Tội phạm Trung Quốc ngày càng lộng hành: Đến lúc kiểm soát chặt người nước ngoài vào Việt Nam
Tội phạm Trung Quốc ngày càng lộng hành: Đến lúc kiểm soát chặt người nước ngoài vào Việt Nam
Nguồn: Báo Điện tử VTC
"Người Việt quản lý rất tốt người Việt, không lý gì đối với người nước ngoài, người Trung Quốc chúng ta lại không làm hiệu quả", TS Đinh Thế Hưng nói.
Thời gian qua, nhiều ổ nhóm tội phạm người Trung Quốc tại Việt Nam bị phát hiện, triệt phá, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về giải pháp an ninh với người nước ngoài. Dư luận lo ngại liệu cơ chế kiểm soát người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc cư trú tại Việt Nam đã chặt chẽ?
Trả lời VTC News, TS Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, tình hình tội phạm do người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc gia tăng với tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn là do khâu tổ chức thực hiện pháp luật, tổ chức các biện pháp phòng ngừa chuyên biệt, phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ của chúng ta chưa đạt kết quả.
Theo TS Hưng, việc đầu tiên phải làm để hạn chế tình trạng này là phải kiểm soát được người nước ngoài, người Trung Quốc vào Việt Nam.
- Tình hình tội phạm người nước ngoài, đặc biệt là tội phạm người Trung Quốc ở Việt Nam ngày càng đáng báo động, không chỉ tội phạm cờ bạc, ma túy mà còn có cả tội phạm ấu dâm, tội phạm công nghệ cao…, thưa ông?
Tội phạm Trung Quốc ở Việt Nam đang gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ nguy hiểm, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn
TS Đinh Thế Hưng
Qua thống kê của các công trình nghiên cứu về tội phạm người nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua mà tôi được tiếp cận, có thể đánh giá, tội phạm Trung Quốc ở Việt Nam đang gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ nguy hiểm, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
Điều này có tính quy luật bởi quá trình hội nhập quốc tế với mức độ, phạm vi hội nhập sâu, rộng và đa dạng hơn nên tội phạm do người Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam cũng tăng lên, trở thành hiện tượng đáng chú ý mà cơ quan phòng ngừa tội phạm phải quan tâm.
Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là do đặc thù của Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc - một đất nước đông dân nhất thế giới và tội phạm cũng nhiều nhất thế giới, xét bình diện chung.
Việt Nam đang trở thành nơi lý tưởng để một số loại tội phạm phát sinh, ví dụ tội phạm rửa tiền, làm tiền giả, ma túy, mua bán người... Điều này cũng đã được các cơ quan chức năng nhận định và đánh giá.
- Quy định pháp luật của Việt Nam ra sao đối với các loại tội phạm này, liệu có kẽ hở nào để chúng ngang nhiên hoạt động?
Quy định của pháp luật không thiếu, Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự, Luật quản lý lao động nước ngoài... cũng như chiến lược phòng ngừa tội phạm đều đã đề cập đến vấn đề này và có những giải pháp đồng bộ để phòng ngừa tội phạm do người nước ngoài, người không quốc tịch thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Ví dụ, Điều 5 Bộ luật Hình sự Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc: Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là sự khẳng định chủ quyền.
Tuy nhiên nguyên tắc này có ngoại lệ, Điều 5 Bộ luật Hình sự quy định tiếp: Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Luật Hình sự các nước trên thế giới như Đức, Pháp, Hoa Kỳ đều có quy định tương tự nguyên tắc này. Ngoài ra, dẫn độ tội phạm ở Việt Nam được quy định trong Luật Quốc tịch năm 1998, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, đặc biệt vấn đề dẫn độ tội phạm đã được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đó là Luật Tương trợ Tư pháp năm 2007.
Hàng loạt điều ước song phương giữa Việt Nam và các nước về dẫn độ tội phạm đã được ký kết (12 Hiệp định với 12 quốc gia) và đang xúc tiến ký kết với nhiều quốc gia nữa.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm do người nước ngoài cứ gia tăng với tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn thì có lẽ nằm ở khâu tổ chức thực hiện pháp luật, tổ chức các biện pháp phòng ngừa chuyên biệt, phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ chưa đạt kết quả như mong muốn. Pháp luật hình sự chỉ là khâu trong hệ thống phòng ngừa đó.
- Dư luận đặt ra nhiều băn khoăn với hiệp định dẫn độ tội phạm có thể “tiếp tay” cho tội phạm người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc ở Việt Nam, thưa ông?
Dẫn độ tội phạm từ nước này về nước kia đã có từ thời cổ đại và có hệ thống lý thuyết cũng như pháp luật đồ sộ về vấn đề này ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Nó là một phần tất yếu trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Dẫn độ cũng là để hợp tác phòng ngừa tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ công dân nước mình.
Ví dụ Mexico mới đây đề nghị dẫn độ tội phạm người Mỹ đánh bom khủng bố cửa hàng Walmart ở thành phố El Paso, bang Texas (Mỹ) về Mexico để xét xử vì lo ngại luật pháp Hoa Kỳ không bảo vệ quyền lợi của các công dân Mexico là bị hại trong vụ khủng bố đó.
Đa số các quốc gia đều tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm. Việt Nam cũng đã ký nhiều hiệp định dẫn độ tội phạm hoặc tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia (12 nước).
Thực tế tội phạm trốn tránh bằng cách chạy sang một số nước không tham gia điều ước về dẫn độ cho thấy nếu không tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ thì các quốc gia rất khó khăn trong việc xử lý tội phạm. Quốc gia đó sẽ trở thành thiên đường cho tội phạm ẩn náu.
Tuy nhiên, dẫn độ phải có những nguyên tắc nhất định và cơ sở pháp lý nhất định. Không phải cứ có yêu cầu là dẫn độ. Hiệp định dẫn độ giữa các nước đều có điều khoản về từ chối dẫn độ.
Thực tế là Việt Nam đã từ chối dẫn độ nhiều trường hợp rồi. Và trên thực tế không phải người Trung Quốc nào phạm tội ở Việt Nam cũng dẫn độ về Trung Quốc.
Các cơ quan tư pháp Việt Nam đã xử rất nhiều vụ án do người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có người Trung Quốc, thậm chí họ phải chịu hình phạt tử hình. Rất nhiều phạm nhân người Trung Quốc đang thi hành án trên lãnh thổ Việt Nam.
Cách đây không lâu, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử bị cáo Han JinKun (sinh năm 1976, quốc tịch Trung Quốc) về tội giết người (giết vợ là người Việt Nam) trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngược lại, phía nước ngoài trong đó có Trung Quốc cũng dẫn độ tội phạm thực hiện ở Việt Nam trốn sang Trung Quốc cho nhà nước Việt Nam xét xử, ví dụ như tội phạm buôn bán người.
Đương nhiên dẫn độ là tất yếu nhưng pháp luật nào trong đó có pháp luật quốc tế ban hành, ký kết đều phát sinh phản xạ lách luật để trốn tránh trách nhiệm từ phía tội phạm. Vấn đề là ta phải không để điều đó xảy ra bằng các cơ chế khác nhau.
- Việc quản lý người Trung Quốc trong các hoạt động kinh doanh, buôn bán ở Việt Nam phải được thực hiện thế nào để đảm bảo an ninh, an toàn?
Giải pháp chúng ta đã đặt ra nhiều. Bởi lẽ tình hình người Trung Quốc nhập cứ vào Việt Nam tăng lên qua từng năm và trong số đó vi phạm pháp luật Việt Nam không hiếm.
Người Việt quản lý rất tốt người Việt, không lý gì đối với người nước ngoài và người Trung Quốc chúng ta lại không làm hiệu quả.
TS Đinh Thế Hưng
Giải pháp đầu tiên là kiểm soát được người nước ngoài, người Trung Quốc vào Việt Nam. Họ vào nước ta với mục đích gì, đi đâu, làm gì chính quyền không thể không biết, dù chúng ta có hệ thống cơ quan lý nhân khẩu hộ khẩu đồ sộ từ trung ương đến địa phương, chưa kể các tổ chức khác trong hệ thống chính trị làm việc này.
Người Việt quản lý rất tốt người Việt, không lý gì đối với người nước ngoài, người Trung Quốc chúng ta lại không làm hiệu quả.
Pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của lực lượng công an quận, huyện, thị xã trong quản lý người nước ngoài để nâng cao tinh thần, trách nhiệm và sự chủ động trong công tác đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và công an địa phương.
Chấn chỉnh hoạt động bảo lãnh nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam nhưng thực chất là lao động, cư trú bất hợp pháp. quy định cụ thể việc miễn thị thực, hủy thị thực và quy định loại đối tượng, điều kiện và hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài như trục xuất, hủy thị thực, buộc xuất cảnh hoặc rút ngắn thời hạn thị thực.
Ngoài ra, cần xây dựng hướng dẫn xác định chế tài trong trường hợp người nước ngoài tạm trú tại cơ sở lưu trú mà chủ cơ sở lưu trú không biết; xác định người chịu trách nhiệm khai báo tạm trú trong trường hợp cơ sở lưu trú được cho thuê qua nhiều người.
Giải pháp thì đã đầy đủ, quan trọng là tổ chức thực hiện và truy cứu trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật trong quản lý và thực hiện pháp luật về người nước ngoài ở Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
(C.H sưu tầm)