Đừng tưởng xin lỗi, trả tiền là xong!

Ngày đăng: 09:40 18/03/2019 Lượt xem: 407
Thứ Hai 18/03/2019 - 03:32
 

Đừng tưởng xin lỗi, trả tiền là xong!

(Dân trí) - Tuần qua diễn ra 2 sự việc khá kỳ lạ: Vụ cán bộ của Thanh tra Chính phủ nhận 400 triệu đồng của một bà mẹ liệt sĩ ở Bà Rịa-Vũng Tàu để "chạy việc" tranh chấp đất đai nhưng không thành, phải trả lại và vụ việc một thanh niên tấn công, quấy rối tình dục một cô gái trong thang máy ở Hà Nội.

m_nhon-luat.jpg

 

Như Dân trí đã đưa tin, một cán bộ ở văn phòng Thanh tra Chính phủ - ông Hoàng Đức Cần trong nhiều năm qua đã nhận hơn 400 triệu đồng của bà Lê Thị Tích - một bà mẹ liệt sĩ (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) để giúp bà Tích đòi đất trong một vụ tranh chấp đất đai.

Cụ thể, bà Tích có mảnh đất cho người khác mượn nhưng người này lại đem bán cho người khác và chính quyền lại cấp sổ đỏ cho người mua mảnh đất đó. Và ông Hoàng Đức Cần đã gợi ý bà Tích đưa tiền để lo việc đòi lại đất cho bà này. Tuy nhiên, ông Cần đã không lo được và không chịu trả tiền cho bà Cần.

Cho đến mãi gần đây, khi vụ việc bị phát hiện, báo chí lên tiếng, Thanh tra Chính phủ cũng xác định có việc sai trái trên thì ông Cần mới chịu trả lại tiền cho bà Cần (không bao gồm số tiền lãi suất từ năm 1998 đến nay cũng rất lớn).

Một vụ việc khác, khác biệt về tính chất: Một thanh niên tên Đỗ M.H tấn công, quấy rối tình dục trong tháng máy một sinh viên - là người dân trong cùng tòa nhà Golden Palm (Thanh Xuân-Hà Nội). Đã có video clip ghi đầy đủ tình huống này và Đỗ M.H đã thừa nhận có hành vi trên và xin có buổi xin lỗi công khai tại khu chung cư ngày 15.3. Tuy nhiên, như Dân trí đã phản ánh, cuối cùng buổi xin lỗi cũng không được thực hiện do Đỗ M.H trốn tránh.

2 vụ việc trên, dĩ nhiên, hoàn toàn khác nhau và không lấy để so sánh. Nhưng chúng có chung một vấn đề là trong các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự khá nghiêm trọng nhưng rất kỳ lạ, chưa thấy có cơ quan bảo vệ pháp luật nào lên tiếng sẽ vào cuộc để xử lý những người vi phạm.

Với vụ việc cán bộ Thanh tra Chính phủ lấy tiền của Bà mẹ Việt Nam anh hùng với số tiền khá lớn như vậy, có thể nói, đã có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bởi anh này không hề có chức năng, nhiệm vụ đi giải quyết khiếu nại tố cáo (vì là cán bộ Văn phòng) và nếu được giao nhiệm vụ thì cũng không được phép nhận tiền của người dân. Trong khi không thể làm được việc, nhận tiền, lại có dấu hiệu trốn tránh nghĩa vụ trả tiền thì hành vi đó rõ ràng đã cấu thành tội danh lừa đảo.

Nhưng rất đáng ngạc nhiên là mới chỉ có đơn vị nơi anh này công tác- Thanh tra Chính phủ lên tiếng yêu cầu cán bộ này phải làm tường trình, báo cáo sự việc (!). Lẽ ra, cơ quan điều tra của Bộ Công an hay chí ít chính là Cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc để xử lý. Đâu phải cứ trả tiền, xin lỗi là xong việc?

Còn vụ việc thứ 2, cũng đã có dấu hiệu rõ ràng của việc tấn công, quấy rối tình dục người khác. Hành vi này,  nếu người quấy rối “có hành vi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2013.

Còn nếu hành vi quấy rối được xác định là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 2015; mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 5 năm.

Nhưng ở vụ việc này cũng vậy, rất kỳ lạ là người ta cũng chỉ đồng ý việc người có hành vi quấy rối tình dục với nữ sinh trên là tổ chức buổi xin lỗi công khai tại khu chung cư, nơi anh ta có hành vi rất thô thiển, vô giáo dục. Và tệ hơn, ngay cả khi chỉ mới bị buộc xin lỗi, người này cũng không buồn đến thực hiện việc xin lỗi.

Thậm chí, như Dân trí đã đưa tin, cô sinh viên bị anh này quấy rối còn cho biết, sau khi sự việc xảy ra, đối tượng trên vẫn nhắn tin trêu ghẹo cô qua điện thoại. Ở đây, đã đủ yếu tố cơ quan công an xử lý, pháp luật phải có hành vi trừng phạt thích đáng với người có hành vi vi phạm này theo quy định của pháp luật.

Ở nhiều quốc gia, với những hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng như trên, những người vi phạm sẽ ngay lập tức bị bắt tạm giam, xét xử nhanh chóng để răn đe. Ở ta, không phải không có những vụ việc tương tự mà những người có hành vi tương tự đã phải ra tòa, bị xét xử vì các quy định pháp luật để xử lý đã có sẵn và cũng đủ độ nghiêm khắc. Nhưng đáng tiếc, với cả 2 vụ việc trên, đang có dấu hiệu cho thấy, chúng chưa được đánh giá, xử lý đúng mực, đảm bảo sự tôn nghiêm của luật pháp. 

Mạnh Quân

PS st Theo Dân trí

 

 

tin tức liên quan