng, biết gọi hồn, gọi vía…Những việc làm này, chính là một phần căn nguyên để khiến Phật giáo ngày càng nhuốm màu sắc mê tín.
Người ta không biết rằng Phật không cho ai cái gì, không ban phát bổng lộc, chức tước cho ai. Phật chỉ là người đốt lên ngọn đuốc soi cho chúng sinh thấy con đường thoát khỏi đau khổ, và mọi người phải tự mà đi. Mà muốn đi được thì phải có hiếu với cha mẹ, siêng năng lao động, sống giản dị, tiết kiệm, biết lo cho mình và giúp đỡ người khác, và có tâm Từ-Bi-Hỉ-Xả. Còn cầu cúng nơi cửa Phật để cầu tài, cầu lợi, cầu danh… thì đích thị đó là kẻ mê muội!
Còn những ai đang lợi dụng tôn giáo để kiếm tiền thì chắc khó thoát khỏi nghiệp báo.