Cuộc điện đàm gây rắc rối cho Trump

Ngày đăng: 03:57 25/09/2019 Lượt xem: 377

Cuộc điện đàm gây rắc rối cho Trump

Trump cho rằng việc đề cập Joe Biden khi điện đàm với Tổng thống Ukraine không phải là vấn đề lớn nhưng quốc hội Mỹ không nghĩ vậy.

Những rắc rối đối với Trump bắt đầu khi một người tố giác giấu tên làm việc trong tình báo Mỹ đệ đơn tố giác vào tháng 8. Anh ta nói rằng đã nhìn thấy hoặc nghe thấy những điều đặt ra "mối lo ngại khẩn cấp", nhắc đến cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng tháng 11/2018. Ảnh: Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng tháng 11/2018. Ảnh: Nhà Trắng.

Những tố giác kiểu này thường được báo cáo lên quốc hội trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Joseph Maguire, người được Trump bổ nhiệm, đã từ chối làm vậy.

Nhiều hãng truyền thông đưa tin rằng Trump gây áp lực với Zelenskiy để điều tra con trai của cựu phó tổng thống Joe Biden là Hunter Biden, người từng làm việc trong hội đồng quản trị của công ty năng lượng Ukraine Burisma. Người sáng lập doanh nghiệp này là Mykola Zlochevsky, giữ chức bộ trưởng tài nguyên Ukraine năm 2010 - 2012 và từng bị tổng công tố viên Viktor Shokin điều tra.

Trump và các đồng minh, bao gồm luật sư riêng của ông, Rudolph Giuliani, cáo buộc Biden đã sử dụng vị trí phó tổng thống Mỹ và quan hệ với Kiev vào năm 2016 để giúp Burisma né cuộc điều tra hình sự. Shokin bị sa thải chức tổng công tố viên tháng 3/2016, sau chưa đầy 14 tháng giữ vị trí. Biden bị cáo buộc đã dọa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko rằng Mỹ sẽ không cho họ vay tiền trừ khi Shokin bị sa thải.

Hôm 22/9, Trump xác nhận ông đã thảo luận về bố con Biden với Zelenskiy và cáo buộc hai người này tham nhũng nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. "Cuộc trò chuyện của chúng tôi phần lớn là về tham nhũng, tất cả những vụ tham nhũng đang diễn ra", ông nói. "Chúng tôi không muốn công dân Mỹ như cựu phó tổng thống Biden và con trai ông ấy liên quan đến nạn tham nhũng ở Ukraine".

Cáo buộc của Trump bị nghi ngờ là mang động cơ chính trị. Joe Biden nhiều khả năng sẽ là ứng viên đại diện của đảng Dân chủ và một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy Biden có thể đánh bại Trump.

Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại Delaware ngày 24/9. Ảnh: AFP.

Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại Delaware ngày 24/9. Ảnh: AFP.

Nội dung cuộc điện đàm này là vấn đề nghiêm trọng vì luật Mỹ quy định chiến dịch chính trị không được chấp nhận "điều có giá trị" từ chính phủ nước ngoài. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng việc Trump thúc giục nước ngoài điều tra đối thủ trong cuộc bầu cử sẽ vi phạm quy tắc này.

Hơn nữa, Trump còn bị nghi ngờ đe dọa từ chối viện trợ cho Ukraine để gây sức ép về vấn đề này. Khoảng một tháng sau cuộc điện đàm, Mỹ đã trì hoãn viện trợ quân sự 250 triệu USD và 141 triệu USD từ Bộ Ngoại giao. Hôm 24/9, Tổng thống xác nhận ông hoãn các khoản viện trợ nhưng tuyên bố ông làm như vậy vì lo ngại Mỹ đóng góp nhiều hơn so với các nước khác.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy tuần trước cho biết ông đã gặp Zelensky và rõ ràng là người Ukraine lo ngại cả về việc viện trợ bị cắt đứt lẫn lời kêu gọi điều tra Biden. "Zelensky không kết nối rõ ràng hai sự việc trong cuộc họp với chúng tôi, nhưng ông ấy bày tỏ lo lắng về cả hai vấn đề. Tôi khuyên Zelensky bỏ qua các yêu cầu từ chiến dịch của Trump và ông ấy đồng ý", Murphy cho biết.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 24/9 tuyên bố hạ viện Mỹ sẽ bắt đầu một cuộc điều tra luận tội Trump. "Các hành động của Tổng thống đã vi phạm nghiêm trọng hiến pháp. Tổng thống phải chịu trách nhiệm. Không ai được đứng trên pháp luật", bà nói.

Pelosi từ lâu đã từ chối làm theo lời thúc giục của các nghị sĩ đảng Dân chủ là luận tội Trump về các liên kết của ông với Nga. Nhưng những tiết lộ về cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine càng làm vấn đề này được thúc đẩy.

Tuy nhiên, hạ viện Mỹ chỉ có thể bắt đầu tiến trình luận tội sau khi cuộc điều tra của các ủy ban kết luận người đứng đầu Nhà Trắng có các hành vi sai trái. Sau khi được hạ viện thông qua, các cáo buộc chống lại tổng thống sẽ được trình lên thượng viện để xem xét. Tổng thống Mỹ chỉ bị phế truất nếu 2/3 thành viên thượng viện thông qua việc luận tội. Kịch bản này khó xảy ra với Trump, bởi thượng viện Mỹ hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Khi Trump được hỏi hôm 23/9 rằng ông có nhìn nhận vấn đề luận tội này một cách nghiêm túc không, Trump trả lời "hoàn toàn không" và vẫn chĩa mũi nhọn về phía Biden.

"Chúng tôi đã có một cuộc điện đàm hoàn hảo với Tổng thống Ukraine", Trump nói. "Mọi người đều biết đây lại là một cuộc 'săn phù thủy' của đảng Dân chủ. Người có vấn đề ở đây là Biden", ông nói.

Phương Vũ (Theo CNN/Guardian)

tin tức liên quan