Sự ra đời của bí danh Đồng Sỹ Nguyên
Hai vị Sỹ quan được phong vượt cấp lên Trung tướng năm 1974 là Lê Đức Anh và Đồng Sỹ Nguyên. Cả hai ông đều được thụ phong cấp bậc Đại tá năm 1958, lúc đó ông Lê Đức Anh giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực, còn ông Đồng Sỹ Nguyên giữ chức Cục trưởng Cục Động viên dân quân.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (phải) thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2009. Ảnh: PetroTimes
Năm 1974, khi được phong vượt cấp lên quân hàm Trung tướng, ông Lê Đức Anh giữ chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Còn ông Đồng Sỹ Nguyên đã từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng, từ Tổng tham mưu phó, Chính ủy quân khu 4, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung - Hạ Lào, và thời điểm nhận quân hàm Trung tướng đang là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương, rồi Tư lệnh đoàn 559.
Quân hàm Trung tướng do nhà nước phong thời điểm đó hoàn toàn xứng đáng với vị trí mà hai ông nắm giữ. Với trách nhiệm chỉ huy hậu cần tiền phương, ông Đồng Sỹ Nguyên là người điều hành toàn bộ mạch máu hậu cần để cung cấp cho chiến trường miền Nam và cả các chiến trường Lào, Campuchia.
Quân số dưới sự chỉ huy của Tướng Đồng Sỹ Nguyên bằng cả mấy quân đoàn, với biên chế 9 sư đoàn, trong đó có 8 sư đoàn vận tải chiến đấu và một sư đoàn cao xạ, tên lửa của Bộ Quốc phòng phối thuộc.
Về bí danh Đồng Sỹ Nguyên, ông từng kể lại rằng khi hoạt động cách mạng, ông lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng rồi Nguyễn Sỹ Đồng. Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ông giữ vị trí Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, và để tránh liên lụy đến gia đình do cái tên cũ đã bị quân Pháp và tay sai biết rõ, ông đổi tên, nói lái lại là Đồng Sỹ Nguyên.
“Vị tướng tài ba và đức độ”
Sau khi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương, tướng Đồng Sỹ Nguyên kể lại ông hài lòng nhất với việc đã thực hiện được quyết tâm của Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện là cơ giới hóa việc vận tải trên đường Trường Sơn.
Không những thế, dưới mưa bom bão đạn của không quân Mỹ, bộ đội Trường Sơn còn phát triển lên tới hai sư đoàn ô tô vận tải quân sự với số lượng gần mười nghìn xe. Đây là những sư đoàn vận tải đầu tiên và duy nhất trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Bên cạnh đó, đến năm 1975, bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được mạch giao thông khổng lồ với 16.700 km đường, chủ yếu là đường dã chiến, trong đó có hơn 800 km đường kín, 1.500 km rải đá, 200 km rải nhựa. Ngoài ra, còn có 1.500 km đường ống dẫn dầu, 1.350 km đường dây thông tin tải ba, 3.800 km đường giao liên, 500 đường sông.
Trong cuốn “Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã chia sẻ với nhà báo Phan Hoàng rằng, đã có nhiều chính khách trên thế giới từng bày tỏ với các lãnh đạo nước ta sự ngạc nhiên: Trong lúc không quân Mỹ đánh phá dữ dội, làm sao chúng ta có thể sử dụng đến hàng sư đoàn xe vận tải, cơ động bằng cơ giới từng quân đoàn, sư đoàn bộ binh, cơ động khối lượng lớn binh chủng kỹ thuật vào tận chiến trường Nam Bộ, chỉ cách Sài Gòn 100km.
Đặc biệt, xăng dầu cho khối lượng xe pháo khổng lồ đó được tiếp tế như thế nào? Câu trả lời chỉ nằm ở chỗ: nhờ có con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mà tướng Đồng Sỹ Nguyên là người chỉ đạo.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong số ít lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam từng nắm giữ cương vị quyết định ở nhiều bộ ngành khác nhau, từ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng rồi Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.
Nhưng đến khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra đầu năm 1979, ông lại được cấp trên tín nhiệm điều khẩn cấp trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu Thủ đô.
Sau khi nghỉ hưu ở chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông vẫn được chính phủ tin cẩn giao làm đặc phái viên phụ trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; cũng như giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quốc lộ Hồ Chí Minh.
Nói về ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ...”.
Phạm Sinh sưu tầm theo Dân Việt