Khi những vị quan chức 'nêu gương'
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Cuộc sống phô trương, xa hoa của một số quan chức tương phản với cảnh vật lộn mưu sinh của số đông nhân dân lao động đang bươn chải, nhọc nhằn lo từng đồng tiền, bát gạo.
Bộ Nội vụ vừa có công văn đề nghị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiểm tra thông tin Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức đám cưới rình rang cho con và xử lý vi phạm, nếu có.
Vào dịp cuối tháng 7/2019 vừa qua, hàng loạt báo đưa tin, bàn dân thiên hạ xôn xao bàn tán về đám cưới của con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng.
Từ 19 đến 21/7/2019, để tổ chức đám cưới cho con trai, bà Đào mở 4 cuộc tiệc đãi khách. Nhiều xe biển xanh tỉnh Sóc Trăng và một số tỉnh xung quanh nối đuôi nhau đưa rước "sếp" đến dự tiệc.
Với dân thường, việc tổ chức dựng vợ gả chồng cho con là chuyện của mỗi gia đình, dù tổ chức hoành tráng đến mấy cũng ít ai phê phán. Với quan chức, nếu tổ chức phù hợp, hài hòa thì cũng chẳng có ai bàn tán.
Nhưng quan chức tổ chức đám cưới cho con phô trương, rình rang thì bất ổn vì quan chức đang phải nêu gương cho người dân soi.
Khi cán bộ đứng đầu ngành dân vận tổ chức đám cưới cho con rềnh rang ba bốn ngày thì việc vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, nhất là chủ trương xây dựng môi trường văn hóa văn minh, thực hành tiết kiệm như thế nào đây? Lối sống phô trương như vậy làm sao có thể là nơi mà nhân dân ủy thác niềm tin?
|
Xe biển xanh chở người đi đám cưới con bà Đào. Ảnh: Vietnamnet |
Cần nhắc lại Sóc Trăng đang là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, đồng nghĩa phần đông người dân nơi đây cũng thuộc diện nghèo nhất nước.
Qua báo Tuổi trẻ, bà Hồ Thị Cẩm Đào biện minh: "Mình công tác lâu năm, có những quan hệ thân tình, anh em quý mến nên ghé chúc mừng". [1]
Nếu không rải thiệp mời thì “anh em” dù có “quý mến” đến đâu cũng không thể đến đông đến mức như vậy. Theo phong tục Việt Nam, nếu không được mời thì không ai đến dự tiệc cưới bao giờ.
Nhân đây, xin điểm lại một số vụ cán bộ thích phô trương, chơi trội, mà báo chí “điểm danh”, mỗi người mỗi vẻ.
Ông Nguyễn Công Lý, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thị ủy Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, để thể hiện vị thế của gia chủ khi tổ chức giỗ mẹ đã in tên mình kèm theo tên cơ quan lên bì thư mời quan khách dự đám giỗ. [2]
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TP. Cần Thơ ghi đầy đủ chức danh của bản thân đang đảm nhiệm lên thiệp mời đám cưới con trai.
Không biết có phải vì chức danh của ông Dũng hay không, mà hôm tổ chức tiệc cưới con trai ông, Nhà hàng Cửu Long cạnh Thành ủy Cần Thơ có hơn trăm ôtô đưa quan khách tới dự tiệc. Khách đông đến mức ngồi kín cả sảnh nhà hàng rộng mêng mông. [3]
Ông Lê Minh Cường, Bí thư Huyện ủy huyện Vị Thủy, Hậu Giang tổ chức tiệc thôi nôi cho cháu nội với 40 bàn tiệc ở nhà hàng Phi Long sang trọng. Ông đã mời đầy đủ quan chức trong huyện, quan chức huyện bạn và các sở ngành Hậu Giang tới dự. Có cơ man xe công chở quan khách tới dự tiệc. [4]
Trên thực tế, quan chức không chỉ phô trương tiệc giỗ của bố mẹ, tiệc cưới của con, tiệc thôi nôi của cháu mà nhiều người còn phô trương hết xe sang này đến xe sang khác, dinh thự nọ đến biệt phủ kia; lấy cớ đi học hỏi kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ để dùng công quỹ du hí ở ngước ngoài …
Sự giàu có bất thường, cuộc sống hưởng thụ cao sang của một bộ phận quan chức đã để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho bản thân họ và xã hội.
Cuộc sống phô trương, xa hoa của quan chức luôn tương phản với cảnh vật lộn mưu sinh của số đông nhân dân lao động, phải bươn chải, nhọc nhằn lo từng đồng tiền, bát gạo để trang trải cuộc sống hàng ngày. Sự tương phản đó khiến những quan chức biến chất luôn bị người dân xa lánh, căm ghét.
Nhưng hệ lụy tai hại nhất mà bộ phận quan chức biến chất gây ra là làm đảo lộn các giá trị đạo đức xã hội, bào mòn niềm tin của nhân dân.
Cũng cần thấy một điều, người dân chỉ bất bình với những kẻ giàu có bằng con đường bất minh, nhất là với quan chức tham nhũng. Người dân không bao giờ ganh ghét, đố kị với những người khá giả, giàu có chân chính, mà ngược lại họ còn biết ơn người giàu. Vì chính những người giàu có chân chính đã tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Hơn nữa, vươn tới một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc; phấn đấu cho mục tiêu dân giàu nước mạnh là ước mơ, khát vọng cao đẹp của mọi người.
Trước thực trạng quan chức tham nhũng, sống phô trương xa hoa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Những “ông quan” nói một đằng, làm một nẻo, kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tài sản, công quỹ nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô độ… thì chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân”. [6]
Người viết bài mạo muội đưa ra hai điều, mà người làm quan phải luôn nhớ.
Thứ nhất, cần biết mình là ai để xử lý cuộc sống riêng tư, giải quyết công việc gia đình và đối nhân xử thế cho phù hợp.
Thứ hai, luôn nhớ, rằng đồng lương và các chế độ đãi ngộ mà quan chức đang được hưởng đều chắt chiu từ những đồng tiền thuế thấm đẫm mồ hôi nước mắt của người dân, để sống và thực thi công vụ đừng phụ lòng dân.
Nguyễn Huy Viện
[1].https://tuoitre.vn/truong-doan-dbqh-soc-trang-se-rut-kinh-nghiem-viec-to-chuc-cuoi-rinh-rang-cho-con-20190722113345963.htm
[2].https://infonet.vn/chu-nhiem-ubkt-in-thiep-moi-gio-me-khong-biet-so-tien-duoc-tang-post13908.info
[3].https://vnexpress.net/thoi-su/ghi-chuc-danh-cha-tren-thiep-moi-cuoi-con-2205093.html
[4].https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bi-thu-huyen-phan-tran-vu-xe-bien-xanh-cho-nguoi-di-an-tiec-thoi-noi-chau-noi-508451.html
[5].Theo Ngô Minh Giang: “Nhận mặt suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống” (Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, 6-9-2012, mục “Diễn đàn”)
[6].https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/sao-song-phe-phon-khi-nguoi-dan-vat-va-muu-sinh-502784.html