“Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc Từ cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc sau 40 năm nhìn lại” – Hoàng Kiền (Tiếp theo)

Ngày đăng: 06:52 18/02/2019 Lượt xem: 660
QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC
TỪ CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
SAU 40 NĂM NHÌN LẠI.
Tác giả: Thiếu tướng Hoàng Kiền - Anh hùng LLVTND Việt Nam,
nguyên Tư lệnh Công binh Việt Nam.

 
PHẦN II

NHỮNG HÀNH ĐỘNG THÙ ĐICH 
TRUNG QUỐC ỦNG HỘ, KÍCH ĐỘNG KHMER ĐỎ
GÂY RA CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM VỚI VIỆT NAM

         Được Trung Quốc và Việt Nam giúp đỡ, Khmer Đỏ đa đưa quân tiến vào thủ đô Phnom Pênh ngày 17/4/1975, đánh đổ chế độ Lon Lon, lập nên chế độ Campuchia Dân Chủ. Ngay sau khi Miền Nam Việt Nam được giải phóng, Khmer Đỏ đã phản bội Việt Nam. Được Trung Quốc xúi dục, viện trợ, họ quay ra thù địch với Việt Nam ngày càng trắng trợn.

         Quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng đi xuống, thể hiện ngay từ tháng 5 năm 1975 khi Khmer Đỏ cho quân đánh chiếme các đảo Phú Quốc và Thổ Chu và bắt đi hàng trăm dân thường. Hoạt động chống phá Việt Nam lên cao trào vào những năm 1977-1978 khi Khmer Đỏ nhiều lần đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát hàng chục nghìn dân thường. Trong suốt thời gian đó và cả về sau, Trung Quốc luôn là nước viện trợ đắc lực cho Khmer Đỏ về vũ khí, khí tài cũng như cố vấn quân sự. Chính phủ Việt Nam nhiều lần đề nghị Trung Quốc giúp đỡ dàn xếp quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, song Trung Quốc im lặng. Bên cạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc và Campuchia không thành công. Việt Nam tin rằng Trung Quốc đang sử dụng Campuchia để tấn công Việt Nam.
         Từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1977, Pol Pot có chuyến thăm tới Trung Quốc, nhằm thắt chặt quan hệ đồng minh giữa hai nước.
         Ngày 20/11/1977, ông Lê Duẩn sang thăm Trung Quốc. Trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Lê Duẩn và Hoa Quốc Phong, mặc dù hai bên đều tránh nói đến những tranh chấp về Hoàng Sa, Trường Sa, song sự khác biệt về quan điểm đối với việc nhìn nhận thế giới, chiến tranh và hòa bình bộc lộ ngày càng rõ. Ông Lê Duẩn cũng đề nghị những nhà lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu Campuchia Dân chủ chấp nhận một giải pháp cho cuộc xung đột trên tuyến biên giới Tây Nam, nhưng Trung Quốc không quan tâm. Cuối cùng, giống như chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 9 năm 1975, ông Lê Duẩn cũng đã ra về mà không mở tiệc đáp lễ Trung Quốc.
         Tháng 12 năm 1977, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Đông Hưng tới thăm Campuchia và đi thị sát những vùng gần biên giới Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Phó Thủ tướng Uông Đông Hưng tuyên bố: "Không một lực lượng nào có thể đứng cản trở quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Campuchia, hai nước sẽ là đồng chí với nhau mãi mãi".
         Cuối năm 1977, các văn kiện của Quân khu Quảng Châu luôn nhấn mạnh tinh thần "phải chuẩn bị các mặt để đánh Việt Nam", tuyên truyền: "Việt Nam là tay sai của Liên Xô, có tham vọng xâm lược Campuchia, Lào, chiếm Đông Nam Á, thực hiện bá quyền khu vực, phải đánh cho bọn xét lại Việt Nam, không đánh là không thể được và phải đánh lớn. Việt Nam là tiểu bá ở châu Á, xâm lược Campuchia, xua đuổi người Hoa".
         Tháng 1 năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ giải quyết cuộc xung đột Việt Nam - Campuchia. Một lần nữa Trung Quốc không đáp ứng. Cũng trong tháng 1 năm 1978, bà Đặng Dĩnh Siêu, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc sang thăm Phnom Penh và ký một hiệp định xúc tiến viện trợ quân sự cho Campuchia Dân chủ, bắt đầu chuyển vũ khí đến Campuchia. Trong chuyến thăm, bà Đặng Dĩnh Siêu cũng tuyên bố, Trung Quốc sẽ không tha thứ cho một cuộc tấn công nào vào đồng minh của họ. Trung Quốc cũng hủy bỏ hiệp ước về lãnh sự với Việt Nam. Ngày 17/6/1978, Trung Quốc yêu cầu các lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh, Quảng Châu và Nam Ninh phải dời về nước. Ngày 12/7/1978, lần đầu tiên, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công khai buộc tội Việt Nam "tìm cách sáp nhập Campuchia vào một Liên bang Đông Dương dưới sự thống trị của Việt Nam". Ngày 4/11/1978 (một ngày sau khi Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác), Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Uông Đông Hưng sang Campuchia để bày tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Campuchia

         Quân đội Khmer Đỏ được Trung Quốc viện trợ toàn diện và cử cố vấn sang huấn luyện, chỉ đạo các mặt. Chúng đã đưa quân xâm nhập lãnh thổ phía tây nam của Việt Nam, tàn sát nhân dân Việt Nam vô cùng dã man, tàn bạo. Chúng đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Việt Nam.
         Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia do ông Hengxamrin đứng đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng quân đội giải phóng Campuchia tiến hành cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn Campuchia, đánh đổ chế độ Polpot, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. LolPot cùng chính phủ và tàn quân chạy sang Thai Lan lưu vong , được sự giúp đỡ của Trung Quốc và một số nước tiếp tục chống trả quyết liệt, kéo dài đến năm 1989.

         Khi Khmer Đỏ bị đánh đổ, chính phủ lưu vong vẫn được liên hợp quốc công nhận, Trung Quốc và và một số nước lớn, một số nước Đông Nam Á và trên thế giới vẫn ủng hộ chúng, chống Việt Nam. Họ cho là Việt Nam xâm lược Cam Pu Chia, họ thấy tội ác của Khmer Đỏ nhưng vẫn làm ngơ. Họ đã công nhận chế độ Khmer Đỏ khi chúng bị đánh bại, lưu vong sang Thái Lan, ghế của Campuchia tại Liên hợp quốc suốt mười năm vẫn do Khmer Đỏ nắm giữ. Đây là một sai lầm, lịch sử sẽ lên án.

TRUNG QUỐC GÂY RA SỰ KIỆN NGƯỜI HOA

         Tôi học xong năm thứ 2 tại Trường Đại học kỹ thuật quân sự, có kế hoạch nghỉ hè về quê cưới vợ. Đột nhiên có lệnh cấm trại toàn quân, không rõ vì sao. Ở nhà đã chuẩn bị hết cả, tôi phải lên trực tiếp gặp thủ trưởng nhà trường báo cáo trình bày mới được về tranh thủ 5 ngày cưới vợ.
         Ngày 26/7/1978 tôi trở lại trường. Trên chuyến tàu Thống Nhất từ TP Hồ Chí Minh ra, tôi lên ga Nam Định, quang cảnh thật hỗn độn. Trên tất cả các toa xe người Hoa từ TP Hồ Chí Minh ra nằm kín hết các sàn toa, đủ cả người già trẻ con người lớn với đồ đạc mang theo. Lên tàu từ Hà Nội đi Vĩnh Yên cũng cảnh tượng như thế, họ kéo nhau về Trung Quốc. Sau tôi mới được phổ biến là Trung Quốc gây ra “ Sự kiện người Hoa “

         Theo sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ttrong 30 năm qua” - một văn kiện quan trọng được Bộ Ngoại giao nước CNXHCN Việt Nam công bố ngày 4/10/1979.
         Trước khi chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc dài hơn 1.000km, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã điên cuồng sử dụng nhiều thủ đoạn chống Việt Nam, từ chỗ còn giấu mặt cho đến khi ra mặt công khai.

         Văn kiện tuyệt mật của Quân ủy TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc do tên Lê Xuân Thành (công an Trung Quốc, bị bắt ngày 30/3/1973 tại xã Ngư Thủy, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình khi luồn sang Việt Nam làm gián điệp) công khai, trong đó có đoạn: "...Nước ta và nhân dân Việt Nam có mối hằn thù dân tộc hàng nghìn năm nay... Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ. Ngược lại chúng ta phải tìm mọi cách làm cho nước họ ở trong tình trạng không mạnh, không yếu mới có thể buộc họ ở trong tình trạng hiện nay... Về bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta..."
          Dùng vấn đề người Hoa để chống Việt Nam từ bên trong. Việc sử dụng lực lượng Hoa kiều làm “đạo quân thứ năm” là một trong những thủ đoạn nhằm phục vụ chính sách bành trướng và bá quyền của Bắc Kinh.

         Ở Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người Hoa sinh sống (gần 1 triệu người ở miền Nam, trên 20 vạn người ở miền Bắc). Năm 1955, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thỏa thuận người Hoa ở miền Bắc Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo và dần dần chuyển thành công dân Việt Nam. Thực tế là người Hoa ở miền Bắc được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ như công dân Việt Nam. Còn người Hoa ở miền Nam, từ năm 1956 dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, đã vào quốc tịch Việt Nam để được hưởng nhiều điều kiện dễ dàng trong việc làm ăn, sinh sống.
         Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện sự thỏa thuận năm 1955 giữa hai Đảng về người Hoa ở miền Bắc, đồng thời tôn trọng thực tế lịch sử về người Việt gốc Hoa ở miền Nam, coi người Hoa ở cả hai miền là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Số ít người mang căn cước Đài Loan, Hồng Kông hoặc quốc tịch nước khác và số Hoa kiều bị bọn Pol Pot - Ieng Sary xua đuổi và tỵ nạn sang miền Nam thì được coi là ngoại kiều.
         “Ngược lại, những người cầm quyền Trung Quốc xuyên tạc sự thỏa thuận năm 1955 giữa hai Đảng, phủ nhận thực tế lịch sử về những người Việt gốc Hoa ở miền Nam Việt Nam, coi tất cả người Hoa ở cả hai miền là kiều dân Trung Quốc để đòi quyền lãnh đạo những người ấy. Trên thực tế, họ lập các tổ chức phản động và màng lưới gián điệp người Hoa trên đất Việt Nam.
         Các tổ chức gọi là “Hoa kiều hòa bình liên hiệp hội”, “Hoa kiều tiến bộ”, “Hoa kiều cứu vong hội”, “Đoàn thanh niên chủ nghĩa Mác – Lênin”, “Hội học sinh Hoa kiều yêu nước”, “Mặt trận thống nhất Hoa kiều”… do Bắc Kinh thành lập và chỉ huy, đã hoạt động chống lại các chính sách của chính quyền, chống lệnh đăng ký nghĩa vụ quân sự, chống việc đi xây dựng vùng kinh tế mới, kích động tâm lý huyết thống trong người Việt gốc Hoa, khơi lên phong trào đòi trở lại quốc tịch Trung Quốc. Họ in tiền giả, đầu cơ tích trữ, nâng giá hằng nhằm phá kế hoạch ổn định và phát triển kinh tế của các cơ quan Nhà nước ở miền Nam Việt Nam.
         Với những thủ đoạn đó, những người cầm quyền Bắc Kinh đã gây thêm bao khó khăn cho nhân dân miền Nam Việt Nam vốn đã gặp biết bao khó khăn do ba mươi năm chiến tranh của đế quốc để lại, khiến cho nhiều người về sau bỏ nước ra đi tìm một nơi mà họ cho là dễ làm ăn hơn. Bắc Kinh đã dùng người Hoa làm công cụ gây rối loạn về chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam như họ đã làm ở một số nước Đông Nam Á và Nam Á” .

           Cái gọi là vấn đề “nạn kiều”
         Theo sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”. Khi giấu mặt chống Việt Nam không đạt hiệu quả mong muốn, những người cầm quyền Trung Quốc quay ra công khai chống Việt Nam bằng mọi thủ đoạn, kể cả bằng đe dọa vũ lực và dùng vũ lực. Đầu năm 1978, những người cầm quyền Trung Quốc dựng lên cái gọi là vấn đề “nạn kiều” để mở đầu một chiến dịch quy mô công khai chống nước CHXHCN Việt Nam.
         Sự thật là chính các tổ chức bí mật người Hoa, mạng lưới gián điệp của sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, được sự chỉ đạo hàng ngày, hàng giờ của bộ máy tuyên truyền Bắc Kinh, bằng những sự bịa đặt trắng trợn, những luận điệu vu cáo Việt Nam “xua đuổi, bài xích, khủng bố người Hoa”, bằng các thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, dụ dỗ, dọa nạt, đã gây nên trong quần chúng người Hoa đang làm ăn yên ổn ở Việt Nam một tâm trạng hoang mang, lo sợ chiến tranh sắp nổ ra, một tâm lý nghi ngờ, thậm chí thù ghét người Việt Nam, khiến họ ồ ạt kéo đi Trung Quốc.
         Bọn tay chân của Trung Quốc tổ chức cho những người đó vượt biên giới trái phép rồi lại chặn họ lại, gây ra ùn tắc ở biên giới Việt - Trung để dễ bề kích động họ chống lại và hành hung các nhà chức trách Việt Nam ở địa phương. Lúc dòng người Hoa ùn ùn kéo đi Trung Quốc, Bắc Kinh lại trắng trợn đưa hai tàu sang Việt Nam đón “nạn kiều”, mặc dù họ không hề nêu trước vấn đề đó với Chính phủ Việt Nam. Chỉ trong vòng mấy ngày tháng đầu, 17 vạn người Hoa đã rời Việt Nam đi Trung Quốc.
         “Cái gọi là vấn đề “nạn kiều” chỉ là một sự cưỡng bức người Hoa ở Việt Nam ồ ạt di cư đi Trung Quốc mà thủ phạm chính là tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh, một sự lừa gạt và một sự phản bội của họ nhằm gây xáo trộn về chính trị, xã hội, kinh tế ở Việt Nam, hòng khuất phục nhân dân Việt Nam, đồng thời kích động dư luận Trung Quốc, chuẩn bị sẵn sàng “đạo quân thứ năm” cho việc tiến hành xâm lược Việt Nam trong bước sau” -

         Cũng theo văn kiện này của Bộ Ngoại giao Việt Nam, vốn là những người làm ăn sinh sống lâu đời ở Việt Nam, thông thạo địa hình, phong tục, tập quán, có nhiều cơ sở quen thuộc cũ, có khả năng nắm được nhiều tin tức, tình hình nên những người Hoa ở Việt Nam đi Trung Quốc đã được bọn bành trướng Bắc Kinh chọn lựa để đưa vào những “sư đoàn sơn cước” chuyên đánh rừng núi, thọc sâu vào hậu phương, hoặc những đơn vị đi trước mở đường, hoặc những đơn vị thám báo, dẫn đường, bắt cóc, ám sát, phá hoại cầu cống, kho tàng của Việt Nam. Nhiều tên trong bọn chúng đã bị bắt trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ ngày 17/2/1979.
         Trước quyết tâm của nhân dân Việt Nam giữ vững chủ quyền của mình, những người cầm quyền Bắc Kinh buộc phải rút hai chiếc tàu đi đón “nạn kiều” về nước, ngồi vào đàm phán với phía Việt Nam về việc giải quyết vấn đề người Hoa. Nhưng trong đàm phán, họ vẫn giữ thái độ nước lớn, ngang ngược áp đặt quan điểm vô lý của họ, bất chấp chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam và luật pháp quốc tế. Chính họ đã cố tình phá hoại cuộc đàm phán đó để tiếp tục dùng vấn đề người Hoa chống Việt Nam
         Cắt viện trợ, rút chuyên gia
         Sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” cho hay, nếu những năm 1969 – 1970, những người lãnh đạo Trung Quốc giảm viện trợ đối với Việt Nam vì họ không tán thành Việt Nam thương lượng với Mỹ để kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, và nếu những năm 1971 – 1972 họ viện trợ đối với Việt Nam cao nhất so với các năm trước vì muốn lợi dụng vấn đề Việt Nam để thương lượng với Mỹ thì đến năm 1975, vì bị thất bại ở miền Nam Việt Nam, họ lại dùng viện trợ để gây sức ép đối với Việt Nam.
         Họ khước từ những yêu cầu viện trợ mới của Việt Nam dù năm 1975, khi chào mừng nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam, những người lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố “sẽ tiếp tục làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình, kiên quyết ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa nhằm củng cố thành quả thắng lợi, thống nhất và xây dựng Tổ quốc của nhân dân Việt Nam”. Thật ra đây chỉ là một lời tuyên bố giả dối để che giấu sự hằn học của họ đối với thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam.
         Về phần viện trợ cũ đã thỏa thuận từ trong chiến tranh và chưa giao kết, họ vin cớ này cớ khác để dây dưa, trong đó có những công trình đang làm dang dở, có những công trình rất quan trọng đối với công cuộc hòa bình xây dựng đất nước Việt Nam. “Rõ ràng viện trợ của những người lãnh đạo Trung Quốc không phải là “vô tư” như họ thường khoe khoang mà chỉ là công cụ của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn. Viện trợ của Bắc Kinh vẫn chỉ là “cái gậy” và “củ cà rốt” .
         Sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” viết, trong lúc ráo riết dụ dỗ, cưỡng ép người Hoa ở Việt Nam đi Trung Quốc, nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng dùng “cái gậy” viện trợ để đồng thời đánh Việt Nam về kinh tế. Chỉ trong hơn một tháng, bất chấp luật pháp và tập quốc tế, họ đơn phương tuyên bố chấm dứt toàn bộ viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam, gọi về nước tất cả chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Trung Quốc đang công tác ở Việt Nam.
         “Đây là một đòn cực kỳ thâm độc, đưa ra đúng lúc nhân dân Việt Nam đang phải hàn gắn những vết thương chiến tranh, đồng thời vừa phải đối phó với cuộc chiến tranh biên giới ở phía Tây Nam, khắc phục những khó khăn kinh tế do việc gần hai chục vạn người Hoa đột nhiên bỏ ruộng đồng, nhà máy đi Trung Quốc, vừa phải đối phó với những thiệt hại nghiêm trọng do những trận bão, lụt nặng nề nhất ở Việt Nam trong hàng trăm năm qua gây ra” .
         Đi đôi với việc cắt viện trợ, rút chuyên gia, tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Trung Quốc còn bộc lộ lòng dạ xấu xa, thâm độc đến cùng khi ngang nhiên vận động các nước, các tổ chức quốc tế ngừng viện trợ cho công cuộc xây dựng lại Việt Nam. Họ đẩy mạnh vu cáo Việt Nam để vừa che đậy ý đồ bành trướng của họ ở Đông Nam Á, vừa cản trở quan hệ bình thường giữa Việt Nam và các nước ASEAN, kêu gọi các nước đó lập “mặt trận chung với Trung Quốc” chống Việt Nam.
         Văn kiện cách đây 35 năm của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Với cuộc vận động đó, họ hy vọng trên thực tế sẽ thực hiện được chính sách bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị, tiến công về quân sự, như bọn đế quốc và thực dân vẫn làm bấy lâu nay đối với một số nước. Đây là một hành động thô bạo không những xâm phạm độc lập, chủ quyền của Việt Nam mà còn can thiệp vào công việc của các nước khác và các tổ chức quốc tế”.

         Với lý do cần kinh phí để hỗ trợ Hoa kiều hồi hương, tháng 5 năm 1978, lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ (72 trong số 111 công trình viện trợ) không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút bớt chuyên gia về nước. Ngày 29/6/1978 Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế. Tháng 7, Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước. Ngày 3/11/1978, Việt Nam ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết. Ngoài các điều khoản về hợp tác thương mại và văn hóa, hiệp ước có những thoả thuận về quốc phòng như một hiệp ước về "phòng thủ chung" có nghĩa là "tham khảo ý kiến chung và hành động hiệu quả để đảm bảo an ninh quốc phòng của cả hai nước". Ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc ngừng tuyến xe lửa liên vận tới Việt Nam. Đầu tháng 1 năm 1979, đường bay Bắc Kinh - Hà Nội cũng bị cắt.

QUAN HỆ VIÊT - XÔ - TRUNG

         Tháng 5/1979 trên biên giới Liên Xô - Trung Quốc xảy ra một xung đột quân sự nghiêm trọng có sự tham gia của cả máy bay trực thăng chiến đấu. Cũng trong tháng 5/1979, các tàu chiến Liên Xô bắt đầu đi vào hải phận Cam Ranh. Ít lâu sau, các máy bay của Hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu hạ cánh xuống Cam Ranh.
          Ngoài ra, theo một số nhà nghiên cứu quân sự phương Tây , về mặt chiến lược, Trung Quốc thử nghiệm một cuộc chiến tranh biên giới có giới hạn với Việt Nam để thăm dò khả năng tương trợ của Liên Xô, sau khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV), và ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô (1978) có giá trị trong 25 năm, trong đó có điều khoản về tương trợ quân sự. Nếu thỏa ước này được tuân thủ nghiêm ngặt, theo nhận định của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nó sẽ là hiểm họa quốc phòng lớn vì đặt Trung Quốc vào tình thế lưỡng đầu thọ địch khi xảy ra chiến tranh với Việt Nam hoặc Liên Xô.
         Về phía Liên Xô, nguy cơ bị cô lập về ngoại giao sau khi quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ trở nên nồng ấm khiến Moskva buộc phải tìm cách tăng cường quan hệ đối với Việt Nam. Viện trợ kinh tế của Liên Xô cho Việt Nam tăng đều từ năm 1975 đến 1979 từ 450 triệu USD lên 1,1 tỷ USD, viện trợ quân sự cũng tăng mạnh do sự kiện xung đột Việt Nam Campuchia (từ 125 triệu USD năm 1977 lên 600 triệu năm 1978 và 890 triệu năm 1979).

         Theo các nguồn tin chính thức của Mỹ vào tháng 8/1978, Việt Nam có 4.000 cố vấn và chuyên gia Liên Xô và đến giữa năm 1979 con số đã tăng lên đến 5.000-8.000. Tháng 9/1978, Liên Xô bắt đầu cung cấp vũ khí mới (máy bay, tên lửa phòng không, xe tăng và vũ khí, đạn dược, cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh) cho Việt Nam bằng đường hàng không và đường biển.
         Liên Xô cũng tăng cường áp lực lên Trung Quốc với mục đích đạt được sự kéo dài Hiệp định Xô – Trung có giới hạn 30 năm về quan hệ Liên minh, Hợp tác hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau, được ký vào ngày 14/2/1950 (hết hạn vào ngày 15/2/1979). Ngày 16/2/1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố khả năng một cuộc chiến tranh tổng lực chống Liên Xô. Dọc tuyến biên giới Xô - Trung đã tập trung khoảng 1,5 triệu quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trên tổng số quân thường trực chiến đấu là 3,6 triệu người, phía Liên Xô đã triển khai hơn 40 sư đoàn Hồng quân.

         Thực tế diễn biến trong những năm của thập kỉ tám mươi cho thấy, do bất đồng nghiêm trọng giữa Liên Xô và Trung Quốc, quan hệ Giữa Việt Nam và Liên Xô chặt chẽ hơn là một trong những nguyên nhân làm mâu thuẫn sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

( còn nữa )

 

tin tức liên quan