Thoả miệng quan, nặng gánh dân
Nguồn:Báo Điện tử TuanVietnamnet
Đề cập đến thói hay ăn và hệ lụy của nó gây ra, người xưa đã đúc kết: “Miệng ăn núi lở”, “Miếng ăn quá khẩu thành tàn/Tham ăn chết tắc, tiếng mang suốt đời”. Lời người xưa cảnh báo đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Một trong những thông tin đang thu hút sự quan tâm của dư luận là việc Công an tỉnh Gia Lai đang xử lý kiến nghị khởi tố vụ án Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai để xảy ra sai phạm 11,2 tỷ đồng ngân sách, trong đó có hơn 3,2 tỷ đồng chi tiếp khách không đúng quy định.
Những “hóa đơn, chứng từ” chi phí tiếp khách của Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai liên quan đến “đoàn ra, đoàn vào” của hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước.
|
Qua kiểm tra, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai đã phát hiện Văn phòng HĐND tỉnh này dùng 3,2 tỷ đồng tiếp khách trái quy định trong năm 2015. Ảnh:Phapluattp |
Chuyện ăn uống phản cảm
Câu chuyện ăn uống vốn rất tế nhị, vì liên quan đến bản năng, nhu cầu sinh tồn chính đáng của mỗi con người. Nhưng gần đây, chuyện ăn uống liên quan đến “người Nhà nước” ở chốn quan trường bỗng dưng trở nên ồn ào, gây phản cảm trong dư luận xã hội.
Không riêng Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai bị “mang tiếng” chi phí tiếp khách quá lãng phí, mà dư luận từng “điểm mặt chỉ tên” các vụ nợ nần do chi tiêu ăn uống, tiếp khách ở nhiều địa phương.
Tháng 7/2015, UBND xã Đồng Thái, huyện Ba Vì (Hà Nội) bị phát hiện ghi nợ hơn 200 triệu đồng do chi phí ăn uống, tiếp khách. Tháng 9/2015, cơ quan chức năng cấp trên phát hiện UBND xã Quang Thái, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) cũng ghi nợ các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn hơn 260 triệu đồng.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chi gần 300 triệu đồng cho các khoản ăn uống, tiếp khách. Tháng 8/2016, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương cũng ghi nợ đến 310 triệu đồng chỉ vì lý do “phải” đón tiếp quá nhiều đoàn khách của trên và các địa phương “đến thăm, trao đổi kinh nghiệm công tác”!
Đại diện Kiểm toán Nhà nước đã phải cảnh báo, nhiều cơ quan, ban, ngành và cơ sở quyết toán nhiều khoản chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, trong đó có cả các khoản chi cho “đoàn ra, đoàn vào” ăn uống, tiếp khách không đúng quy định.
Thông tin từ Kho bạc Nhà nước cho thấy, chỉ tính 3 năm (2015-2017), thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách, ngành kho bạc Nhà nước đã phát hiện hơn 75.500 khoản chi thường xuyên ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đúng quy định. Các đơn vị kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán số tiền hơn 123 tỷ đồng, trong đó có hàng nghìn khoản chi cho hội họp, tiếp khách...
Trong khi ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn mà cán bộ cứ rình rang đi nhà hàng, quán xá để nhậu nhẹt; Nhiều cơ quan, địa phương vẫn “vung tay quá trán” chi tiêu tiếp khách, hội họp không chỉ tạo dư luận phản cảm trong xã hội, mà còn gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của Nhà nước.
Có một lý do khá tế nhị không phải ai cũng muốn nói ra, nhưng khiến dư luận rất băn khoăn, đó là nghi thức tiếp tân, tiếp khách ở nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương. Căn nguyên sâu xa là do tâm lý người Việt vẫn trọng hình thức, coi việc tiếp khách “mâm cao cỗ đầy” hậu hĩnh để thể hiện sự “hiếu khách”, làm “vui lòng quan khách cấp trên”.
Có những địa phương nghèo thâm niên, hằng năm thường phải xin Trung ương “cứu đói” nhưng việc chi tiêu đón tiếp khách, ăn uống vẫn cứ vượt mức tiêu chuẩn.
Trước thực trạng đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải: “Khắc phục ngay tình trạng ăn uống, chè chén, “liên hoan”, “gặp mặt” không lành mạnh, với động cơ không trong sáng”.
Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” cũng nêu rõ: “Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, “chè chén” xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội”; đồng thời khi tiếp khách “không tổ chức ăn uống lãng phí”.
Bên cạnh việc phải tối giản tần suất, mật độ, số lượng các đoàn cấp trên đi kiểm tra cấp dưới, cơ sở và các đoàn đi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương thì các cơ quan chức năng như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Tài chính, Kho bạc Nhà nước cũng cần tăng cường rà soát, kiểm toán, kiểm tra, thanh tra các khoản chi tiêu ngân sách, kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi bất hợp lý, sai mục đích.
“Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”
Tháng 3/1947, sau khi viết cuốn sách “Đời sống mới” và phát động toàn dân thực hành đời sống mới, Bác đã căn dặn cán bộ: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã... Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”.
Nửa năm sau, trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” viết tháng 10/1947, khi nhắc tới 15 bệnh liên quan đến chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ dễ mắc phải, bệnh tham lam được Bác đặt ở vị trí đầu tiên.
Một trong những biểu hiện nổi cộm của bệnh tham lam đã được Bác cảnh báo: “Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”.
Xuất phát từ quan niệm: “Ở đời ai cũng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên”, cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh thủy chung với nếp sống giản dị, mực thước, tránh xa mọi sự xa hoa, lãng phí, phù phiếm. Bác từng khẳng định: Từ chủ tịch nước đến người nấu cơm, quét rác đều là công bộc của dân.
Mà đã là công bộc của dân thì phải biết lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.