Hai Nhà lãnh đạo ở hai bước ngoạt của lịch sử Việt Nam: Đã đánh đuổi giặc ngoại xâm và thề sẽ đánh bại "giặc nội xâm"
Hai Nhà lãnh đạo ở hai bước ngoạt của lịch sử Việt Nam:
Đã đánh đuổi giặc ngoại xâm và thề sẽ đánh bại "giặc nội xâm"
Nguồn: Báo Điện tử VietTimes
"Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi,... việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi"- Hồ Chí Minh.
Sáng ngày 30/8/2019, tại Hà Nội, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người. Tại Lễ kỷ niệm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc bài diễn văn gây xúc động rất mạnh mẽ, sâu sắc và có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu một cột mốc lớn và mới trong lịch sử Việt Nam, tương tự như bài Điếu văn của Tổng Bí thư Lê Duẩn cách đây 50 năm tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969.
|
Tổng bí thư Lê Duẩn- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Tổng Bí thư Lê Duẩn thề đánh bại giặc ngoại xâm
Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo:“Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Trong Điếu văn tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tich Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thề:“Vĩnh biệt Người, chúng ta thề giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, bảo vệ Miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”.
Dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về việc “đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta” là sách lược của cách mạng Việt Nam mà Người đã đề ra trong Lời chúc mừng năm mới Tết Mậu Thân năm 1968 là “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”.
Mở đầu sách lược đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 của ta nhằm hoàn toàn đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc họ phải rút khỏi Việt Nam. Sau khi bị thất bại nặng nề trong cuộc tổng tấn công và nổi đậy của quân và dân ta vào đầu năm 1968, chính quyền Mỹ nhận thấy không thể giành chiến thắng về quân sự trên chiến trường Miền Nam Việt Nam và họ bắt đầu thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường viện trợ toàn diện cho ngụy quyền và ngụy quân Sài Gòn để họ thực hiện sách lược “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”, còn Mỹ tìm cách rút khỏi cuộc chiến trong danh dự.
Dấu hiệu về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ là ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson đưa ra hai quyết định quan trọng. Đó là, đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và cử đại diện của Chính phủ Mỹ đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris. Ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện của Mỹ. Ngay 13/5/1968 mở đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định Paris.
|
Tổng bí thư Lê Duẩn, người đứng đầu Đảng ta, đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện lời Bác dạy: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào".
|
Trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán ở Paris, Việt Nam đã đánh bại Mỹ trên mặt trận Quảng Trị-một trận chiến chiến lược có thể được gọi là “trận Stalingrad của Việt Nam”. Tiếp đến, Mỹ đã bị thất bại choáng váng trong trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội cuối năm 1972. Chỉ sau hai thất bại thảm hại đó, ngày 27/1/1973 Mỹ mới chấp nhận đặt bút ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong đó có một cam kết vô cùng quan trọng của Mỹ là “trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần cũng cố hòa bình ở Châu Á và thế giới, Hoa kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển bất cứ từ đâu tới”.
Như vậy, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã đặt dấu mốc lịch sử trong việc thực hiện chủ trương chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra trong Lời chúc mừng đón Tết Mậu Thân năm 1968 là “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”. Sau Hiệp định này, Mỹ đã cam kết rút khỏi Việt Nam. Nhiệm vụ còn lại của chúng ta trong thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “đánh cho ngụy nhào” và nhiệm vụ này đã được hoàn thành thắng lợi trong chiến dịch Đại thắng Mùa Xuân năm 1975.
Như vậy, với Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, chúng ta đã thực hiện thành công Lời thề mà Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố trong bài Điếu văn của Tổng Bí thư Lê Duẩn cách đây 50 năm tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tich Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969, cũng là dấu mốc lịch sử kết thúc một giai đoạn vô cùng quan trong của cách mạng Việt Nam là hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, thu non sông về một mối.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thề đánh bại giặc nội xâm
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:“Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
|
“Không khỏi trăn trở, day dứt trước không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng”- Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
|
Trong Diễn văn tại Lễ quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ thị: "Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi,... việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi".
Trong hơn 30 năm đổi mới, tuy chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng nhưng Việt Nam lại đang đứng trước nguy cơ mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo là “giặc nội xâm”. Nội hàm của nguy cơ “giặc nội xâm” này đã được nêu rõ trong Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ban hành ngày 30/10/2018. Theo Nghị quyết 04-NQ/TW, đó là: “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.
Trong số những biểu hiện về suy thoái đạo đức, Nghị quyết 04-NQ/TW nêu rõ:“Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi; đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp; sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”.
Nghị quyết 04-NQ/TW nhận định:“Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao cả của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"- Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. |
Theo Nghị quyết 04-NQ/TW, “những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Như vậy, hiện nay, “giặc nội xâm” có thể kết hợp với giặc ngoại xâm và đây là nguy cơ chưa từng có đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và nhân dân ta trong quá trình thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghị quyết số 04-NQ/TW chỉ rõ:“Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Chậm ban hành quy định xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Vì thế, trong bài Diễn văn của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “không khỏi trăn trở, day dứt trước không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta càng cần phải thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, xứng đáng là đội quân tiên phong, là Đảng cầm quyền, ngang tầm nhiệm vụ".
Nguyện thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xin thề: "Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao cả của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Đơn cử, trong năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã thi hành kỷ luật 38 cán bộ, đảng viên thuộc diện trung ương quản lý.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý, trong đó có cả ủy viên Bộ chính trị. Đây là nhiệm vụ của Đảng và nhân dân ta trong một thời điểm có tính bước ngoặt, còn gay go, quyết liệt và phức phạp hơn so với cuộc đầu tranh chống giặc ngoại xâm bởi đây chính là cuộc đấu tranh chống lại chính mình. Cũng chính vì thế mà không có chiến thắng nào vĩ đại hơn chiến thắng bản thân mình./.