Và còn hơn thế nữa, chỉ cách làng tôi chừng hơn cây số là nơi cách đây hơn 70 năm, đôi vợ chồng trẻ Ðồng Sĩ Nguyên - Nguyễn Thị Ngọc Lan đã làm lễ thành hôn, đã hưởng tuần trăng mật và sinh hạ người con trai cả của ông bà...

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên.
Vâng, thân mẫu của Tướng Đồng Sĩ Nguyên là cụ Đặng Thị Cấp, người làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, là 1 trong 8 làng văn vật nổi tiếng của đất Quảng Bình, gọi là “bát danh hương”, trong đó Lệ Sơn là “Đệ nhất danh hương” vì có nhiều người theo đạo học, đỗ đạt khoa bảng. Bản thân cụ Cấp là cán bộ tiền khởi nghĩa, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh gần 20 năm. Gia đình cụ có 2 con trai và một cháu nội là tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và có gần ba chục cháu chắt là sĩ quan các cấp...
Làng Lệ Sơn quê mẹ Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nằm bên bờ sông Gianh đoạn gần hạ lưu, còn làng tôi ở thượng nguồn, thuộc vùng An toàn khu của Tỉnh ủy Quảng Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhà văn Văn Linh và nhạc sĩ Trần Hoàn sinh thời đã xác nhận rằng tiểu thuyết Mùa hoa dẻvà nhạc phẩm Sơn nữ ca đã được ra đời ở ngay chính làng tôi. Sát phía trên làng tôi là làng Còi, nơi ra đời Chi đội vũ trang Lê Trực, là đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên của Tỉnh đội Quảng Bình, sau này phát triển thành Trung đoàn 18 anh hùng của Đại đoàn Bình Trị Thiên nổi tiếng. Hồi đó, doanh trại của Chi đội Lê Trực cũng là cơ quan của Tỉnh đội Quảng Bình. Tại đây, ngày 24/12/1947, Ban Hành chính Tỉnh đội đã tổ chức một bữa cơm “tăng cường” chút thịt, cá làm tiệc cưới của Chính trị viên Tỉnh đội Đồng Sĩ Nguyên với cô y tá Nguyễn Thị Ngọc Lan.
Câu chuyện trên đây tôi được chính bác Ngọc Lan kể cho nghe trong giờ giải lao cuộc Hội thảo kỷ niệm “50 năm đường Trường Sơn huyền thoại” tổ chức hồi tháng 5/2009 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Ba Đình - Hà Nội. Bữa đó, vì thời gian eo hẹp mà bác Ngọc Lan lại quá bận rộn nên tôi chưa tiện hỏi, có phải người con sinh ở làng Còi của hai bác chính là người liệt sĩ Đại đội trưởng pháo binh đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc hay không? Anh là một sĩ quan trẻ, nhiều triển vọng, đang theo học ngoại ngữ ở Trường văn hóa Quân đội để chuẩn bị đi tu nghiệp ở nước ngoài thì cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, liền vội vàng quay về tiền tiêu chỉ huy đơn vị chiến đấu và đã anh dũng hy sinh. Chuyện này nhiều người đã biết, nhiều báo đã đăng. Thầy giáo của anh ở Trường văn hóa Quân đội là một đồng nghiệp của tôi, cũng biết rất rõ về trường hợp hy sinh của anh, nhưng điều băn khoăn trên đây của tôi thì vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Mà hình như ông bà cũng chưa bao giờ chia sẻ chuyện này trong trò chuyện thường ngày cũng như với truyền thông báo chí...
Có danh ngôn rằng: “Tài năng khiến người ta kinh ngạc, đức độ khiến người ta kính phục”. Tướng Đồng Sĩ Nguyên là một con người tài đức song toàn, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ (...).
Còn một giai thoại nữa, tôi được nghe từ nhỏ, mấy chục năm rồi vẫn bán tin bán nghi. Ấy là câu chuyện về cái danh xưng Đồng Sĩ Nguyên của ông. Chuyện rằng tên thật của ông là Nguyễn Văn Đồng. Vào năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông là Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hồi đó huyện ông có một làng Công giáo có nhiều người theo địch chống phá cách mạng, giết hại nhiều cán bộ của ta. Tức quá, ông đã cho quân bố ráp vào ngôi làng ấy một trận tơi bời. Kết quả là ông phải ra tòa án binh lãnh án tử hình vì đàn áp Công giáo, tổn hại chính sách đại đoàn kết của Việt Minh. Vì tiếc thương một cán bộ trẻ nhiều triển vọng, Cụ Hồ đã yêu cầu tổ chức một cuộc thi hành án giả, còn “tử tù” Nguyễn Văn Đồng thì được rút lên chiến khu Trung Thuần và đổi tên thành Đồng Sĩ Nguyên. Giai thoại trên đây được truyền tụng đã lâu. Mới đây, trong một lần đi tìm kiếm tư liệu về Tướng Đồng Sĩ Nguyên, chuẩn bị kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn (1959-2019), tôi đã gặp Đại tá nhà văn Nguyễn Duy Tường và đã được nghe anh cải chính đầy thuyết phục. Nguyễn Duy Tường là người chắp bút cả 3 cuốn tự truyện và hồi ký của Tướng Đồng Sĩ Nguyên, xuất bản các năm 1999, 2007 và 2012. Cả 3 lần, nhà văn đều được Trung tướng lưu ý phải nói rõ cái tên Đồng Sĩ Nguyên là do ông tự đổi để thoát ly hoạt động bí mật trước năm 1945.
Sang Xuân Kỷ Hợi 2019 này, Tướng Đồng Sĩ Nguyên tròn 96 tuổi đời, 80 tuổi Đảng và đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tròn 60 năm. Cuộc đời ông kể từ khi đổi họ thay tên để hoạt động cách mạng, đã được Đảng và Nhà nước giao nhiều chức vụ trọng trách, từ Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội đến Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; nhưng đồng bào đồng chí vẫn quen gọi ông là Trung tướng, Tư lệnh Trường Sơn. Tên tuổi ông gắn với những chiến công của đường Trường Sơn huyền thoại. Tài năng thao lược và công lao đóng góp của ông trong những năm tháng cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã được tạc vào sử sách. Phong cách và đức độ của ông được khắc ghi trong tình cảm của đồng chí, đồng bào, nhất là các thế hệ Bộ đội Trường Sơn. Tôi đã nhiều lần được chứng kiến những cuộc hội ngộ vỡ òa cảm xúc giữa ông với đồng đội Trường Sơn. Những cựu chiến binh đầu hai thứ tóc ùa đến bên ông nói cười rổn rảng mà đôi mắt nhòe nước. Những cựu nữ thanh niên xung phong đã là những bà nội, bà ngoại vẫn tíu tít bên ông gọi bố xưng con...
Đại tá Phan Hữu Đại, nguyên Chính ủy - Sư đoàn trưởng ôtô vận tải 571 của Bộ Tư lệnh Trường Sơn kể: Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên vào Trường Sơn mộc mạc như một chiến binh, đầu đội mũ sắt, vai mang bao tải gạo cùng chiếc chăn quấn tròn, có khác chăng là thêm chiếc xắc cốt và khẩu súng ngắn bên hông... Dáng dấp ông không có gì đặc biệt của một vị tướng oai phong quắc thước mà bình dị hiền hậu. Phát biểu trước đám đông ông thường nói ít, nói chậm, nói chắc. Tiếp xúc với cấp dưới ông không huấn thị mà lắng nghe, khi có ý kiến trái ngược thì ôn tồn trao đổi...

Đường Trường Sơn - Con đường huyền thoại ngày nay đã khang trang như thế này. Ảnh: TL
Năm 1974, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết định, Bộ đội Trường Sơn dốc sức chuẩn bị cho chiến dịch lớn, ông vẫn quan tâm chỉ đạo việc tìm kiếm, quy tập liệt sĩ Trường Sơn đang nằm rải rác khắp các chiến trường. Ấy không chỉ là tầm nhìn xa trông rộng của một người chỉ huy, mà còn là nghĩa tử nghĩa tận của một người đồng đội. Ông là người trực tiếp chọn vị trí quy tập liệt sĩ, là người bổ nhát cuốc động thổ xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn. Và từ đó đến nay, khi đang công tác cũng như sau khi được nghỉ hưu, ông vẫn luôn đau đáu những công việc đang còn dang dở với Trường Sơn của thời hậu chiến: Tiếp tục tôn tạo Nghĩa trang Trường Sơn; xây dựng Bảo tàng đường Hồ Chí Minh; biên soạn lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; Đặc biệt vấn đề di hại chất độc da cam/dioxin ở các đồng đội Trường Sơn và con cháu của họ...
Cách đây dăm năm, khi đã bước sang tuổi cửu tuần, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã đề nghị sau khi ông qua đời, xin được an táng ở Nghĩa trang Trường Sơn, nơi hơn mười ngàn đồng đội của ông đang yên nghỉ. Sau khi đề nghị trên được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chấp thuận, ông đã tự tay viết một bức thư cho ông Hồ Tất Ái, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Trường Sơn, để thông báo sự việc và đề nghị cho vợ ông sau khi qua đời cũng được chôn cất tại đây vì “bà nhà tôi cũng là một cựu quân nhân”. Bức thư trên đây đang được ông Hồ Tất Ái dán ép nilon, lồng khung kính treo trang trọng trong phòng làm việc, như một hiện vật truyền thống của Linh thiêng Trường Sơn.
Vâng, Nghĩa trang Trường Sơn nay đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt; là một địa chỉ lịch sử - văn hóa - tâm linh của dân tộc. Nơi đây có biết bao huyền thoại tâm linh về những người lính sống khôn thác thiêng. Xin được kể lại câu chuyện mà một đồng nghiệp của tôi - nhà báo Diễm Quỳnh của VTV được chứng kiến: Tối 27/7/2004, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình “Huyền thoại Trường Sơn” tại Nghĩa trang Trường Sơn, kỷ niệm 45 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là khách mời đặc biệt. Hôm đó đã đến đầu giờ chiều mà trời vẫn mưa như trút nước. Cả Ban tổ chức lẫn khách mời đều lo lắng vô cùng. Không rõ Tướng Đồng Sĩ Nguyên thắp hương tâm sự những gì với các liệt sĩ ở Đài tưởng niệm, mà sau đó khẳng định với mọi người chắc chắn tối nay sẽ tạnh ráo. Và thật là kỳ lạ, tối hôm đó trời quang mây tạnh, hàng ngàn ngọn nến lung linh được thắp lên giữa Trường Sơn hùng vĩ và chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp. Kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện trên đây, nhà báo Diễm Quỳnh cứ xuýt xoa cho rằng chắc chắn giữa vị cựu Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn với các anh hùng liệt sĩ là đồng đội của mình, có một mối liên hệ tâm linh nào đó...
Có danh ngôn rằng: “Tài năng khiến người ta kinh ngạc, đức độ khiến người ta kính phục”. Tướng Đồng Sĩ Nguyên là một con người tài đức song toàn, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ (...). Đồng chí là một cán bộ đảng viên mẫu mực, có phẩm chất trong sáng, sống trung thực, đoàn kết, khiêm tốn, giản dị...”.
Đó là những phẩm chất nhân văn của Bộ đội Cụ Hồ mà Tướng Đồng Sĩ Nguyên là một chiến sĩ tiêu biểu!
Nhà thơ Mai Nam Thắng
PS st Theo SK&ĐS